Tội nghiệp ông Tô Lâm khi là một vị đại tướng, Tiến sĩ Luật, Giáo sư ngành Khoa học An ninh, Bộ trưởng Bộ Công an, thành tích không hề ít… nhưng số đông dư luận lại chỉ nhớ rõ nhất về ông khi gắn với vụ ăn bò nướng dát vàng trong nhà hàng của “thánh rắc muối” ở Anh.
Anh rắc muối, tôi rắc hành
Rồi nối theo vụ “thánh rắc muối” là vụ triệu tập “thánh rắc hành”. “Thánh” này thì Việt Nam chính hiệu con nai vàng. Thánh cũng bán thịt bò-bún bò, món ngon đặc sản của miền Trung, tại Đà Nẵng. Bún bò nên không rắc muối mà rắc hành, cũng điệu nghệ như cách “thánh rắc muối” làm xiếc trên món bít tết của mình vậy.
Thế rồi “thánh rắc hành” bị công an Việt Nam bắt, kết tội và xử 5 năm 6 tháng tù. Báo chí Việt Nam nói không phải vì hành động rắc hành mà vì người này đã nhiều lần “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015).
Anh này cũng từng mặc áo vàng in ba sọc đỏ chụp hình đăng lên mạng Facebook.
Tuy chẳng ai có thể quy kết việc một người mặc chiếc áo khoác vàng tươi in ba sọc đỏ chạy dọc theo cánh tay là công khai thương nhớ chế độ Việt Nam cộng hòa và phản kháng chế độ Việt Nam cộng sản, nhưng đã là người Việt Nam thì ai cũng hiểu điều đó có nghĩa là gì. Và dù những người có trách nhiệm bảo vệ chế độ trong nước chưa gọi anh lên chất vấn thì không có nghĩa là họ quên; những hành động tương tự sẽ được ghi vào bộ nhớ trong đầu họ. Khi đủ dày, chúng sẽ được ghi vào hồ sơ trong những chiếc tủ công vụ của họ. Nếu xét thấy lượng đã chuyển thành chất thì việc áp dụng điều 117 sẽ diễn ra.
Mối liên hệ giữa hành vi mặc áo vàng ba sọc đỏ và hành vi “tuyên truyền nhằm chống Nhà nước Việt Nam” có thể rất trực tiếp, công khai và nhanh chóng, nhưng cũng có thể rất tinh tế, khéo léo, kéo dài và không phải lúc nào cũng nhìn thấy được.
Cũng giống thế, vốn dĩ hai việc rắc hành và tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam không có tí tẹo liên quan gì cả, thế nhưng khi lại do một người từng có nhiều hành vi bị quân triều đình để ý thì nó sẽ sẽ tăng cấp độ được quan tâm lên gấp bội. Đặc biệt cái vụ rắc hành trông bên ngoài là hoàn toàn vui đùa này lại diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi vụ ăn món bò nướng dát vàng của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đang phấp phới trên đỉnh của những ngọn thủy triều dư luận. Người dân Việt Nam không thể không liên hệ hai việc này với nhau, và như thế tấm ảnh, cũng như câu chuyện Bộ trưởng Công an đi ăn món ăn có giá gấp 6 lần lương tháng của mình, cứ thế mà lan tràn còn nhanh hơn cả virus.
Nên cho dù báo chí chính thống kiên quyết phủ nhận việc “thánh rắc hành” bị bắt và kết án là do… đá đểu vụ bò dát vàng của đại tướng Tô Lâm, thì dư luận nói chung vẫn khăng khăng cãi ngược lại.
Đến đây lại có điều cần làm rõ. Giả sử có người đá đểu thật thì…
Đại tướng Tô Lâm có hô quân bắt người đá đểu mình không?
Đã ở tầm của một đại tướng, lại là Bộ trưởng Công an, từng lăn lộn trong lĩnh vực an ninh chính trị mà thăng tiến thì hẳn không thể có thời gian hay tâm trí để trả thù một người dân đen cỏn con. Suy cho cùng, một người đã làm đến chức vụ lãnh đạo cao như thế thì đều từng trải, hiểu và chấp nhận việc bị dư luận săm soi trong mọi khía cạnh đời tư, thậm chí bị giễu cợt, chế nhạo. Miễn việc giễu cợt chế nhạo không đụng đến điểm nhạy cảm nhất trong tâm lý chính chủ, hoặc chưa chạm đến giới hạn chính trị mà chế độ ngầm chấp nhận. Sự thật là những chuyện tiếu lâm chính trị diễn ra ở mọi nơi, ở mọi thời điểm hoàn cảnh và nơi nó xuất phát nhiều nhất chính là từ trong hậu trường, từ trong ruột của chính thể ấy mà ra. Xem nó là chuyện trà dư tửu hậu mua vui trong những giờ phút căng thẳng của công việc, xem nó là một thứ vũ khí mềm để hạ bệ đối thủ, hay xem nó là thứ để giải tỏa những bất mãn không thể nói ra công khai… đều có thể. Thậm chí ở một mức độ trung dung với những nội dung đậm giải trí, nó còn được xem là một nét văn hóa nội bộ đặc thù.
Tôi tin Đại tướng Tô Lâm không ra lệnh bắt “Thánh rắc hành”.
Nhưng cấp dưới của ông thì lại có thể.
Vì nịnh thần ở đâu cũng có
Nịnh thần thì rất sốt sắng làm một việc nào đó mà họ nghĩ rằng sẽ khiến lãnh đạo vui. Bất kể điều đó có khiến lãnh đạo vui thật hay không, họ chỉ cần đón gió để tranh thủ lấy điểm.
Và vì ở Việt Nam, húy kỵ của các lãnh đạo e rằng còn ngặt nghèo hơn cả với vua chúa thời xưa.
Hôm giữa tháng 8 năm 2022, một nữ streamer đã nhắc đến một vị chủ tịch nước có cái trán hói khi đang live stream, trả lời một bình luận của người xem rằng những người xem phim 18+ nhiều thường hơi hói.
Đọc kỹ toàn bộ câu nói của nữ streamer này, tôi hiểu ý cô là phản bác bình luận nói trên (nguyên văn: À, ok ông. Chứ chắc mấy bác Chủ tịch nước toàn chả làm cái mẹ gì suốt ngày ở nhà toàn xem phim 18+ nên là bác hói hết. Đầu đ* còn tóc luôn, đầu còn vài sợi lơ hơ đúng không? Tại làm ăn đ* gì đâu, chả làm ăn gì, suốt ngày ở nhà xem phim 18+). Nhưng, xem lướt qua và nhất là khi người xem ồn ào cười cợt bình luận xung quanh ví dụ này, thì rất dễ kết luận cô ấy đang lôi vị chủ tịch nước có cái đầu hói nào đó ra chế nhạo.
Sau đó, cô gái bị Công an tỉnh Thái Bình xử phạt 10 triệu đồng vì “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của lãnh đạo Đảng, Nhà nước (trích nguyên văn bài báo trên báo Công Lý ngày 07/9/2022).
Mặc dù cô không hề nhắc đến tên vị chủ tịch nước nào. Mà chủ tịch nước hơi hói thì tôi tin là nhiều nước có, chứ chẳng riêng gì Việt Nam.
Thực tế nó thế cho nên người dân hình thành niềm tin chắc chắn rằng nếu dân thường mà cả gan dám cà khịa công khai lãnh đạo cao cấp thì sẽ bị sờ gáy, “đòn thù” (xin nhắc lại là người thò bàn tay ra sờ gáy nhiều lúc không phải là chính chủ bị đem ra cà rỡn hay chế nhạo, mà là những cấp dưới nịnh bợ của họ. Nhưng người dân thì chẳng ai biết đấy là đâu cả!)
Với tâm thế nô lệ lãnh đạo của khá nhiều kẻ cấp dưới, cụm từ “Xúc phạm lãnh đạo” đã trở thành một cái gông có thể áp vào rất nhiều thứ, trở thành một thứ luật bất thành văn nhưng có tác dụng đe dọa ghê gớm.
***
Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần. Từ nhiều quan sát, người ta cho rằng Đại tướng Tô Lâm chính là người được chọn để thay thế ông Trọng trong hệ thống quyền lực. Từ đấy, sự e sợ khi nhắc đến món bò bít tết, bò dát vàng, thánh rắc muối … càng trở nên trầm trọng. Nói cách khác, từ nay những cụm từ này đã được thêm vào từ điển trọng húy của người dân.
Và đó là một điều đáng buồn cho tương lai lãnh đạo của Đại tướng Tô Lâm.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.