Tiền bạc và huân chương có “đâm toạc” được tờ giấy?

Từ đầu tháng 7 đến nay, sau khi Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đưa ra sáng kiến “cần giảm xử lý hình sự và ưu tiên thu hồi tài sản tham nhũng”, xã hội Việt Nam, một lần nữa lại phân mảnh… Một số ý kiến ủng hộ, không ít người phản đối đề nghị của ông Trí, còn số đông nhìn nhận vấn đề một cách khác.

Sẽ chuyển sang khởi kiện dân sự?  

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2012 – 2022), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSND) Lê Minh Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cho chủ trương giao Ban Nội chính trung ương hoặc Viện KSND nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Theo ông Trí, làm như vậy sẽ thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa. Ông Trí cho rằng cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa nhân văn và có sức thuyết phục. (1)

Trong một chế độ toàn trị, xã hội dân sự chết lâm sàng, “pháp luật lúc có lúc không” (Nguyễn Duy), sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng, chúng ta không có điều kiện tiến hành lấy phiếu thăm dò dư luận để có các con số thống kê tương đối khách quan và gần với sự thật về một kiến nghị chính sách nào đó, như cách làm của Viện Gallup, Hoa Kỳ, hay các viện thăm dò dư luận của các nước. Đành phải mò mẫm bằng các phương pháp “nghe – nhìn”. Hãy nghe giới chuyên môn nói gì về sáng kiến của ông Trí? Tờ “Tuổi trẻ” đã có các cuộc phỏng vấn (exclusive) một số quan tòa và luật sư xung quanh đề tài này. Tờ báo cũng cố gắng đúc kết ý liến của một số chuyên gia, đại biểu Quốc hội xung quanh kiến nghị của Viện trưởng Lê Minh Trí về việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh Tòa tối cao cho rằng, kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao liên quan đến việc ưu tiên thu hồi tài sản, giảm xử lý hình sự rất đáng được xem xét. Tuy nhiên cần có sự phân hóa việc bồi thường, hoàn trả của các chủ thể vi phạm được thực hiện vào lúc nào. Kiến nghị này cũng thể hiện sự thay đổi về nhận thức trong đấu tranh chống tham nhũng. Thực tế, ngay khi thảo luận xây dựng Bộ luật hình sự năm 2015, ông Trần Văn Độ đã nêu rõ quan điểm đối với tội tham nhũng quan trọng là phải có biện pháp thu hồi tài sản thất thoát. Cụ thể, để thực hiện được điều đó thì việc nhận thức, tự nguyện khắc phục hậu quả từ phía người có hành vi tham nhũng là cực kỳ quan trọng. 

Để khuyến khích điều này, vẫn theo ông Phó Chánh tòa, việc trả hay nộp lại tài sản tham nhũng, gây thất thoát cần có ý nghĩa về mặt pháp lý hình sự theo bốn mức. Trong đó, mức 1: Nếu tham nhũng nhưng khi vụ án chưa được phát hiện mà người phạm hành vi này đã nộp lại toàn bộ tài sản tham nhũng thì cần xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức 2: Khi đã bị phát hiện, đang điều tra mà trả lại tài sản tham nhũng cũng có thể được coi là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt như có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay phạt án treo. Mức 3: Nếu trong quá trình xét xử mà người có hành vi tham nhũng bồi thường, trả lại một phần hay toàn bộ số tiền tham nhũng thì có thể được giảm nhẹ hình phạt. Mức 4: Nếu khi tòa kết án rồi mà người có hành vi tham nhũng tiếp tục nộp lại toàn bộ tài sản tham nhũng có thể được cân nhắc giảm án, tha tù. (2)

Ngày 18/7, trả lời về đề xuất trên của ông Lê Minh Trí, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Thế giới Luật pháp, bày tỏ sự không đồng tình. Ông Sơn phân tích: “Tham nhũng đe dọa đến sự ổn định và an ninh xã hội, xói mòn các thể chế và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý và gây tổn hại đến chế độ, sự phát triển bền vững. Do đó, Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hóa các hành vi hối lộ, tham ô, biển thủ, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi …” Theo đó, đề xuất của ông Trí đi ngược lại với nội dung Công ước LHQ mà Việt Nam đã phê chuẩn. Cũng theo LS. Sơn, một trong những nhiệm vụ của pháp luật hình sự là chống và phòng ngừa tội phạm. Khắc phục hậu quả không phải là nhiệm vụ chính của pháp luật hình sự Việt Nam. Do đó, đặt vấn đề khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự đối với nhóm tội tham nhũng là cách tiếp cận không phù hợp. Ông Sơn kết luận: “Việc này sẽ làm cho nhiệm vụ chống và phòng ngừa tội phạm của bộ luật hình sự Việt Nam không đạt được. Nó không còn tính răn đe nữa, vì nếu phát hiện thì chỉ cần trả lại tài sản do phạm tội mà có là không bị xử lý hình sự”. (3)

Thân nhân tốt sẽ được giảm án?

Trong quá trình phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã được đề nghị giảm án. Số là ông Chung, sau quá trình tranh tụng tại tòa, đã tình nguyện nộp 25 tỷ VND để khắc phục hậu quả. Chưa hết, mới đây, ông Chung còn trưng ra gần 100 tài liệu, bao gồm các loại bằng khen, giấy khen, các loại kỷ niệm chương, huân chương trong thời gian công tác trong ngành Công an và UBND TP Hà Nội; các bằng khen, giấy khen trong các hoạt động Chữ thập đỏ, bảo trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc màu da cam… Nhận định tất cả các thứ liệt kê có thể coi là những tình tiết giảm nhẹ mới, Viện KSND đề nghị toà xem xét chấp nhận một phần kháng cáo để giảm nhẹ hình phạt cho ông Chung. Kể cũng lạ, mới trước hôm 20/6/2022 Nguyễn Đức Chung vẫn còn viết trên 100 trang kêu oan và kiên quyết không nhận tội và nói Tòa sơ thẩm đã xử sai, kể cả khi ra phiên phúc thẩm vẫn không nhận, thế mà đến hôm sau nhận lại được khen là thành khẩn, khắc phục. Khi bước sang phần tranh tụng, ông Chung đã bất ngờ thay đổi từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt, đồng ý với quan điểm của Viện KSND để sớm kết thúc vụ án, nên được ghi nhận thêm tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo” (?!) (4)

Vụ sát hại bé NTVA lại là một vụ án có nhiều khuất tất đã buộc sẽ phải xử công khai trước “bão” dư luận. Sau nhiều phản đối từ công chúng, Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết ngày 21/7 này sẽ đưa ra xét xử công khai vụ bé gái 8 tuổi bị bố đẻ và người tình bạo hành đến tử vong, thay vì xét xử kín như quyết định trước đây đã gây rúng động dư luận Việt Nam, vì sự tàn nhẫn được xem là “dã man như thời trung cổ.” (5). Hành động bạo hành của đối tượng Võ Quỳnh Trang (người tình của bố NTVA) từ hình ảnh camera ghi lại là quá tàn nhẫn. Còn với Nguyễn Kim Trung Thái (bố đẻ bé), dư luận cho rằng, Thái không đáng tư cách làm một người bố. Nhưng điều đáng nói ở vụ này là thư “giãi bày” kêu giảm án cho con gái của bà mẹ Võ Quỳnh Trang. Đáng sợ là trong thư giải bày, bà nêu lý do kêu gọi ân giảm cho con gái Quỳnh Trang của bà, vì gia đình bà đã đóng góp nhiều cho cách mạng, do chồng bà đã làm trong ngành Tòa án Nhà nước hơn 30 năm (?!) Có vẻ như sau trường hợp ông Nguyễn Đức Chung thành công khi nộp gần 100 “phiếu bé ngoan” của bản thân mình và gia đình để xin giảm án tù, thì phong trào thu thập và giới thiệu “phiếu bé ngoan” cho các bị cáo bắt đầu trở thành xu hướng trong xã hội Việt Nam hôm nay. (6)

Câu hỏi lớn với toàn xã hội

Người xưa có câu “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, hàm ý, công lý trong chế độ cũ có thể bị đồng tiền chi phối. Nhưng nếu thực thi kiến nghị của Viện trưởng Lê Minh Trí thì việc nộp lại các tại sản tham nhũng rõ ràng có thể chi phối phán quyết của tòa. Liệu đây có phải là một cách “mua” quan tòa không? Hay nói như trùm xã hội đen Năm Cam, không phải cái gì cũng mua được bằng tiền, nhưng có thể mua được bằng rất nhiều tiền. (Ông Chung nộp 25 tỷ VND thì giảm được 3 năm tù). Còn trong loại án sát nhân như trường hợp nghi phạm Võ Quỳnh Trang, thì gia đình thị lại định lấy “30 năm phục vụ cách mạng” để chạy án, từ tội “giết người” xuống hành vi “hành hạ người khác”. Một phân tích ngày 17/7/2022 trên RFA của TS. Phạm Quý Thọ có đặt vấn đề: “Chính phủ được Đảng lựa chọn và lãnh đạo, vì sao vẫn suy thoái nghiêm trọng?” để tìm hiểu thêm về trường hợp vụ án của nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung (7).

Còn trường hợp vụ sát hại cháu NTVA 8 tuổi, Facebooker Tuấn Khanh đặt câu hỏi, có phải giảm tội cho kẻ sát nhân vì “gia đình có công với cách mạng?” (8) 

Cả hai câu hỏi này sẽ không có câu trả lời thích đáng trong một thể chế toàn trị! Tại đấy, tiền bạc và công lao đối với chế độ vẫn có thể “bẻ cong” công lý!

________________

Tham khảo:

1. https://vnexpress.net/vien-truong-vksnd-toi-cao-uu-tien-thu-hoi-tai-san-giam-xu-ly-hinh-su-4482122.html

2. https://tuoitre.vn/can-bo-tham-nhung-tra-lai-tien-lam-sao-de-tranh-hi-sinh-doi-bo-20220701224300451.htm

3. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62209329

4. https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nop-benh-an-kem-85-bang-khen-nguyen-duc-chung-duoc-giam-an-tu/

5. https://laodong.vn/ban-doc/vu-be-gai-8-tuoi-bi-bao-hanh-tu-vong-mong-co-1-ban-an-thich-dang-1070377.ldo

6. http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/07/tuan-khanh-xin-giam-toi-cho-ke-sat-nhan.html#more

7. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-government-selected-and-ruled-by-the-party-corrupts-07172022093951.html 

8. http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/07/tuan-khanh-xin-giam-toi-cho-ke-sat-nhan.html#more

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Related posts