Theo dõi Nhân quyền Quốc tế: Thủ tướng Nhật cần thảo luận vấn đề nhân quyền với Việt Nam

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch – HRW) kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đưa vấn đề nhân quyền Việt Nam ra thảo luận với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm sắp tới của ông Phúc tới Nhật Bản.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tới Nhật dự lễ tang của cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào ngày 27/9 tới đây.

Trong bức thư đề ngày 25/9, HRW cho rằng tình hình nhân quyền của Việt Nam là tồi tệ trong các vấn đề về giam giữ tù chính trị, giới hạn quyền đi lại của người dân, tự do thông tin, tự do tín ngưỡng và tôn giáo.

Bức thư có đoạn viết:

Chính phủ cấm việc thành lập và hoạt động của các tổ chức, nhóm mà Đảng Cộng sản cho là gây nguy hại cho sự độc quyền của Đảng. Các giới chức thường xuyên ngăn chặn người dân tiếp cận các trang web và yêu cầu các công ty mạng xã hội và truyền thông phải gỡ bỏ các nội dung bị cho là có tính nhạy cảm chính trị. Những người công khai chỉ trích Nhà nước độc đảng trên mạng xã hội phải đối mặt với những đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại, bị hành hung, bị bắt giữ tùy tiện.”

Theo HRW, hiện Việt Nam đang giam giữ 164 tù chính trị. Từ đầu năm 2022 đến nay, các tòa án ở Việt Nam đã kết án tù ít nhất 25 người vì dám lên tiếng chỉ trích Chính phủ, vận động cho nhân quyền, môi trường.

HRW đề nghị Nhật Bản cả công khai và không công khai kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân chính trị; bỏ các điều luật trong Bộ luật Hình sự thường được dùng để truy tố các nhà bất đồng chính kiến; bỏ các điều trong Luật Tố tụng thường được dùng để cấm tù nhân chính trị gặp người thân và luật sư trong quá trình điều tra.

Trong các vấn đề về tự do thông tin, hạn chế quyền đi lại và tự do tôn giáo, tín ngưỡng, HRW cũng kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản nên có yêu cầu Chính phủ việt Nam phải tôn trọng các quyền cơ bản này.

Theo HRW, Nhật Bản nên kêu gọi Chính phủ Việt Nam cho phép các phái đoàn của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ, các nhà ngoại giao được vào Tây Nguyên nơi có nhiều người thiểu số sinh sống theo đạo Thiên Chúa bị đàn áp.

Related posts