Vì sao Ban tuyên giáo phải nhắc lại ngành xuất bản là vũ khí tư tưởng của Đảng?

Đề tăng tính kiểm soát

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng hôm 10/10 yêu cầu ngành xuất bản cần khắc phục những hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh của ngành, xứng đáng là vũ khí tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước.

Trước đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã cho rằng hoạt động xuất bản phải trở thành công cụ đắc lực, một binh chủng đặc biệt trong việc cung cấp thông tin, tri thức định hướng dư luận xã hội; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định về việc này:

“Nói về ngành xuất bản thì ngành xuất bản của Việt Nam nằm trong nhóm 20 ngành độc quyền của Nhà nước, không chia sẻ với ai hết. Tức là định hướng xuất bản, con đường xuất bản, phát triển xuất bản, kiểu xuất bản, tinh thần xuất bản… là câu chuyện của nhà nước. Họ nói vậy thì thật sự nó chẳng có ý nghĩa gì hết vì từ hồi năm 2014, khi Nhà nước đẩy mạnh chương trình xã hội hóa ngành xuất bản, cho phép tất cả những nhà sách tư nhân có thể xin giấy phép, có thể làm mọi thứ để cứu ngành xuất bản đang ở mức độ đông cứng, trì trệ và không còn ai quan tâm nữa. Những năm gần đây những nhà sách ra đời đã tạo thành trào lưu mới.

Có lẽ trong bối cảnh những nhà sách bắt đầu phát triển nhiều hơn và mọi thứ dường như vượt ra ngoài tổng kiểm soát của nhà nước, Ban tuyên giáo thấy cần phải ràng rịt lại một chút về mặt tư tưởng rằng, tất cả những nhà xuất bản trên đất nước Việt Nam đều phải trong sự kiểm soát của Nhà nước Việt Nam, phải phục vụ cho tinh thần chính trị của Nhà nước Việt Nam. Vậy thôi.

Điều đó cho thấy có lẽ đang có khuynh hướng xuất hiện rất nhiều những tác phẩm họ không ưa thích, bởi vì có nhiều tác phẩm họ cho xuất bản xong lại thu hồi rồi im lặng cấm không cho in nữa hay rút lại không cho phát hành…”   

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói thêm, việc xuất bản ở Việt Nam là một trong những thứ rối rắm và mâu thuẫn nhau một cách kinh khủng. Thông tri cuối cùng cấm sách miền Nam cũ được ông Lưu Hữu Phước ký vào ngày 3 tháng 5 năm 1977 là thông tri số 12030/STTVH/XB của Sở Thông tin – Văn hóa TP.HCM. Trong đó liệt kê gần 500 tác giả miền Nam cũ và vài ngàn đầu sách đã được in của người miền Nam cũ bao gồm những cuốn như ‘Đỉnh gió hú’, ‘Cuốn theo chiều gió’…

“Tuy đến giờ phút này vẫn không có một văn bản nào hủy Thông tri đó nhưng những cuốn sách đó vẫn được in lại bằng cách chạy vạy của các nhà xuất bản, bằng cách chạy vạy của những người yêu văn hóa. Thậm chí những nhà xuất bản mới nổi ở Hà Nội cũng cố gắng tạo dựng cho mình cơ sở dữ liệu bằng cách cho in lại, dịch lại những tác phẩm lừng danh như vậy.

Tức là bản thân xã hội Việt Nam nó bùng phát, nó nở lớn lên nhu cầu văn hóa của nó với những tác phẩm nằm trong danh sách bị cấm vẫn được in, bán công khai ở những chợ sách cũ. Chính quyền biết nhưng họ vẫn làm thinh. Có nghĩa họ đã hoàn toàn bế tắc, không còn đủ sức để kiểm soát nữa.”

000_HKG2004111169147.jpg
Ảnh minh họa một tiệm bán sách dịch ở Hà Nội. AFP

Tuy chịu trách nhiệm kiểm duyệt nhưng một số cuốn sách sau khi xuất bản lại bị thu hồi nhằm ngăn chặn việc cuốn sách được lan rộng ra thị trường, chẳng hạn quyển sách “Petrus Ký nỗi oan thế kỷ” của học giả Nguyễn Đình Đầu, do Nhà xuất bản Tri thức thực hiện, đã được in nhưng bị đình lại vào tháng 1 năm 2017; ba bộ sách tựa đề “Bước Thịnh Suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc- Nhà Minh, Nhà Thanh” bị thu hồi và tiêu hủy tháng 12 năm 2017; ’cuốn sách “Gạc Ma- Vòng tròn bất tử” của nhà xuất bản Văn Học, do tướng Lê Mã Lương chủ biên bị thu hồi năm 2018…

…và, tháo nút “xã hội hóa”?

Xã hội hóa xuất bản được coi là chủ trương lớn của nhà nước, nhằm kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia phát triển ngành xuất bản trong nước và làm phong phú thị trường xuất bản phẩm. Tuy nhiên, có người cho rằng, xã hội hóa ngành xuất bản đã để cho doanh nghiệp tư nhân với khả năng kinh tế mạnh hơn thao túng quá trình xuất bản và phát hành (!?).

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng nêu quan điểm của ông khi Ban tuyên giáo nhắc lại chuyện ngành xuất bản là vũ khí tuyên truyền của Đảng hôm 10 tháng 10:

“Theo tôi nghĩ đây là khẩu hiệu họ cố gắng đưa ra để đối phó tình hình là nhà xuất bản gần như bị buông lỏng không kiểm soát được. Rất nhiều nhà xuất bản nhà nước được cấp tiền không đủ, họ không thể dựa vào Nhà nước được nữa nên họ buộc phải bán giấy phép cho tư nhân. Nhiều công ty tư nhân làm ăn trong lĩnh vực này.

Công ty in tư nhân để làm sách thì họ cho, nhưng nhà xuất bản, những người kiểm duyệt nội dung sách thì phải của nhà nước. Nhưng bây giờ rất nhiều công ty là của tư nhân. Tự họ đi tìm bản thảo chẳng hạn như thuê dịch sách nước ngoài hay tự làm những bản thảo viết tay, tự sáng tác của tác giả trong nước mà họ biết là có thể bán được thì họ mang bản thảo đến nhà xuất bản để mua giấy phép. Vì thế, nhiều sách bây giờ tiếng là của nhà xuất bản nhưng thực tế là của tư nhân.

Chính vì thế mà ban tư tưởng không kiểm soát được việc xuất bản như ngày xưa nữa nên họ phải hô khẩu hiệu nhắc nhở. Nhưng họ sẽ không làm được đâu.”

Theo thống kê trên trang tin Đảng bộ TP.HCM vào tháng 3 năm 2022, hiện nay cả nước có 1.442 cơ sở phát hành sách. Trong đó có 551 cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm là doanh nghiệp và 18 cơ sở phát hành xuất bản phẩm hoạt động xuất nhập khẩu sách.

Related posts