TPHCM: Chính quyền quyết định tiêu huỷ tranh, phạt tiền hoạ sĩ vì tổ chức triển lãm không phép

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9 tháng 8 ra quyết định xử phạt hành chính đối với hoạ sĩ Bùi Quang Viễn, với lý do ông này tổ chức triển lãm tranh mà không xin phép. 

Ông Viễn trước làm thơ và có bút hiệu là Bùi Chát, tổ chức triển lãm tranh trừu tượng trong 15 ngày và đã kết thúc từ ngày 30 tháng 7, tại phòng tranh Alpha Art Station ở quận 10, Tp. HCM. 

Điều đáng chú ý là ngoài việc đưa ra mức xử phạt 25 triệu đồng, chính quyền còn yêu cầu hoạ sĩ “khắc phục hậu quả” bằng cách tiêu huỷ toàn bộ 29 bức tranh được trưng bày trong cuộc triển lãm. 

Trong quyết định xử phạt được ký bởi ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, còn nêu rõ nếu vị hoạ sĩ không chấp hành việc tiêu hủy thì sẽ bị cưỡng chế, ngoài ra còn phải đóng tiền lời nếu chậm trễ nộp phạt hành chính. 

Thông tin trên gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội, bởi đây là lần đầu tiên có chuyện một hoạ sĩ bị ép tiêu huỷ tác phẩm của mình chỉ vì tổ chức triển lãm không có giấy phép. 

Điều đáng chú ý là các tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Quang Viễn thuộc trường phái tranh trừu tượng, chứ không phải các tác phẩm khoả thân, hay hàm chứa các nội dung chống nhà nước. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, vị hoạ sĩ này cho biết ông cảm thấy “choáng váng” khi biết tin mình bị xử phạt phải tiêu huỷ tranh:

“Cái cảm nhận của tôi thì nó hoàn toàn choáng váng, quá bất ngờ, mình không thể tưởng tượng được. Mình biết là sẽ xử phạt tại vì họ lập một cái ban kiểm tra cỡ 15, 16 người. Họ đến họ kiểm tra và họ lập biên bản mình không xin giấy phép. Sau đó thì họ mời tôi lên làm việc. 

Tôi cũng thừa nhận là tôi không xin giấy phép. Tôi cũng nói với họ là ai làm việc đó thôi, nếu họ thấy cần thiết xử phạt thì họ cứ xử phạt. Thì tôi cũng nghĩ là họ sẽ xử phạt thôi, đại khái là bao nhiêu tiền ở trong cái khung. 

Nhưng mà mình hoàn toàn bất ngờ khi biết là trong cái quyết định xử phạt đấy bao gồm cái yêu cầu khắc phục hậu quả, là tiêu huỷ toàn bộ tranh. Hoàn toàn bất ngờ, hoàn toàn gây sốc. Tôi không có từ diễn tả.”

Về lý do không có giấy phép thì ông Viễn cho biết do quá bận để chuẩn bị cho cuộc triển lãm, nên không suy nghĩ đến việc xin giấy phép. Bản thân ông cũng không có ý niệm là phải xin giấy phép cho cuộc triển lãm tranh của mình. 

Vị hoạ sĩ này cũng nêu ra thắc mắc là tại sao có nhiều cuộc triển lãm tranh diễn ra mà không cần có giấy phép và không gặp phải vấn đề gì, nhưng đến lượt cuộc triển lãm của ông thì lại bị phạt. 

“Từ trước đến nay, khoảng một năm nay, thậm chí là đã có nhiều vụ đã diễn ra song song với triển lãm của tôi hoặc trước đó một ít, thì gần như toàn bộ các gallery nhỏ ở Sài Gòn mà mình biết thì không có xin phép. 

Vẫn diễn ra bình thường không có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng mà khi triển lãm của tôi diễn ra không xin phép thì họ xử lý.” 

Năm 2011, ông Bùi Quang Viễn còn được biết đến với bút danh Bùi Chát trong sáng tác thơ được Hiệp hội Xuất bản Quốc tế trao giải Tự do Xuất bản 2011, tuy nhiên khi ông này đến thủ đô của Argentina để nhận giải và trở về nước thì bị cơ quan an ninh câu lưu thẩm vấn mất hai ngày.

Ông từng phải làm việc với cơ quan an ninh văn hoá nhiều lần vì các sáng tác thơ của mình, nhưng chưa từng bị xử phạt. Và ông cũng không rõ liệu quyết định xử phạt lần này là vì phía chính quyền có thành kiến với ông hay không. 

Kiểm duyệt văn hoá không phải là vấn đề mới ở Việt Nam, trên thực tế quốc gia do đảng Cộng sản lãnh đạo này có hệ thống kiểm duyệt đồ sộ và ngặt nghèo, thế nhưng theo nhiều người thì kiểm duyệt tranh lại là vấn đề mới. 

Trao đổi với đài RFA, giáo sư Hoàng Dũng, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, cho biết quyết định xử phạt mà chính quyền Tp. HCM đưa ra là một “bước lùi”:

“Việt Nam thì nổi tiếng về cái chuyện tiêu huỷ sách vở rồi. Thế nhưng mà đây là lần đầu tiên ở phần hoạ. Xưa nay tôi chưa hề biết cái vụ xử phạt do triển lãm tranh mà lại kèm theo cái yêu cầu tiêu huỷ tranh, lần đầu tiên tôi biết cái đó.

Nói trắng ra thì đây là một bước lùi trong quản lý văn hoá. Tôi tin rằng bất cứ ai có cái lương tri bình thường, sẽ cảm thấy sốc trước quyết định như thế”

Giáo sư Hoàng Dũng cũng lo ngại rằng đây là tiền lệ “đáng lo” bởi sau này có khả năng các cuộc triển lãm tranh khác cũng sẽ gặp phải số phận tương tự. 

Nội dung của quyết định xử phạt là vậy, còn hoạ sĩ Bùi Quang Viễn thì cho rằng ông sẽ đấu tranh để bảo vệ tác phẩm của mình, chứ sẽ không dễ dàng từ bỏ:

“Trong chính cái quyết định xử phạt này họ nói mình có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện, cho nên chắc chắn vì quyền lợi của tôi thì tôi phải trao đổi với luật sư, và phải tiến hành cái thủ tục khiếu nại hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Chứ còn không thể nào lại tự tiêu huỷ tác phẩm của mình được.”

Ông cũng cho biết đại đa số khách tới xem triển lãm đều khen các tác phẩm, và bản thân các thành viên của Ban kiểm tra cũng khen tranh của ông đẹp. Nhưng không hiểu vì sao lại đòi áp dụng kiểm soát cực đoan như vậy. 

Hồi tháng 5, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cũng yêu cầu tạm dừng cuộc triển lãm “hội họa Điện Biên Phủ” của họa sĩ Mai Duy Minh dự định khai mạc nhằm ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Lý do theo một thành viên hội đồng duyệt triển lãm thuộc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, từng tham gia trong thành phần duyệt triển lãm này, nói với báo Tuổi trẻ cho rằng “lý do khiến triển lãm phải tạm hoãn là do có những ý kiến cho rằng bức tranh chính của triển lãm Điện Biên Phủ vẽ lá cờ bị rách quá và vẽ anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu.”

Related posts