Quốc hội Việt Nam có thể giám sát đến cùng lời hứa của lãnh đạo bên Chính phủ?

Lời hứa từ lãnh đạo các cấp có được thực thi đến nơi đến chốn?  Đây là câu hỏi được đặt ra  sau khi Chủ nhiệm Văn phòng kiêm Tổng Thư ký Quốc Hội nói với báo chí rằng đại biểu Quốc Hội phải thực hiện quyền giám sát, quyền chất vấn để yêu cầu viên chức chính phủ giải trình vì sao chưa thực hiện lời hứa hoặc đến bao giờ mới làm được.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn câu trả lời của ông Nguyễn Hạnh Phúc tại cuộc họp báo hôm 19 tháng 10 rằng Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp tất cả các báo cáo từ các bộ, ngành chính phủ, hệ thống hóa và gửi đến các đại biểu Quốc hội. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đó là nguồn thông tin hết sức quan trọng để các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát, quyền chất vấn tại Kỳ họp thứ X, yêu cầu Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành giải trình rõ tại sao chưa làm được, vướng mắc ở đâu và hứa đến bao giờ thực hiện được.

Dựa trên câu trả lời của Tổng thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc, được báo trong nước tường thuật lại, Kỳ họp lần X, Quốc Hội khóa XIV này sẽ là phiên chất vấn mở, bất kỳ thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành nào cũng phải sẵn sàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc Hội.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội Việt Nam, cho biết Kỳ họp lần thứ X chỉ là sử dụng chức năng giám sát xem thành viên chính phủ, viên chức ban ngành trả lời thế nào về việc đã, chưa hoặc không thực hiện được lời hứa đã đưa ra với quốc hội trước đó:

Trên cơ sở thực hiện quyền giám sát tối cao thì đây là cuộc tổng kiểm điểm. Kỳ họp lần này thì Quốc Hội có chương trình là nghe các cơ quan hữu quan, ban ngành đã phát biểu và hứa trước Quốc Hội thì đã thực hiện đến đâu. Cơ quan  thẩm định trước nhất là Hội Đồng Dân Tộc và các Ủy Ban, nhưng thường thì Mặt Trận Tổ  Quốc có bài tổng kết, đọc lại, nhắc lại những lời hứa và những lời hứa nào đã được thực hiện. Bây giờ là chuẩn bị hết nhiệm kỳ rồi thì thực hiện Kỳ họp để đánh giá, để khẳng định đơn vị do Quốc Hội phê chuẩn có xứng đáng tiếp tục hay không, hay là hứa cuội, hứa lèo trước Quốc Hội” .

  yyy
Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quỗc hội ở Hà Nội hôm 22/10/2018
Reuters

Và nếu bảo phiên chất vấn sẽ rất mở cũng chẳng phải chuyện mới, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội Trần Quốc Thuận nói tiếp. Vấn đề quan trọng, theo ông, là Quốc Hội thực sự có giám sát được đến cùng những lời hứa của lãnh đạo không:

Việc trả lời và chất vấn trở lại, có nghĩa là tranh luận trước Quốc Hội  không phải là quá ít. Thỏa đáng hay không thỏa đáng thì Quốc Hội có Nghị Quyết với nội dung nếu chưa được 100%, dưới 50% , thì người hứa có thể bị xem xét tư cách có nên tiếp tục cho làm hay không. Trong các năm vừa qua chưa có cuộc bỏ phiếu nào mà ai bị dưới 50% cả”.

Trên thực tế, đại biểu quốc hội Việt Nam là đại biểu kiêm nhiệm, bị ràng buộc bởi cơ chế và lãnh lương từ ngân sách, luật sư Trần Quốc Thuận phân tích tiếp, vì thế những cuộc tranh luận, chất vấn, giám sát trên sàn Quốc Hội mà gọi là mở thì lại có hạn chế của nó:

Cho nên là mình hỏi mình, mình trị bệnh cho mình, mình tự mổ xẻ mình  Việt Nam là một đảng lãnh đạo, tỷ lệ đảng viên trong Quốc Hội là trên 95% . Đôi khi chất vấn đến chỗ nóng quá  người ta  bèn bảo “ thôi được rồi, tới đó là tốt rồi”…Cho nên là nó có điểm dừng”.

“Công khai là tốt nhưng bản chất cũng chưa có gì nỗi trội. Bản chất của nó là người trả lời và người chất vấn phải đứng ở vị trí gọi là đảm bảo trước nhất không có ý kiến trái với chủ trương của đảng. Những người mà hầu hết là  đảng viên thì không thể nói những gì vượt qua chủ trương qui định của Đảng cả. Hiện giờ trong nội bộ đảng vẫn chưa thực hiện được đầy đủ việc ứng cử, bầu cử, đề cử và tranh cử, cho nên chất vấn công khai, trả lời trở lại một cách trung thực thì tôi dùng chữ chỉ là mơ thôi”.

Việc trả lời và chất vấn trở lại, có nghĩa là tranh luận trước Quốc Hội  không phải là quá ít. Thỏa đáng hay không thỏa đáng thì Quốc Hội có Nghị Quyết với nội dung nếu chưa được 100%, dưới 50% , thì người hứa có thể bị xem xét tư cách có nên tiếp tục cho làm hay không. Trong các năm vừa qua chưa có cuộc bỏ phiếu nào mà ai bị dưới 50% cả – LS Trần Quốc Thuận

gia kiêm nhà nghiên cứu độc lập, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hoan nghênh nỗ lực giám sát đến cùng những lời hứa của viên chức chính phủ:

Quyết tâm giám sát một cách nghiêm túc và rõ ràng như vậy theo tôi là tốt.  Rất nhiều việc đã được hứa thí dụ tốc độ cổ phần hóa những xí nghiệp Nhà Nước thế nào, tỷ lệ trồng rừng hay trồng mới các rừng bị chặt hạ ra sao, tỷ lệ xóa đói giảm nghèo vùng miền tiến bộ đến đâu…vân vân. Việc thực hiện đến mức độ nào cần phải được xem xét, chất vấn để cho bộ máy làm việc có hiệu quả hơn”.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng hầu hết đại biểu Quốc Hội đều là đảng viên kiêm viên chức Nhà Nước, nên phiên chất vấn đòi giải trình vì sao chưa thực hiện lời hứa hoặc đến bao giờ mới làm được, cuối cùng đâu cũng vào kiểu ta tự chẩn bệnh và tự mổ xẻ cho ta thôi. Nhận xét về ý kiến này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng nên nhìn phiên chất vấn ở Quốc Hội như cơ hội vừa hợp tác vừa đấu tranh giữ bộ này với bộ nọ, ngành này với ngành kia, thì vai trò giám sát của Quốc Hội mới đạt hiệu quả:

Theo tôi việc các cơ quan khác nhau vừa hợp tác mà vừa có sự đấu tranh với nhau là điều rất bình thường. Bởi vì giữa các bộ thì phải hợp tác với nhau để thực hiện công việc, nhưng mà giữa các bộ có thể cũng có nhiều vấn đề chưa nhất trí, chưa thống nhất, thậm chí là chưa hài lòng với nhau. Nếu những việc như vậy được trình bày một cách thẳng thắn, khi chất vấn phải đưa ra những câu hỏi cụ thể, phải có chứng minh, đấu tranh như vậy theo tôi là lành mạnh, nên coi là việc bình thường”.

Ngày nào mà Việt Nam còn duy trì hình thức lập pháp với hơn 90% đảng viên của một đảng cầm quyền, ngày đó người dân vẫn nhìn vào thực tế để không tin vào vai trò giám sát của Quốc Hội, là nhận định của ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân Vận Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam:

Quốc Hội nhưng không phải là chỗ tập họp của quốc dân mà là chỗ tập họp của 90% đảng viên của đảng. Đa số là cán bộ bên chính quyền,  lãnh đạo đảng rồi bí thư các thứ nhảy vào ngồi. Bởi vậy cái tính chất gọi là Quốc Hội không rõ đâu. Thế thì giám sát được ai, tay mặt giám sát tay trái hay là thế nào?”.

“Nếu mà giám sát được thì đã không để cho thủy điện tràn lan, phá rừng tràn lan. Tôi nhớ cách đây hơn một năm ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng. Sau khi tuyên bố thì không thấy động thái gì, qui định gì, thủ tục gì để thực hiện việc đóng cửa rừng. Quốc hội cũng  chả giám sát được.

Quốc Hội có dám giám sát những Nghị Quyết của đảng bao nhiêu năm nay làm được hay không? Cho nên nói giám sát là nói cho vui, là mị dân thôi.  Quốc Hội này có làm được cái nhiệm vụ giám sát hay không đấy là vấn đề”.

Theo lời Chủ nhiệm Văn Phòng kiêm Tổng Thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc nói với báo chí, sau khi phiên chất vấn trong kỳ họp X Khóa XIV kết thúc, một Nghị Quyết sẽ được chuyển cho Quốc hội Khóa XV để tiếp tục giám sát và chất vấn.

Related posts