Nhân dịp Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam tiến hành Đối thoại Nhân quyền, tám tổ chức nhân quyền và xã hội dân sự của Việt Nam và quốc tế đã viết thư chung kêu gọi EU hối thúc Hà Nội tôn trọng các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Thư chung, được các tổ chức trong đó có Hiến chương 19 (Article 19), Manushya Foundation, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Mạng lưới Dân chủ Châu Á… được công bố ngày 4/7 khi khối 27 quốc gia EU cùng Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại lần thứ 12 tại thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ).
Trong thư chung, tám tổ chức bày tỏ quan ngại về việc chính quyền độc đảng ở Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và lập hội, vi phạm các nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế cho dù Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 và muốn tiếp tục ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong thư chung, các tổ chức ký tên cũng dẫn Báo cáo Biểu đạt Toàn cầu năm 2024 của tổ chức Hiến chương 19 trong đó Việt Nam được xếp vào nhóm “đang gặp khủng hoảng” do bị hạn chế nghiêm trọng về quyền tự do ngôn luận.
“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng EU, với tư cách là cơ quan ủng hộ nhân quyền tận tâm, nên có hành động quyết đoán để giải quyết những lo ngại này và có lập trường vững chắc và kiên định trong việc bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam,” các tổ chức nói.
Các tổ chức cho rằng Việt Nam có nhiều điều luật chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền như các điều luật 109, 117 và 331 của Bộ luật Hình sự (2015), Luật An ninh mạng (2018) và dự thảo mới Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ có thể sớm yêu cầu người dùng mạng xã hội sử dụng danh tính thật và bắt buộc các nền tảng phải xác minh danh tính người dùng.
“Chúng tôi kêu gọi EU gây áp lực lên Chính phủ Việt Nam để bãi bỏ hoặc sửa đổi các luật này và nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh luật pháp quốc gia của Việt Nam cho phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế,” thư chung viết.
Thư chung cũng dẫn báo cáo gần đây của tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) nói rằng Chính phủ Việt Nam đã nhắm mục tiêu một cách có hệ thống vào các nhà hoạt động, nhà báo và những người bày tỏ quan điểm bất đồng trên nền tảng kỹ thuật số, sử dụng các điều luật mơ hồ để biện minh cho việc bắt giữ và kiểm duyệt.
Các quy định hạn chế của Bộ luật Hình sự nhằm hình sự hóa các hoạt động được coi là “chống phá Nhà nước’ đã được sử dụng để bắt giữ và đe dọa các nhà báo, nhà hoạt động và lãnh đạo nhiều tổ chức phi chính phủ. Nạn nhân là ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nhà báo Phạm Đoan Trang, Trương Huy San (tức blogger Osin) và nhiều người dùng mạng xã hội khác.
Cô Emilie Palamy Pradichit, người sáng lập tổ chức Manushya Foundation đấu tranh cho nhân quyền và nữ quyền ở châu Á, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 05/7:
“Với tư cách là người bảo vệ quyền tự do ngôn luận, chúng tôi kêu gọi EU tận dụng ảnh hưởng của mình để buộc Chính phủ Việt Nam sửa đổi luật đàn áp và chấm dứt đàn áp những người thực hiện các quyền cơ bản của họ. Nói lên sự thật trước quyền lực không phải là một tội. Các cam kết của EU về nhân quyền phải được thể hiện bằng hành động quyết liệt nhằm bảo vệ tiếng nói của các nhà hoạt động và nhà báo tại Việt Nam.”
Trong thư chung, các tổ chức kêu gọi EU gây áp lực mạnh mẽ lên Chính phủ Việt Nam để xoá bỏ các các bản án hình sự đối với các nhà báo và nhà hoạt động nổi tiếng và yêu cầu chấm dứt mọi nỗ lực đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Các tổ chức cũng kêu gọi EU tiếp tục hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự và những người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, tạo điều kiện cho họ lên tiếng và đóng góp vào những thay đổi tích cực.
Theo các tổ chức này, EU nên khuyến khích các công ty công nghệ hoạt động tại Việt Nam sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Các doanh nghiệp này phải tuân thủ Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền (UNGP) và tôn trọng nhân quyền, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận.
Các công ty công nghệ phải phản đối các lệnh ngăn chặn và xóa bỏ bài viết do chính quyền Việt Nam yêu cầu và phải bảo đảm rằng họ không gây ra, góp phần hoặc trở thành đồng lõa trong các hành vi vi phạm nhân quyền. Ngay cả trong trường hợp Chính phủ Việt Nam lơ là nghĩa vụ của mình và khi luật pháp hoặc mệnh lệnh trong nước xung đột với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, các công ty nên tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực đến nhân quyền của các biện pháp đó với sự tham vấn đầy đủ của xã hội dân sự Việt Nam, thư chung viết.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của tám tổ chức nói trên, tuy nhiên chưa nhận được ngay câu trả lời.
Đối thoại EU-Việt Nam chưa hiệu quả
Tiếng nói của người dân bị ngăn chặn (ảnh minh hoạ- Reuters)
EU và Việt Nam đã trao đổi nhân quyền từ năm 1990 và đã có 11 cuộc đối thoại nhân quyền thường niên. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và cá nhân cho rằng vận động của EU không hiệu quả vì cho đến nay Việt Nam gần như không cải thiện một vấn đề nào được khối này nêu ra, như đánh giá của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
Theo một nhà hoạt động ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, nói rằng nếu chỉ xét nhân quyền giới hạn ở quyền trẻ em, người khuyết tật, bình đẳng giới hay LGBT (người đồng giới, người song tính, người chuyển giới) thì Việt Nam có một số bước tiến đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông, những tiến bộ này nó chẳng thấm vào đâu so với những chà đạp nhân quyền mà Việt Nam thực hiện trong vài năm gần đây. Ông nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 05/7:
“Nếu nhìn tinh ý, Việt Nam chỉ cải thiện những lĩnh vực nhân quyền mà ở đó nó không dính dáng gì đến quyền chính trị và dân sự- điều này đồng nghĩa là người dân vẫn đứng ngoài mọi quyết sách liên quan tới đời sống của họ.
Đảng Cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo mà không chia sẻ quyền lực với ai cả, bởi những quyền như quyền nghiệp đoàn, tự do báo chí, tự do ngôn luận hoặc đảng phái đều không có một chút cải thiện nào mà còn tệ hại.”
Về cách tiếp cận vấn đề nhân quyền Việt Nam của EU, người này cho rằng hoặc là EU ngây thơ và bị Hà Nội dắt mũi, hoặc là vì lợi ích kinh tế mà khối này nhắm mắt trước những chà đạp nhân quyền đó của Việt Nam.
Ông lấy ví dụ để EU ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự Do EU-Việt Nam (EVFTA), Hà Nội đã giả vờ cho những cá nhân đứng ra vận động cho nghiệp đoàn độc lập, trong đó có Vụ trưởng Vụ pháp chế Nguyễn Văn Bình thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội, với mục đích là để EU tưởng chừng Việt Nam sẽ ký thông qua Công ước 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên, sau khi EU phê chuẩn hiệp định thương mại quan trọng thì Việt Nam bắt bớ hàng loạt những người hoạt động môi trường, và cả những người vận động hành lang cho quyền lao động, nghiệp đoàn như Nguyễn Văn Bình và Trưởng ban Pháp chế và Chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Minh Tiến.
Một nhà hoạt động khác ở thành phố Hồ Chí Minh, người cũng muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho rằng EU không thật tâm về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Người này nói:
“Tôi cũng như rất nhiều người tranh đấu ở Việt Nam tin rằng cho đến lúc này, EU thật sự đang nuối tiếc vì đã đưa ra những ràng buộc về nhân quyền và những vấn đề công đoàn lao động với Việt Nam trong chuyện làm ăn, vì bởi thực sự những chi tiết trong các vấn đề đó chỉ làm bữa ăn của các quan chức EU trở nên khó nuốt trước dư luận hơn thôi, chứ ngoài ra thì họ không hề có một sự suy nghĩ nào thật tâm về chuyện Cộng sản Việt Nam đang lừa dối công khai, thậm chí đối phó ngày một bài bản mang tính trình diễn ngoại giao với EU.
Cách mà EU và Hà Nội đưa đẩy nhau về câu chuyện công đoàn lao động, về nhân quyền, nó đang giống như một bài nhảy đôi tango tàn nhẫn trên số phận của những tù nhân tranh đấu vì môi trường của Việt Nam, cũng như hàng loạt các vụ bắt bớ ngày càng tăng.”
Theo người này, trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức và cá nhân đã khuyến nghị nhưng EU “dường như cũng đã học được cách giỏi giả mù thực tế, không khác gì Cộng sản Việt Nam.”
Theo nhà hoạt động ở Hà Nội thì EU cần thay đổi cách đối thoại với Việt Nam về nhân quyền. Khối này cần phải gây thêm sức ép, bằng cách nào đó phải buộc Việt Nam cải cách thực sự về nhân quyền.
Theo người này, nếu Việt Nam không cải thiện nhân quyền, EU có thể đưa ra một số trừng phạt kinh tế hoặc là ngưng tài trợ cho các tổ chức nhà nước vì việc tài trợ này chỉ giúp xiết thêm thòng lọng vào cổ người dân Việt Nam trong khi quan chức cộng sản sẽ có thêm tiền và giàu có, quyền lực và vẫn tiếp tục ngả về Trung Quốc.