Sách của cố TBT – công cuộc xây dựng “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” còn dang dở?

Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian lãnh đạo, đã cho xuất bản nhiều tựa sách và được cấp dưới rầm rộ phát hành. Hiện tượng đó được nhận định thế nào?

Hàng hàng loạt sách được phát hành

Một cuốn sách viết về Quốc hội của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được phát hành chỉ ba ngày trước khi ông qua đời.

Như vậy, chỉ tính trong năm nay, có năm cuốn sách của TBT Nguyễn Phú Trọng đã được phát hành, bao gồm: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (21/6/2024); cuốn sách điện tử “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”  (tháng 3/2024); hai cuốn sách có tên “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững” và  “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” (tháng 2/2024).

Năm cũng là số tựa sách của TBT Nguyễn Phú Trọng được ra mắt và giới thiệu rầm rộ trong năm 2023, bao gồm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (2/2023); “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” (7/2023); “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” (10/2023); “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” (18/11/2023) và “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” (21/11/2023).

Ngoài ra, còn nhiều quyển sách khác của ông Trọng được phát hành trong suốt 13 năm giữ chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản. Một vài quyển được chú ý như “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (9/2022) hay “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước” (3/2017). 

Nhà văn Nguyễn Viện, đang ở TPHCM, nói với RFA rằng những cuốn sách được phát hành khi ông Trọng còn ở đỉnh cao quyền lực. Ông ấy cũng từng là sinh viên khoa văn và chú trong tới lý thuyết nên muốn để lại dấu ấn của riêng mình cho đời sau:

“Tôi nghĩ  cũng là tham vọng bình thường của những người vốn đang nắm quyền lực. Việc ra sách của ông ấy nó cũng chỉ nằm trong cái cái ước muốn là ông ấy để lại một cái điều gì đó, một cái dấu ấn của mình cho đời sau. 

Sách của ông ấy bây giờ có lẽ là chỉ nhấn mạnh những cái việc về việc xây dựng Đảng, xây dựng tư cách Đảng viên hay là xây dựng lý tưởng. Tôi nghĩ nó như là sách giáo khoa cho đảng viên thì điều đó với cái cương vị ông Trọng thì nó đúng thôi chứ không có vấn đề gì.”

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thạc sỹ ngành Chính sách công, cho RFA biết  việc ông Trọng ra mắt hàng loạt các cuốn sách như vừa nêu có hai nguyên do chính. Thứ nhất đến từ chủ đích từ chính cá nhân ông Trọng. Ông Trọng là người tự nhận là nhà lý luận. Ông thường xuyên có những phát ngôn cũng như là các cái bài viết, nói… mang cái tính chất ý thức hệ và cũng nói nhiều về vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào. Cả cuộc đời của ông Trọng là làm công tác lý luận, công tác tuyên giáo:

“Không ai có thể tranh cãi cái chuyện là ông Trọng là người trong khoảng 10 năm vừa qua là người quyền lực nhất ở Việt Nam. Và khi mà một người quyền lực nhất của đất nước mà lại là một nhà lý luận như thế thì từ phía ông Trọng cũng sẽ yêu thích những cái việc xuất bản, sách vở những cái nguyên tác phẩm, lý luận của bản thân ông là tác giá. Đó là từ cái phía của ông Trọng.”

Thứ hai, theo ông Tuấn, việc phát hành sách vở là do cán bộ cấp dưới muốn lấy lòng ông Trọng:

“Họ cũng muốn nịnh bợ ông Trọng, Và như vậy là xuất bản sách rất là nhiều, Không phải chỉ là xuất bản không mà còn tổ chức những cái sự kiện rất là linh đình ra mắt sách.”

Xây dựng “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”,

Theo quan sát của ông Nguyễn Anh Tuấn, đây cũng là lần đầu tiên mà trong khoảng thời gian vài thập kỷ vừa qua có hiện tượng người đứng đầu Đảng xuất bản một số sách nhiều như vậy và lại tổ chức những cuộc thi học tập rất là rình rang. Trước đây chỉ có những đợt học tập, nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc một số tiền bối cách mạng khác như Trường Chinh mà thôi:

“Ông Trọng có thể nói là một cái chuyện biệt lệ trong cái khoảng thời gian vài chục năm trở lại đây. Vài chục năm trở lại đây, nhất là kể từ sau khi mà cái chuyện sùng bái cá nhân bị bãi bỏ thì mình không thấy hiện tượng toàn đảng sinh hoạt chính trị mà học tập rộng khắp một tác phẩm của bất kỳ một vị lãnh đạo nào trong đảng, trong nhà nước hết cả.”

Để lý giải cho hiện tượng này, ông Tuấn cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam thời ông Trọng học tập theo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu nhìn qua Trung Quốc, kể từ khi Tập Cận Bình lên thì bắt đầu giới thiệu cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình” và có tham vọng xây dựng một cái hệ tư tưởng riêng cho sự phát triển Chủ nghĩa Xã hội ở Trung Quốc. Tư tưởng Tập Cận Bình, hiện đã được đưa vào trong Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó cũng là điều chưa có tiền lệ ngay cả bên Trung Quốc. Những đợt học tập chính trị về tư tưởng Tập Cận Bình nở rộ khắp Trung Quốc trong 10 năm qua làn sang cả các cấp học của hệ thống giáo dục Trung Quốc: 

“Thế thì ở Việt Nam, có thể là họ chưa đưa ra một cái gọi là “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”, nhưng mà có thể họ nghĩ rằng những bước đi giống bên Trung Quốc góp gần củng cố nền tảng tư tưởng trong toàn Đảng và họ nghĩ rằng đó là bước đi có lợi cho sự cầm quyền của Đảng Cộng sản nên họ áp dụng nó về Việt Nam.”

Bằng chứng cho việc Việt Nam đang cố học theo Trung Quốc, theo ông Tuấn, là các cuốn sách của ông Trọng và ông Tập đa phần có cấu trúc giống nhau. Nó chủ yếu là tập hợp các bài viết, bài phát biểu của ông ấy trong suốt những năm nắm quyền. Không giống như các loại sách thông thường, nó như là một cái văn kiện tập hợp một cách gượng ép các bài nói, bài viết của một nguyên thủ hơn. Nó không có cấu trúc chỉn chu bài bản, logic của một cuốn sách chính luận thường thấy ở các tác giả khác. 

Ngoài ra, các cuốn sách của ông Tập Cận Bình được dịch và in ra tiếng Anh thì một vài cuốn sách của ông Trọng cũng được phát hành ở Hàn Quốc và có mặt ở các hội chợ sách quốc tế lớn.

Nhưng còn dang dở…?

Theo đánh gia của ông Tuấn, trong thời gian ông Trọng làm TBT, Đảng cũng chỉ nói tới vai trò lãnh đạo hạt nhân của ông Trọng thôi chứ chưa khoác cái áo “lãnh tụ hạt nhân” hay “lãnh đạo hạt nhân” cho ông Trọng. Các tác phẩm của ông ấy cũng chỉ học tập trong Đảng thôi chứ chưa phổ biến rộng khắp ra ngoài xã hội, hay bắt các em sinh viên phải học như Trung Quốc đã làm.

Theo ông Tuấn có bốn cái giả thiết chính có thể lý giải cho chuyện Đảng Cộng sản Việt Nam mặc dù có những cái bước đi cụ thể để cố gắng lan toả ý thức hệ ở trong xã hội thông qua những cái gọi là “tác phẩm của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng”, nhưng mà chưa thể xây dựng được một cái gọi là “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” tương tự như “Tư tưởng Tập Cận Bình” ở bên Trung Quốc. 

Thứ nhất là do điều kiện sức khoẻ không tốt của ông Trọng.

Thứ hai, theo ông Tuấn, là chính ông Trọng chần chừ không muốn đi theo con đường sùng bái cá nhân. Đã có thời điểm, khi ông Trọng là thống soái trong Đảng, ông đã có cơ hội nhất thể hoá Tổng bí thư và Chủ tịch nước như Trung Quốc, nhưng cuối cùng chuyện đó đã không xảy ra:

“Có thể là từ phía ông Trọng cũng không nghĩ đó là một cái phương án tốt. Bởi vì, sau cái thời của ông,  với cái việc nhất thể hóa như vậy thì chính trị Việt Nam chắc chắn sẽ đi vào vòng xoáy của cá nhân. 

Và khi mà giao hết cho một cá nhân thì cái sự rủi ro sẽ rất là cao. Nếu như mà quá phụ thuộc vào một cá nhân thì rất dễ dẫn tới cá nhân đó mà sai lầm nghiêm trọng thì Đảng Cộng sản có thể là mất đi quyền lực của mình.”

Điểm thứ ba, theo ông Tuấn, ngay khi ông Trọng có muốn học theo Trung Quốc để xây dựng “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng” cũng khó thực hiện được Đảng Cộng sản Việt Nam không có truyền thống lãnh đạo “tập trung quyền lực cá nhân” sâu sắc như Trung Quốc:

“Vậy thì ngay cả khi ông Trọng có muốn thì cũng rất là khó cho ông Trọng để thuyết phục trong Đảng là chấp nhận học theo Trung Quốc tới cái mức độ như vậy, là giới thiệu “Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”, phổ cập nó trên mọi phương diện xã hội.”

Thứ tư, môi trường ngôn luận ở Trung Quốc bị kiểm soát chặt hơn, nên khi đưa ra “Tư tưởng Tập Cận Bình” thì sẽ không ai dám phản kháng. Trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa kiểm soát được truyền thông đến mức như vậy:

“Chắc chắn là ông Trọng Cũng như cái tư tưởng Nguyễn Phú Trọng thì sẽ bị phê phán một cách rất là kịch liệt, đôi khi còn bị mỉa mai, đem ra làm trò cười. Nó cũng lại là “lợi bất cập hại”, chưa chắc đó là cái điều mà họ đã muốn làm.”

Ông Nguyễn Viết Dũng, một nhà hoạt động chính trị, nhận thấy rằng tuy ông Nguyễn Phú Trọng đã ra nhiều sách như vậy nhưng cho đến nay cụm từ “Tư  tưởng Nguyễn Phú Trọng” ít thấy ai nhắc đến: 

“Tôi cũng không thấy có người dân nào mà lại bỏ tiền mua những ấn phẩm như vậy. Những ấn phẩm này chủ yếu được phân phối theo như một hình thức chỉ tiêu. Như vậy có thể thấy ý định rõ ràng ông Trọng có ý muốn học tập theo ông Tập. Tuy nhiên, kết quả thu được thì có lẽ không được như ông ấy mong muốn.”

Related posts