Vấn nạn lương và năng lực cán bộ!

Mức lương cán bộ hiện nay được trả theo mức lương chung theo quy định của Nhà nước chứ chưa theo hướng căn cứ trên năng lực cá nhân. Liệu việc trả lương theo hiệu quả công việc có thể thực hiện một cách hiệu quả hay không, khi chưa có cơ quan giám sát đáng tin cậy?

Với mức lương cơ sở đang được áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng và hệ số hệ số lương là 9,7 và 10,3, mức lương Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ năm 2022 tương ứng là 14.453.000 đồng và 15.347.000 đồng.

Theo Điều 99 Hiến pháp năm 2013, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Truyền thông Nhà nước dẫn lời cựu Bộ trưởng LĐ-TB-XH Trần Đình Hoan ước ao đến năm 2000 lương cấp bộ trưởng được 1.000 USD. Với mức lương chưa đến 1.000 USD nhưng rất nhiều quan chức vẫn có nhà lầu, xe hơi, cho con du học nước ngoài… nên ước ao của ông Trần Đình Hoan không cần thành sự thật.

Một số người cho rằng, nếu lương cán bộ thấp thì dễ sinh ra tiêu cực trong công tác. Nên chăng trả lương cho cán bộ theo năng lực làm việc?

Một luật sư ở Sài Gòn, không muốn nêu tên, nói với RFA quan điểm của ông sáng 15 tháng 9 năm 2022:

“Mức lương của cán bộ, thủ tướng hay bộ trưởng được công khai là mức lương cơ bản chứ không phải lương thực nhận. Lương thực nhận là lương cơ bản nhân với hệ số nữa thì nó rất là lớn. Chủ tịch nước hay thủ tướng lương chỉ mười mấy triệu sao họ cất được nhà lầu? Còn cái hệ số được nhân lên nữa. Đó là lương. Còn ‘bổng’ thì không ai biết.

Nếu nói trả lương theo năng lực thì nó phải có cơ quan giám sát năng lực thì mới xác định được. Hoặc phải qua phiếu tín nhiệm của người dân chứ không phải phiếu tín nhiệm trong nội bộ cơ quan nhà nước. Lúc đó mới xét tới vấn đề năng lực. Chứ đừng xét theo kiểu ‘làm láo mà báo cáo hay’. Không tin tưởng được!”

Chuyện cán bộ hưởng lương Nhà nước nhưng có khối tài sản không thua kém một doanh nhân thành công không phải là hiếm, dù nghe thì vô lý về mặt lý thuyết.

Nếu nói trả lương theo năng lực thì nó phải có cơ quan giám sát năng lực thì mới xác định được. Hoặc phải qua phiếu tín nhiệm của người dân chứ không phải phiếu tín nhiệm trong nội bộ cơ quan nhà nước. Lúc đó mới xét tới vấn đề năng lực. Chứ đừng xét theo kiểu ‘làm láo mà báo cáo hay’. Không tin tưởng được! – Một luật sư ở Sài Gòn

Ba năm trước, dư luận xã hội nóng lên với thông tin bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đến gần 300 bộ áo dài do nhà thiết kế Võ Việt Chung may riêng cho bà. Võ Việt Chung là một nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam, bắt đầu thiết kế áo dài cho bà Ngân từ năm 2016, khi bà trở thành Chủ tịch Quốc hội. Người dân không lạ gì hình ảnh bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong những chiếc áo dài được thiết kế sang trọng khi xuất hiện trước công chúng.

Tháng 11 năm ngoái, cư dân mạng xã hội ‘dậy sóng’ trước hình ảnh Bộ trưởng Công an Tô Lâm, người phát ngôn Bộ Công An Tô Ân Xô ăn bò dát vàng ở trời Tây, khi tháp tùng đoàn của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 tại Anh. Trong khi dân trong nước đang kiệt quệ vì dịch bệnh Covid-19. Nhiều người dân đặt câu hỏi, phải chăng đó là tiêu chuẩn đặc biệt của những người thuộc hàng lãnh đạo ngành công an khi đi công tác nước ngoài?

Lúc đó, ông Lê Văn Triết, cựu Bộ trưởng Thương Mại nói với RFA:

“Bộ Tài chính họ đài thọ cho đoàn đó gồm bao nhiêu người, mỗi người theo cấp bậc, trong thời gian bao lâu… là có quy định hết. Cho nên, đoàn đó có muốn lấy nhiều hơn cũng không được, chỉ theo chuẩn đã được Bộ Tài chính và những cơ quan chức năng khác quy định.

Trước khi đi (công tác – PV), Bộ Tài chính họ chuẩn bị sẵn số tiền đó và họ đến nhận. Khi trở về cũng phải báo cáo số tiền sử dụng. Bộ Tài chính họ đâu được đưa quá số tiền quy định. Nếu làm sai quy định họ sẽ vi phạm. Việc gì họ phải gánh tội như thế trong khi họ đâu phải người đi?”

36a841f1-063d-4aab-a87c-0c3c26923df0.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội vào ngày cuối cùng của Đại hội Đảng lần thứ 12, ngày 28 tháng 1 năm 2016. AFP

Câu chuyện quan chức, cán bộ sống được nhờ “bổng” chứ không nhờ lương là điều được Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định tại buổi hội thảo khoa học ‘Phát triển nhân lực hành chính nhà nước’ được tổ chức hôm 5 tháng 8 năm 2020 rằng, tiền lương không phải nguồn thu nhập chính của cán bộ công chức, bổng nhiều hơn lương. Ông cũng cho rằng nhiều người thích vào công chức nhà nước vì có phần ngoài lương; còn nếu chỉ có lương thì không ai thích vào.

Một luật gia ở Hà Nội, không muốn nêu tên, nói với RFA sáng 15 tháng 9 năm 2022:

“Mức lương thì rất minh bạch, rõ ràng nhưng thu nhập ngoài lương mới là cái chính, không kiểm soát được. Ví dụ lương ông Vương Đình Huệ chưa đến 1000 đô la nhưng vẫn có tiền cho con du học Mỹ. Đấy là đặc tính của chế độ bao cấp.

Thu nhập ngoài lương của họ cao hơn rất nhiều lần lương thực tế nhưng không thể kiểm soát được, nhất là những người quyền lực có tầm ảnh hưởng rộng. Một bữa nhậu ở nhà hàng của họ còn cao hơn một tháng lương của họ trên lý thuyết. Ngoài ra, nếu trả lương theo năng lực hay hiệu quả cộng việc lại càng khó. Ai là người đánh giá hiệu quả công việc của họ?

Ví dụ con trai ông Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị đưa ra hai Chương trình hành động trong thời gian ông ta làm Bộ trưởng Bộ xây dựng nghe rất hay. Chương trình thứ nhất là chống tham nhũng hợp với bác Trọng. Chương trình thứ hai là xây nhà ở xã hội họp với lòng dân. Mục đích là lấy điểm về mặt chính trị mà thôi.

Phải có biện pháp chế tài, tức là nếu không làm được trong nhiệm kỳ của mình thì phải bị kỷ luật. Không thể cứ đưa ra dự án để lấy điểm, để được thăng chức, thậm chí để được giao đất, hết nhiệm kỳ chưa làm cũng không sao!”

Do quá nhiều cán bộ chỉ ăn lương mà giàu bất thường, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Mục đích của kế hoạch này được nói là để kiểm tra, làm rõ tính chính xác, trung thực các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh; ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai.

Điều đáng nói là người được xác minh tài sản, thu nhập tại mỗi đơn vị được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm với tỷ lệ 10% trên tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản.

 

Related posts