Tính thời cơ trong bang giao Việt – Mỹ “hậu Harris”

Vấn đề cấp bách sau chuyến thăm của bà Phó Tổng thống Harris (PTT) là hiện thực hoá “Chương trình thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ”. Thúc đẩy “cái đà”, nói chữ là “động lực” (momentum) trong quan hệ Mỹ –  Việt, là bứt phá để Việt Nam có thể mạnh lên, trước hết là về kinh tế. Tuyên bố ngày 29/8 của Bắc Kinh liên quan đến “đường lưỡi bò”, cũng như cuộc “giải phẫu” về lập trường của Trung Quốc, nhân tố cản trở khiến Việt – Mỹ chưa tuyên bố nâng cấp mối bang giao, chắc sẽ còn tiếp diễn. Điều này càng giúp chúng ta luận giải tại sao phải gấp rút xoay chuyển tình thế.

Không để cho cơ hội đảo chiều

“Cái đà” hay “động lực” (momentum) là những khái niệm cơ bản có thể dùng để đánh giá sức mạnh của các xu hướng cả trong quan hệ quốc tế nói chung, đặc biệt liên quan đến bang giao Việt – Mỹ. Các nhà hoạch định chiến lược thường phân tích các thông số ẩn chứa sức mạnh, sự tiếp diễn hay đảo chiều của các xu hướng ấy. “Cái đà” hay “động lực” của bang giao Việt – Mỹ sau chuyến thăm Hà Nội của PTT Kamala Harris nằm ngay trong phần mở đầu của “Chương trình thúc đẩy” nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện (ĐTTD) giữa hai nước. “Chuyến công du của PTT tới Việt Nam thể hiện cam kết sâu sắc của Hoa Kỳ không chỉ đối với khu vực, mà còn đối với mối quan hệ Việt – Mỹ. Trong các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Việt Nam, PTT Harris tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và độc lập, cũng như một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, mạnh mẽ và kiên cường” [1].

Chính sự cởi mở đối với thương mại và đầu tư đã biến Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đã tạo ra sự bùng nổ đáng kể và kéo dài. Việt Nam là một trong năm quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới trong 30 năm qua. Thật vậy, mối liên hệ sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu và mức đầu tư nước ngoài cao khiến Việt Nam có vẻ giống Singapore. Kể từ năm 1990, Việt Nam đã nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trung bình trị giá 6% GDP mỗi năm, gấp hơn hai lần mức toàn cầu. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, hiện nay, việc duy trì tăng trưởng nhanh chóng từ xuất khẩu của các công ty nước ngoài ngày càng trở nên khó khăn. Sự căng thẳng giữa mở cửa với đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các tập đoàn lớn trong nước trở nên gay gắt hơn. Tất cả điều này khiến cho việc cải cách khu vực tư nhân trong nước và hệ thống tài chính là điều tối quan trọng. Một nghiên cứu của các học giả từ Trường Kinh tế London cho thấy, mức tăng năng suất trong năm năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 đáng ra có thể cao hơn 40%, nếu không có các doanh nghiệp nhà nước [2].

Khoảng cách ngày càng lớn giữa các doanh nghiệp nước ngoài với trong nước đang đặt ra mối đe dọa cho quá trình phát triển tới đây của Việt Nam. Đất nước phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu từ các công ty nước ngoài, trong khi các công ty trong nước hoạt động kém hiệu quả. “Chương trình thúc đẩy” sẽ giúp Việt Nam tái cân bằng và củng cố mô hình phát triển của mình. Việt Nam cần có cơ hội để phát triển thêm các tập đoàn tầm cỡ như Vingroup. Các tập đoàn hàng đầu đang hoạt động trong các lĩnh vực truyền thống như dầu mỏ và điện, hoặc trong các ngành công nghiệp chính để thực hiện mối quan hệ đối tác như vậy sẽ đòi hỏi sự thay đổi chính sách có tầm nhìn xa từ cả hai chính phủ. Nếu theo đúng “lộ trình”, Mỹ sẽ giúp nâng cao chất lượng nông sản đủ điều kiện xuất sang các thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Chỉ và duy nhất chỉ hợp tác với Mỹ và phương Tây, Việt Nam mới có thể sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, kinh tế mới thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tránh tình trạng bị bắt bí như hiện nay, Trung Quốc dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu biên giới, trái cây, nông sản Việt không thể xuất qua Trung Quốc. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu nông sản từ Vân Nam qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn diễn ra với khoảng 400 xe hàng mỗi ngày.

Việc xác định bang giao Việt – Mỹ “hậu Harris” sẽ nằm trong xu hướng nào (tăng hay giảm), xu hướng ấy đã bắt đầu và đang tiếp diễn hay sắp kết thúc để chuẩn bị chuyển sang một xu hướng mới, là những đánh giá  cực kỳ cần thiết mà các đối tác nước ngoài có thể sử dụng để tiếp cận một cách kịp thời và bền vững. Độ mạnh hay lực đẩy của xu hướng ấy chính là momentum. “Làm sao để Việt Nam trở thành một đồng minh kinh tế hùng cường của Mỹ?” Đây là một câu hỏi hết sức thiết yếu và thời sự được nhà phân tích Noah Smith nêu ra trên tờ “Washington Post” ngày 29/8/2021 [3]. Đây cũng không phải lần đầu tiên các chuyên gia quốc tế đặt vấn đề để Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ, cho dù chỉ hạn chế là “đồng minh về kinh tế”.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội hôm 25/8/2021. Reuters

Phát huy chức năng “kép” của kinh tế

Hoa Kỳ đã thiết kế được sự kết nối hữu cơ giữa kinh tế với an ninh trong “Chương trình thúc đẩy”, mặc dù yêu cầu hàng đầu trong quan hệ đối tác với Việt Nam là an ninh. Vừa an ninh cho bản thân, cho khu vực lẫn toàn cầu với tư cách một siêu cường. Việt Nam, ngược lại, bức bách nhiều hơn đối với nhân tố kinh tế, nhưng cũng không hề xem nhẹ yếu tố an ninh trong làm ăn với Mỹ. Trong cục diện cấp thời, vì ở vào thế yếu hơn Trung Quốc, nên mỗi bước đi với Mỹ, Việt Nam không thể không dè chừng Trung Quốc. Cứ xem cách ứng phó với sự vô lối của Bắc Kinh trong thời gian Hà Nội đón các phái bộ cấp cao của Mỹ từ trước đến nay thì rõ. Ở đây, sự liên thông giữa lợi ích của hai bên nằm ở khâu thúc đẩy chức năng “kép” của nhân tố kinh tế. Cho dù không gian sinh tồn và lợi ích sống còn của Việt Nam là Biển Đông và sông Mekong, nhưng bố trí chiến lược và sức mạnh của Mỹ lại tập trung cho Đông Á (an ninh của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan). Nhưng mẫu số chung ở đây vẫn là Trung Quốc, vì vậy, chức năng “kép” của kinh tế trong quan hệ đối tác có mối liên hệ rất đặc biệt.

phamminhchinhungba2021.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba ở Hà Nội hôm 23/8/2021, ngay trước chuyến thăm của PTT Mỹ Kamala Harris. Hình: Báo Chính Phủ

Như đã thấy, trước, trong và sau chuyến thăm lịch sử của ông Austin và bà Harris, Trung Quốc đã có những phản ứng ngoại giao rất thô bạo. Việt Nam cảm nhận rõ “chiến lược cái nêm” của Bắc Kinh nhằm “thọc gậy bánh xe” quan hệ đối tác Việt – Mỹ [4]. Ngay cả khi Bắc Kinh đả kích công khai chuyến thăm Việt Nam của PTT Mỹ, thậm chí trong thời gian ấy, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội gọi việc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa là “quyền lợi hợp pháp” [5]. Mặc! Việt Nam vẫn nhẫn nhịn và hầu như đều đều bỏ qua các phản ứng kiểu “xỉa xói” ấy [6]. Nhưng trước Quốc khánh 2/9 của mình mà Bắc Kinh yêu cầu ngư dân Việt Nam bắt buộc phải khai báo mỗi khi đi vào cái gọi là “lãnh hải” của Trung Quốc ở Biển Đông, thì câu chuyện không còn đơn giản chỉ là “xỉa xói” nữa. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là “Bộ Tứ” châu Á và “Bộ Tứ” châu Âu sẽ phản ứng, vì nó liên quan đến FONOP.

Chính vào thời điểm từ dịch bệnh COVID-19 đến khủng hoảng Afghanistan, Bắc Kinh toan tính uy tín và sức mạnh của Mỹ đang xuống, nên Trung Quốc quyết lấn tới. Để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam cần tận dụng tối đa chức năng “kép” của nhân tố kinh tế trong “Chương trình thúc đẩy”. Thứ nhất, đầu tư và thương mại có thể có tác động lên chính trị mạnh mẽ hơn hành động quân sự (Kế hoạch Marshall của Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai đã gạt được ảnh hưởng của Liên Xô). Tương tự, đầu tư vào Đông Nam Á có thể tạo ra một vùng đệm khả dĩ chống lại hai nguy cơ song hành là chủ nghĩa bành trướng Đại Hán và chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan. Cả hai nguy cơ này đều được kích hoạt mạnh mẽ bởi cuộc rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan. Thứ hai, sau khi Việt Nam mạnh về kinh tế, trở thành “con cá lớn”, lúc bấy giờ mới có thể triển khai các bước tiếp theo của ĐTTD. Để bảo vệ các lợi ích biển của mình trước chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, Việt Nam cần phải sử dụng các biện pháp tổng hợp cả về kinh tế, ngoại giao, pháp lý và trên thực địa [7].

Nhà nghiên cứu có thâm niên David Brown phân tích: “Xem xét suy đoán trước chuyến thăm (của bà Harris) trên một số phương tiện truyền thông Mỹ và các thông cáo sau đó trên báo chí Việt Nam, độc giả có thể kết luận rằng Kamala Harris đến Việt Nam với một đề xuất có điều kiện rằng quan hệ song phương nên được nâng lên thành ‘đối tác chiến lược’ – điều này tốt để đối phó với tham vọng về chủ quyền Trung Quốc đối với Biển Đông . Trong khi đó thì các nhà lãnh đạo số hai và số ba của Đảng – Nhà nước trả lời: “Không hẳn như thế, thưa bà Harris, chúng tôi cho rằng ‘quan hệ đối tác toàn diện’ hiện tại của chúng tôi với Hoa Kỳ là tuyệt vời rồi”. Lo ngại phía Hoa Kỳ chưa hiểu hết đầy đủ lập trường của bên chủ nhà, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bổ sung: “Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu” [8].

*

Căn cứ phản ứng muộn màng của Việt Nam và các “Bộ Tứ” đối với tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc ngày 29/8 có thể đưa ra phán đoán về giới hạn của các loại quan hệ đối tác giữa Việt Nam với các nước này. Chắc chắn sẽ không có bất cứ đối tác nào – dù là “toàn diện” như Mỹ, hay “chiến lược” như sáu nước trong cả hai “Bộ Tứ” (Nhật, Ấn, Úc, Pháp, Đức và Anh) – có thế thay thế Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh hải và lãnh thổ. Sứ mệnh ấy đặt trên vai quân và dân Việt Nam. Việt Nam cũng không thể trung lập khi Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông. Liệu giá trị “đồng minh kinh tế” như GS. Noah Smith đề xuất, sẽ đủ để “giải cứu” Việt Nam? “Lòng Dân Việt Nam” thì quá rõ, đến hơn 90% người dân Việt Nam thích làm ăn với Mỹ [9]. Vấn đề là “Ý Đảng CSVN” trong trường hợp này như thế nào?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts