Thí sinh ngủ quên: giám thị theo đúng quy chế hay vô cảm?

Vụ thí sinh ngủ quên trong phòng thi nên bị điểm liệt môn Ngoại ngữ gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua. Có người cho rằng giám thị máy móc thực hiện theo quy chế thi, có người cho rằng giám thị không hiểu quy chế thi.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa qua, một học sinh trường chuyên Phan Ngọc Hiển ở Cà Mau đã ngủ quên trong giờ thi môn tiếng Anh nên bị điểm 0 môn này. Dư luận xã hội lên tiếng mạnh mẽ qua các trang mạng xã hội lẫn báo chí chính thống của nhà nước.

Người ta cho rằng, trong một cơ chế máy móc, ai cũng sợ trách nhiệm; các giám thị coi thi sợ mình vi phạm quy chế thi nên không nhắc nhở em học sinh thức dậy làm bài mà chỉ gọi em dậy nộp bài. Không ai phủ nhận em học sinh có lỗi ngủ quên khi thi.

Chiều ngày 4 tháng 8, ông Nguyễn Thanh Luận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã ký báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Thanh Luận khẳng định hai cán bộ coi thi đã thực hiện đúng nhiệm vụ được Trưởng điểm thi phân công theo Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn về thi của Bộ.

Nếu cứ vin vào quy chế thi thì 03 vị giám thị coi thi (phòng có em thí sinh vì quá căng thẳng tâm lý và thần kinh vượt ngưỡng em không cưỡng được nên ngủ gục trong phòng thi) là quá vô cảm, vô lương tâm, ích kỷ chỉ lo làm sao mình không vi phạm quy chế thi đã làm mất đi cơ hội cho một học sinh giỏi. Nếu là tôi, tôi sẽ hành động theo lương tâm rồi sau đó có ra sao tính sau. – Thầy giáo Ngọc Sơn

Thầy giáo Ngọc Sơn bày tỏ cảm nghĩ của ông với RFA:

“Tôi vừa nghe Sở Giáo Dục Cà Mau vẫn khẳng định giám thị coi thi làm đúng quy chế. Tôi cũng nhiều năm làm công tác coi thi, giám thị coi thi nên giữ đúng tôn chỉ Kỹ Cương – Tình Thương- Trách Nhiệm. Nếu cứ vin vào quy chế thi thì 03 vị giám thị coi thi (phòng có em thí sinh vì quá căng thẳng tâm lý và thần kinh vượt ngưỡng em không cưỡng được nên ngủ gục trong phòng thi) là quá vô cảm, vô lương tâm, ích kỷ chỉ lo làm sao mình không vi phạm quy chế thi đã làm mất đi cơ hội cho một học sinh giỏi. Nếu là tôi, tôi sẽ hành động theo lương tâm rồi sau đó có ra sao tính sau.”

Lên tiếng với truyền thông nhà nước, ông Phạm Việt Hưng, Trưởng điểm thi Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết: “Về quy chế, giáo viên coi thi làm đúng quy định. Theo giáo viên coi thi thì tới giờ thu bài, thí sinh này chưa làm câu nào trên tờ giấy thi. Sau đó, em này có xin giám thị là cho tô đáp án vào bài thi, nhưng khi đó đã hết giờ, không còn hợp lệ nữa”.

Quy chế thi THPT 2022 có ghi: “Trong giờ làm bài, một cán bộ coi thi bao quát từ đầu phòng đến cuối phòng, cán bộ coi thi còn lại bao quát từ cuối phòng đến đầu phòng cho đến hết giờ thi; Cán bộ coi thi không được đứng gần thí sinh, giúp đỡ thí sinh làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào; chỉ được trả lời công khai các câu hỏi của thí sinh trong phạm vi quy định.”

Nhà giáo Đinh Kim Phúc, người từng giữ vai trò giám thị coi thi hàng trăm kỳ thi trong suốt 30 năm, từ năm 1983, cho hay, ông từng nhiều lần công khai gọi thí sinh đang ngủ gục trong phòng thi dậy làm bài. Điều đó không hề vi phạm quy chế thi. Theo ông, giám thị không hiểu quy chế thi chứ không phải đã làm đúng quy chế thi. Ông nói:

“Theo tôi, Giám thị 1 và Giám thị 2 không nắm vững những cái phương thức để giải quyết những tình huống trong sư phạm. Tình huống trong sư phạm không có nghĩa chỉ ở giờ lên lớp; không có nghĩa trong những giờ thực tập mà ngay cả trong thi cử. Em học sinh này chỉ buồn ngủ chứ nếu em bị vấn đề gì về sức khỏe thì sao nếu giám thị làm ngơ như thế?

Thêm vào đó, khi còn mười lăm phút nữa hết giờ làm bài thi thì bao giờ cũng có một hồi chuông. Giám thị phải nhắc các thí sinh xem lại các thông tin trên giấy thi, đề thi… nhưng em học sinh này vẫn tiếp tục ngủ và giám thị cũng chẳng làm gì. Giám thị cũng không báo cho giám thị hành lang để lên báo cho Hội đồng thi, thì tôi thấy cả một bộ máy của điểm thi trường Phan Ngọc Hiển là có vấn đề. Họ đọc không hiểu được quy chế thi chứ không phải họ làm đúng quy chế thi.”

Ảnh minh họa: Học sinh trường Marie Curie ở Hà Nội hôm 4/5/2020. AFP

Ông Đinh Kim Phúc nói thêm, không chỉ Giám thị 1 và 2 trong phòng thi có sai lầm mà cả Giám thị hành lang, Trưởng, Phó điểm thi và cả Thanh tra điểm thi. Riêng đối với Ban Giám đốc Sở Giáo dục Cà Mau phải được kiểm tra lại trình độ đọc hiểu văn bản.

Bà Nguyễn Thị Bích Hậu, tác giả nhiều cuốn sách về giáo dục như “Du học cho con nhà nghèo”; “Đồng hành du học cùng con”… viết trên Facebook cá nhân của bà: “Cuộc sống ở đâu cũng cần tôn trọng luật lệ và thượng tôn luật pháp, nhưng cuộc sống đó sẽ thế nào nếu như trong mỗi cá nhân khi hành xử chỉ như một con robot, vì những điều cứng nhắc và hiểu sai mà đánh mất cả tình người. Thậm chí là tình gia đình, mẹ con, anh em???

Sự trưởng thành của bất cứ con người nào, cũng bắt đầu từ việc họ được yêu thương và giúp đỡ, chứ không phải bắt đầu từ việc nghiêm khắc trừng phạt.”

Truyền thông nhà nước dẫn lời trần tình của thí sinh rằng, sau khi nhận đề, thí sinh làm vào giấy nháp trong 15 phút được 40 câu. Khi giám thị gọi dậy nộp bài thì thí sinh này mới biết mình ngủ quên, lúc này phần trả lời không có gì hết. Em nhận lỗi về mình và cho rằng giám thị làm đúng quy chế thi.

Thứ nhất, Giám thị coi thi là vô cảm và Hội đồng thi vô trách nhiệm. Tới khi trả lời Ban giám đốc Sở giáo dục Cà Mau lại lấp liếm những khuyết điểm, không dám nhận. Tôi cho rằng lỗi của thí sinh buồn ngủ thì em mất đi cơ hội tốt nghiệp năm nay vì bị điểm liệt môn Ngoại ngữ mặc dù em là học sinh giỏi. – Ông Đinh Kim Phúc

Việc một học sinh giỏi bị điểm 0 một môn thi do ngủ quên được dư luận phân tích nhiều chiều cho thấy xã hội ngày nay không chỉ cứng nhắc theo nguyên tắc, mà mọi hành xử cần có tình người. Tuy vậy, theo nhà giáo Đinh Kim Phúc, không thể phá vỡ nguyên tắc chỉ vì dư luận xã hội. Ai có lỗi phải chịu trách nhiệm. Ông nói:

“Thứ nhất, Giám thị coi thi là vô cảm và Hội đồng thi vô trách nhiệm. Tới khi trả lời Ban giám đốc Sở giáo dục Cà Mau lại lấp liếm những khuyết điểm, không dám nhận. Tôi cho rằng lỗi của thí sinh buồn ngủ thì em mất đi cơ hội tốt nghiệp năm nay vì bị điểm liệt môn Ngoại ngữ mặc dù em là học sinh giỏi. Theo tôi, không thể tổ chức cho em thi lại, cũng không thể đặc cách cho em tốt nghiệp vì em đã không làm bài thi. Đó là nguyên tắc.

Không vì dư luận xã hội mà phá vỡ trật tự quy chế thi nhưng bộ phận nào có khuyết điểm, không làm đúng quy chế thi thì sẽ có kiểm điểm, kỷ luật để tránh những trường hợp đáng tiếc trong quy chế thi về sau. Chúng ta là một nhà sư phạm thì chúng ta phải giải quyết các tình huống sư phạm xảy ra tại cái điểm thi để bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh và bảo vệ sự công bằng cho thi cử.”

Vào ngày 4 tháng 8 năm 2022, trên danh khoản Facebook của Giáo sư Mạc Văn Trang có lá thư ông viết gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiến nghị tạo điều kiện cho em học sinh này thi vấn đáp hoặc viết, cốt đủ điểm tốt nghiệp. Theo ông, trong giáo dục cũng như trong cuộc sống cần tình người mà linh động giải quyết những trường hợp có lợi, chứ chẳng hại gì. 

Related posts