Trong một cuộc họp tại Học viện Phật giáo Việt Nam (có lẽ) được lan truyền trên mạng xã hội gần đây, bàn về cách kiếm tiền cho các chùa, ta thấy có Thượng tọa Thích Nhật Từ trụ trì chùa Giác Ngộ (TP HCM), hòa thượng Thích Bửu Chánh trụ trì Thiền viện Phước Sơn (TP Biên Hòa, Đồng Nai) chùa và khoảng một chục vị sư khác, có sư nam và sư nữ Thượng tọa Thích Bửu Chánh đã có một bài phát biểu để đời.
Tôi xin ghi lại nguyên văn hai bài phát biểu chủ yếu, của hòa thượng Thích Bửu Chánh và thượng tọa Thích Nhật Từ. Quyền bình luận xin nhường quý vị độc giả.
Ting ting ting ting
Ông nói, nguyên văn như sau:
Con xin hiến kế thông qua truyền thông để có tiền và có quần chúng nhờ mạng Zalo và mạng Viber, và đây kinh nghiệm của con nha: Ví dụ Phật tử đến gặp chúng ta, những người quen thân, chúng ta kết cái điện thoại họ vô cái điện thoại mình. Rồi, xong, hết. Cái tới ngày sinh nhựt của họ á, thì nó hiện lên Zalo để mình Happy Birthday họ, cái tự nhiên cái ngân hàng của con nó ting ting ting ting. (Là) mình nhắc họ, nhắc “có tui đây, có tui đây”, tui chúc mừng bà chúc mừng ông. Viber nó cũng hiện lên sinh nhựt luôn (…) Giữ quần chúng cho Phật giáo là chúng ta phải làm. Thứ hai nữa là những người có điều kiện, họ có muốn cúng, thì sẵn dịp đám cưới đám ma gì đó của họ, họ mới chuyển cho mình được chớ. Ít nhiều gì cũng có, góp gió thành bão. Mà Zalo có thể đăng lên cả ngàn người mà nếu trường hợp máy mình nó đầy thì mua máy khác. Hai ngàn người ba ngàn người mà mình có điện thoại của họ có sinh nhựt của họ một năm mình chỉ có liên lạc một lần thôi.
Con xin cảm ơn thượng tọa Nhật Từ, khi mà con đi giảng pháp con nói con thuyết pháp từ năm 1974, lúc đó con 16 tuổi mới thọ Sadi xong là đã được mời thuyết pháp rồi. Thuyết riết tới khoảng 2010 cũng chưa ai biết mình là ai, nó gọi là hẩm hiu vậy đó. Thật sự rất là ngại nhưng mà ông thầy Nhật Từ ổng khuyến khích con một điều, ổng nói bây giờ thượng tọa phải đưa truyền thông lên. Con nói ngại lắm trời ơi mình thuyết rồi lỡ có hớ hênh cái gì thì người này nói người kia nói, rồi mình cũng mắc cỡ, ngại. Nhưng từ khi nghe lời khuyên của thượng tọa Nhật Từ thì những bài pháp của con trên mạng nó bao la bao la. Tiền vô như nước sông Đà. Những người không quen biết mình họ vẫn gởi tiền cho mình. Khi con đi qua Mỹ, con đi hoằng pháp con đâu có quen với ai đâu, chỉ quen được vài ba người thôi, quen thực tế á. Nhưng mà nhờ quen trên mạng nên khi mình đi qua đó là mình đi hết, một lần đi mười mấy tiểu bang vẫn có người quen như thường. Và con có nghe một câu mà không biết thượng tọa Nhật Từ nói hay ai nói con không hiểu, (là) trời ơi mình sợ lắm, nhưng thượng tọa Nhật Từ nói phải để cho người ta sợ mình chớ mắc mớ gì mình sợ người ta. Để cho người ta sợ mình chớ, mắc mớ gì mình sợ người ta? Đó… Xin cảm ơn thượng tọa Nhật Từ.
Bài phát biểu cực kỳ sinh động của hòa thượng Thích Bửu Chánh nhận được nhiều tràng cười và vỗ tay ủng hộ. Trong bầu không khí vui tươi phấn khởi, thượng tọa Thích Nhật Từ tiếp lời. Vẫn là mục tiêu kiếm tiền, nhưng thượng tọa Thích Nhật Từ chứng tỏ đẳng cấp tuyệt đỉnh khi tính toán, phân tích, tổ chức truyền thông lớp lang đâu ra đấy.
Nếu bây giờ có một đội truyền thông thì lúc đầu mình phải bù lỗ nhưng về sau quý ngài an tâm
Thượng tọa Thích Nhật Từ: Quan điểm của con là làm đạo thì có thực mới vực được đạo. Con xuất thân từ gia đình nghèo cùng đinh, gia đình con tới nay vẫn là gia đình nghèo và từ Ấn Độ đi về con chỉ còn có đúng 70 USD mặc dù là trụ trì chùa Giác Ngộ từ năm 1992. Cho tới bây giờ sau hai chục năm con chưa từng sử dụng một đồng tiền nào cúng vào chùa Giác Ngộ, bao gồm tiền cho các đệ tử của con xuất gia và đi học, gần 100 người, tất cả đều nhờ truyền thông mà ra.
Đến năm 2002 con cảm thấy bây giờ xu thế internet đã bắt đầu bị giảm, bắt đầu bị thay thế bởi những mạng xã hội khác. Facebook ra đời vào 2003 và chánh thức được toàn cầu hóa vào ngày 2/4/2004, lúc đó con mới chuyển giao phần quản lý trang web cho thầy P.H để mình tập trung làm chuyện khác.
Con nghĩ là nếu mình tiếp tục làm người quản lý trang web là mình không làm được những việc lớn, cho nên con mới ngưng.
Con là người đi giảng pháp ở nước ngoài có lẽ chỉ sau hòa thượng Thanh Từ: 2003, 2005 đi giảng ở Úc, mỗi lần ba tháng, 2004, 2006, 2007, 2008. v.v ở tại Hoa Kỳ mỗi lần hai tháng rưỡi. Khi đi con cũng giống như thượng tọa Tâm Đức thôi, là mang một máy quay phim, mấy chục cái băng cassette mini để mình thay, và một người làm sao mình quay được? Thì con mời một phật tử có chiều cao giống như con ngồi vào vị trí pháp tòa để mình canh máy. Khi ngước lên thì mình bấm bụp một cái là xong. Thì canh 60 phút nghỉ giải lao, thay băng. Tự làm hết, tối về tự biên tập. Con học phần mềm biên tập âm thanh và dựng phim trong giai đoạn đầu đó.
Cho tới 2010 là con tự làm hết mọi thứ, đến 2010 trở đi mới giao cho ông Ngộ Dũng đặc trách toàn bộ truyền thông của chùa Giác Ngộ. Nếu chúng ta tiếp tục bận tâm vào việc tự quản trị thì không thể mở rộng mạng lưới được. Con không có tiền, lúc đó thuê người quay một bài giảng là 1 triệu đồng. Nhưng nhờ truyền thông, con có lợi thế hơn là nhờ truyền thông trang web, lúc đó trang web là mạnh nhất nên cộng đồng biết đến rất nhiều. Sau này đổi thành mạng xã hội thì lợi thế của mình sẽ lớn hơn. Nếu 50 năm trước Trưởng lão Minh Châu, Trưởng lão Nhất Hạnh, Trưởng lão Thanh Từ nói mạnh về xóa bỏ mê tín thì hiện trạng của Phật giáo chúng ta bây giờ nó khác hoàn toàn. Ảnh hưởng của ba người này cực kỳ lớn trong cộng đồng Việt Nam trong nước và nước ngoài. Trong nước chỉ có ngài Từ Thông mạnh mẽ nhưng mà ngài dùng ngôn ngữ quá mạnh nên nó cũng có những cái dội ngược.
Con quyết định không đi chung hướng với những vị đã giảng, nghĩa là không giảng những cái tình cảm ngọt ngào dễ chịu hay là tiếu lâm hay là chuyên đề bình dân. Con nhấn vào hai nhóm đối tượng chính là giới trí thức và giới quản trị-quản trị nhà nước hay là quản trị dân sự, quản trị xã hội và trong đó có nhóm trẻ. Khi mình khu biệt cái nhóm đối tượng thì tự động cái số đối tượng đó nó giảm mà con vẫn còn có cái lượng (fans) đông đảo như thế thì con tin là nếu chư tôn đức khai thác trên mạng xã hội, thuê người để làm, mình chỉ tập trung vào nội dung còn các khâu còn lại là thuê người làm có lương, ăn uống, bảo hiểm y tế thì người ta cam kết dành cho chúng ta nhiều. Ban truyền thông có mười mấy người có lương đàng hoàng hết, chứ bây giờ mình yêu cầu người ta công quả thì làm sao mà làm. Chúng con không phải bận tâm về phần tự quay tự dựng tự quản trị nữa, chứ bây giờ có đến gần 30 trang như thế làm sao mà tự làm, phải có mười mấy người. Riêng cái trang web mới đầu con còn có một đội ngũ tình nguyện, cái face book Thích Nhật Từ lúc đầu là có 30 người cùng quản trị. Ông Ngộ Dũng làm trưởng ban, rồi ổng phân chức năng, ai mà làm không đúng chủ trương là phải khóa họ lại. Cái rủi ro nó rất là cao.
Mà con là một trong những người bị gọi là điểm hồng tâm về sự chú ý vì những chủ đề con nói thường là nội dung tranh luận về tôn giáo, tranh luận về chính trị, tranh luận về triết học. Con mạnh dạn đi theo hướng đó, nó khác với hướng của ngài Tâm Đức, ngài Tâm Đức thì rất là an toàn. Ngài Hạnh Bình thì có sở trường là tư duy phản biện, đặt những vấn đề mà ít có ai dám đặt, nên những vấn đề mà thượng tọa đầu tư thì tốn rất nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu, mà chia sẻ thì không có mấy người hưởng ứng vì cộng đồng mạng phần lớn là giới bình dân và giới cảm xúc nên những chuyên đề nào đi sâu vào cảm xúc thì họ đón nhận được.
Cho đến hiện nay thì con có 6.000 bài giảng về các chủ đề khác nhau và có những chuyên đề được 5 triệu lượt xem, ba triệu lượt xem, mấy triệu lượt xem là chuyện bình thường và khi mình làm một cái thống kê nhỏ thì chủ đề nào đi về hướng ứng dụng, cụ thể là nhân thừa thì đón nhận được lượng người xem nhiều nhất. Còn những bài kinh cụ thể là Kinh Trung Bộ con giảng là 252 buổi, có lẽ về phương diện này con là người giảng nhiều nhất, con dám tin như thế, thì lượng views mỗi bài khoảng chừng hai ba chục ngàn là hết rồi. Các Kinh Đại thừa con giảng chỉ thua hòa thượng Thanh Từ và hòa thượng Từ Thông thôi.
Nếu nói về số lượng, các chuyên đề kinh con giảng từ Pali cho đến Đại thừa, ứng dụng các chuyên đề chính trị, xã hội, kinh tế, tuổi trẻ rồi tình yêu hôn nhân gia đình ly dị trầm cảm tự tử hầu như hổng có vấn đề gì không nói tới rồi vấn đề các khu hành chánh biệt lập vân vân rồi chánh sách nhà nước vân vân dĩ nhiên là rất dễ đụng chạm mà vẫn còn có một cái lượng (views) như thế. Con cũng là người hứng gạch đá nhiều nhất trong cộng đồng Phật giáo toàn cầu tại vì mình chọn theo cái hướng đó mình phải chấp nhận, chủ trương đi lãnh đạo về truyền thông tức là mình đi đầu về cái này mình phải chấp nhận lãnh đạn. Đó là cái hướng con đặt ra từ ban đầu, nên tất cả những cái thị phi họ dành cho con không có gì ngạc nhiên vì mình đã định liệu sẵn hết rồi cho nên mình sẵn sàng chấp nhận thứ đó và cứ thản nhiên mà đi tới phía trước thôi không có ngại ngùng bất cứ cái gì, cho tới thời điểm này cũng thế và cũng không hối hận về vấn đề đó.
Thì đó là cái việc con tham gia truyền thông, con xin tóm tắt lại thế này, nếu mình nghĩ rằng phải có tiền mới làm được truyền thông thì chúng ta không bao giờ làm được, phải đi từ con zero và như hòa thượng Bửu Chánh con gặp ngài con nói rất nhiều lần. Nếu nói về độ giảng mà hấp dẫn, có tính thực dụng cao, có tính ứng dụng cao, có tính khôi hài cao, cho nhiều tràng vỗ tay, nhiều tiếng cười giòn giã thì có lẽ trong chúng ta không ai hơn được hòa thượng Bửu Chánh, chỉ có vấn đề là ngài ít đưa lên mạng của mình mà ai thích thì phổ biến thôi cho nên là nó chậm. Bây giờ nếu chúng ta có một đội truyền thông thì lúc đầu mình phải bù lỗ nhưng về sau quý ngài an tâm. Chẳng những con không phải bù lỗ mà toàn bộ các hoạt động phật sự của con trong bao nhiêu năm qua, quý ngài thấy đóng góp cho học viện này nhiều phương diện tới bây giờ là không dưới 70 tỷ. Cho Viện Phật học Việt Nam cũng là mười mấy hai chục tỷ. Những gì mà con phụ trách là con đều bỏ tiền túi. Ba lần đại lễ Phật đản toàn quốc mỗi lần cả chục tỷ chứ không phải chỉ có đóng góp công sức chất xám thời gian không mà luôn cả nguồn tịnh tài. Cái đó từ đâu ra? Từ các fans hâm mộ trên cộng đồng mạng. Con còn không biết họ là ai, nói thẳng ra vậy, nhưng mình đi tới đâu cũng có người nhận ra mình. Đi tới phi trường, lên máy bay… đâu cũng có người nhận ra thì đó là cái nguồn an ủi lớn. Bằng cách đó thì có những lời thị phi, cố gắng hoan hỉ coi như không có gì.
Hòa thượng Thích Bửu Chánh: Phải công nhận thượng tọa Nhật Từ là người nổi nhứt, nổi tiếng nhứt tức là giỏi nhứt nhưng cũng bị chửi nhiều nhứt cho nên có kinh nghiệm để mà hóa giải. Riêng phần con thì con xin chia sẻ một chuyện (…). Có một lần có phái đoàn Đài Loan tới đây, lúc đó con đang ở văn phòng, ngài T.M ngài ra mời sư ở lại dự trai tăng, Đài Loan cúng, cho nên mình ráng mình ở lại, hôm đó chỉ có vài vị trong hội đồng điều hành thôi (…) thì lúc mà bắt ấn để hóa dường đó thì con cũng làm bắt ấn luôn thì cái ông phóng viên ổng lại chụp cái hình đó rồi ổng đưa lên mạng như một cái hình điển hình. Trời ơi con bị truyền thông, con bị nó chửi nghĩa là te tua, (là) ông sư (theo Phật giáo nguyên thủy) mà giờ theo bắt ấn này kia… Giờ giải pháp như thế nào? Im lặng là vàng. Mắc kê nô. Mặc kệ nó. Nó nói gì mặc kệ nó, hổng quan trọng. Sau cuối cùng nó cũng im luôn, chứ quan trọng gì đâu? Cho nên giải pháp của con là mình cứ làm, miệng là của người ta, tai là của mình, mình nghe hay không nghe là chuyện của mình, hoặc mình thấy hay không thấy áp lực là chuyện của mình. Giờ mình lo lo hổng dám làm thì mình đâu có thành công được. Một lần nữa cảm ơn thượng tọa Nhật Từ đã khuyến khích con làm truyền thông trong các bài pháp cho nên bây giờ đi đâu cũng khỏe re à.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự do.