Quy mô thương mại của Việt Nam có thuộc nhóm top 20 thế giới?

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại phiên chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực công thương tại Quốc hội hôm 4/6/2024 đã cho rằng ‘Việt Nam là một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế’.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 7/6/2024 nhận định với RFA về việc này:

“Tôi không hiểu ông Trần Thanh Mẫn dựa vào đâu để có thể nói rằng Việt Nam là một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế.

Nếu tính về tổng thu nhập quốc dân thì những nước nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất đều có thu nhập khoảng gần một ngàn tỉ đô la Mỹ trở lên. Trong khi tổng thu nhập của Việt Nam hiện nay mới chỉ có hơn 400 tỉ đô la Mỹ, còn rất xa.”

Còn nếu tính dựa vào tổng lượng xuất khẩu thì theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ, Việt Nam cũng không thể nằm trong nhóm 20 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Ông Vũ lý giải:

“Muốn vào nhóm này thì lượng xuất khẩu năm 2023 phải trên 400 tỉ đô la Mỹ, trong khi đó tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới khoảng 350 tỉ đô la Mỹ.”

Theo Tổng Cục Thống kê, Quy mô GDP theo giá hiện hành của Việt Nam năm 2023 ước đạt 10.221,8 ngàn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD.

Còn Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 của Việt Nam theo Tổng Cục Thống kê, ước đạt 355,5 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, chiếm 73,1%.

Tôi không hiểu ông Trần Thanh Mẫn dựa vào đâu để có thể nói rằng Việt Nam là một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế.
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ

Cũng tại phiên chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực công thương tại Quốc hội hôm 4/6/2024, khi cho rằng ‘Việt Nam là một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế’… Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dẫn thông tin: “Việt Nam có 16 hiệp định thương mại tự do đã được đưa vào thực thi với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.”

Đời sống người dân Việt Nam có tương xứng với những thứ hạng về kinh tế mà Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên bố? Một người dân ở miền Trung, làm việc trong lĩnh vực kinh tế – xây dựng, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 7/6/2024 khi nhận xét với RFA về thực tế hiện nay ở Việt Nam cho rằng, Việt Nam đứng thứ hạn mấy chỉ là số lượng, không nói lên quy mô thương mại. Theo ông này, chất lượng mới quan trọng, chất lượng ở đây được biểu hiện ở con số kim ngạch xuất-nhập khẩu giữa Việt Nam với các đối tác. Ông này cho biết thêm:

“Nói về đời sống người dân có tương xứng so vói thành tựu kinh tế VN đạt được hay không, thì tôi cho rằng chưa tương xứng. Điều này biểu hiện gần 100 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm 2024, theo số liệu báo chí nhà nước công bố, đã kéo theo nhiều người lao động thất nghiệp. Đã thất nghiệp sẽ dẫn đến đời sống của người lao động sẽ gặp khó khăn.

Mặt khác, việc điều chỉnh lương hưu đối với người về hưu trước 1.7.2024, tăng khoảng 15% so với mức lương hưu nhận tháng 6.2024, là nhằm giảm khó khăn về đời sống đối với đối tượng này. Đối với cán bộ công chức đang làm việc và người về hưu từ 1.7.2024 trở đi cũng được áp dụng theo hệ thống lương mới, nằm trong lộ trình cải cách chế độ tiền lương, cũng không nhằm mục đích nâng lương so với mức lương cũ đã lạc hậu. Việc nâng lương này cũng là để giải quyết khó khăn về đời sống.”

Tuy nhiên người này cho rằng, vấn đề cơ bản và lâu dài vẫn là GDP có tăng lên không, trong GDP có xuất khẩu trừ đi nhập khẩu và năng suất lao động xã hội nói chung, từng ngành nghề nói riêng có được tăng lên hay không. Nếu GDP tăng mà chỉ số lạm phát không kiềm chế cho phù hợp thì theo ông này, việc tăng lương cũng vô nghĩa nên đời sống người dân cũng không được tăng lên!

000_34TA9PJ.jpg
Ảnh minh họa: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại một phiên họp Quốc hội hôm 20/5/2024. AFP.

Theo Bộ Công thương đến nay, Việt Nam đã ký kết 19 Hiệp định Thương mại Tự do, song phương và đa phương với một số nền kinh tế trên thế giới. Trong đó 16 Hiệp định Thương mại Tự do đã có hiệu lực thực thi.

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ thì cho rằng, với các Hiệp định Thương mại Tự do, Việt Nam hiện nay chỉ thu hút được đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) nhằm gia công sản phẩm công nghiệp nhẹ để xuất khẩu dựa vào công nhân tay nghề thấp và ưu đãi về thuế. Ông Vũ nói tiếp:

“Ở những ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao, nhiều vốn đầu tư, và lực lượng lao động chất lượng cao, rất ít các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư hay mở rộng. Thay vào đó họ chọn các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, hay Indonesia. Đặc điểm của các nước này là hệ thống chính trị dân chủ, luật pháp rõ ràng, thể chế ổn định, có lực lượng lao động chất lượng cao, giáo dục và hạ tầng tiên tiến, có sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền.”

Do đó theo ông Vũ, nếu Việt Nam muốn vươn lên và muốn trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các dự án đầu tư chất lượng cao từ bên ngoài, nó buộc phải thể hiện rằng nó có nhiều ưu điểm hơn so với các nước khác trong khu vực.

Nói về đời sống người dân có tương xứng so vói thành tựu kinh tế VN đạt được hay không, thì tôi cho rằng chưa tương xứng.
-Một người dân

Để tìm hiểu thêm, RFA hôm 7/6/2024 liên lạc Tiến sĩ Lê Đăng Doanh ở Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, và được ông nhận định:

“Việt Nam đã ký cho đến nay là 19 Hiệp định Thương mại Tự do – Free Trade Agreement. Các Hiệp định Thương mại Tự do đó đã tạo điều kiện cho Việt Nam tăng xuất khẩu và tỷ lệ xuất nhập khẩu của Việt Nam trên GDP vượt 200 % GDP. Như vậy cả xuất lẫn nhập đều cao hơn GDP, nhưng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là đã tận dụng tốt hơn các điều khoản của các Hiệp định Thương mại Tự do đó. Còn doanh nghiệp trong nước thì còn nhỏ và chưa tiếp cận được kịp thời được, cho nên chưa tận dụng được hết các lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do…”

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Chính phủ Việt Nam cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng những lợi ích của các Hiệp định Thương mại Tự do. Ông giải thích thêm:

“Chính phủ cần phải tiếp tục giảm thuế VAT, tiếp tục các gói trợ giúp, ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa… để tạo ra lao động và tăng xuất khẩu. Hiện nay Việt Nam Xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản… chủ yếu là dạng chưa chế biến, dạng thô… Nếu như Việt Nam liên kết với nhau, rồi kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu ở các nước nhập khẩu hàng của Việt Nam, và tăng tỷ lệ chế biến sâu hơn, thì Việt Nam sẽ có được lợi nhiều hơn và giá trị gia tăng sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên.”

Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam phải cải cách thể chế, bộ máy để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, giảm bớt các chi phí ngoài pháp luật và giảm tham nhũng.

Related posts