Vì sao Bộ Ngoại Giao Mỹ không đưa VN vào danh sách các Quốc gia đáng quan tâm về tự do tôn giáo?

Báo cáo 2020 về tình hình tôn giáo thế giới của Ủy hội Tự do Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) liệt kê 14 quốc gia đáng quan tâm vì những vi phạm tự do tôn giáo do chính quyền những quốc gia đó thực thi. Trong đó 10 quốc gia đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, gần đây nhất là vào tháng 12 năm 2020, đưa vào danh sách chính thức của Hoa Kỳ về các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt, gọi tắt là CPC (Countries of Particular Concern) vì những vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng. 

10 quốc gia đó là Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Nigeria, Bắc Hàn, Pakistan, Á Rập Saudi, Tajikistan, and Turkmenistan.

“Ngoài ra USCIRF tin rằng Bộ Ngoại giao nên chỉ định 4 quốc gia khác vào danh sách các Quốc gia Đáng quan tâm là Ấn Độ, Nga, Syria và Việt Nam”.

Đó là khuyến nghị của Chủ tịch Ủy hội Tự do Tôn Giáo, bà Gayle Manchin, phát biểu tại buổi công bố báo cáo thường niên tổ chức trực tuyến hôm 21/4/2021. 

Báo cáo nói rõ, chính quyền Việt Nam chủ động đàn áp các cộng đồng thiểu số tôn giáo độc lập, đặc biệt là các cộng đồng sắc tộc: “Ước tính có khoảng 10.000 người H’Mông và người Thượng Tây Nguyên vẫn sống vô quốc tịch vì chính quyền địa phương từ chối cấp giấy đăng ký hộ khẩu và chứng minh nhân dân — trong nhiều trường hợp để trả đũa việc họ từ chối bỏ đạo”. 

Phó chủ tịch Ủy hội Tự do Tôn giáo Anurima Bhargava trong cuộc nói chuyện dành cho Đài Á Châu Tự Do giải thích thêm lý do vì sao ủy ban độc lập, lưỡng đảng Hoa Kỳ này đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Đó chính là vì Luật Tự do Tôn giáo và Tín Ngưỡng, có hiệu lực từ đầu năm 2018, quy định sự phê duyệt bắt buộc của các nhóm và tổ chức khi muốn tiến hành các hoạt động tín ngưỡng, nếu không thì bị chính quyền làm khó dễ. 

Bà bố sung: 

“Chúng ta tiếp tục chứng kiến một vài khuynh hướng khác nhau đang diễn ra trong một thời gian khá dài, đó là sự sách nhiễu và đàn áp các cộng đồng tôn giáo thiểu số độc lập, trong đó có các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành H’Mông và người Thượng theo đạo Thiên chúa. Họ phải đối mặt với sự đàn áp chỉ vì thực hành đức tin của mình trong những năm gần đây, bao gồm bị hành hung thể xác, trục xuất, giam giữ, bỏ tù, buộc từ bỏ đức tin của họ, và cả những cách thức mà chúng ta đã thấy ở các quốc gia khác như ở Miến Điện, khi mà quyền công dân đã bị gắn liền với lý lịch tôn giáo. Chúng tôi đã thấy điều này xảy ra đặc biệt đối với những người ở Tây Nguyên”. 

Phó chủ tịch Bhargava nói Ủy hội cũng đang rất quan tâm đến các nhà đấu tranh vì tự do tín ngưỡng bị tra tấn và ngược đãi trong nhà tù Việt Nam, như các TNLT Nguyễn Bắc Truyền và Lê Đình Lượng. Ông Nguyễn Bắc Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo được bà Bhargava nhận bảo trợ. Ông bị tuyên án 11 năm tù và hiện sức khỏe ông ấy nghe nói là đang bị suy yếu trầm trọng. Đài Á Châu Tự Do có đưa tin về việc ông Lê Đình Lương bị trại giam không cho sử dụng kinh Thánh và Lịch phụng vụ. 

Từ năm 2002 đến nay, mỗi lần Ủy hội Tự do Tôn giáo đưa ra báo cáo hàng năm thì cũng lại đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê Việt Nam vào danh sách CPC. Tuy nhiên việc này chỉ xảy ra đúng hai lần, vào năm 2004 và 2005. Trả lời câu hỏi vì sao có sự khác biệt giữa sự chỉ định CPC của Ủy hội Tự do Tôn giáo vào Bộ Ngoại giao, luật sư Anurima Bhargava giải thích rằng, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong quá trình xem xét chỉ định danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt, sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, trong khi USCIRF thì chỉ nhắm vào các phạm vì tôn giáo mà thôi. 

Bà cũng nhấn mạnh, việc Ủy hội liệt kê Việt Nam vào danh sách CPC còn là một cách để nhắc nhở với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và với chính quyền Việt Nam rằng đâu là các lĩnh vực đáng quan tâm để hai bên có cơ hội giải quyết. Bà giải thích:

“Trong quá khứ, Việt Nam đã có những lần thực sự tham gia vào quá trình giải quyết các mối quan ngại được đặt ra khi bị chỉ định là một quốc gia đặc biệt quan tâm. Và đó chính là mục tiêu của việc chúng tôi làm, phải không? Mục tiêu không phải đơn thuần là để chỉ định họ là quốc gia cần quan tâm đặc biệt mà là để các mối quan tâm được làm nổi bật và để quốc gia đó thực hiện các bước để giải quyết chúng. Vì vậy, điều tôi hy vọng là Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với chúng tôi và với chính phủ ở Việt Nam để đảm bảo rằng các mối quan tâm mà chúng tôi nêu ra được giải quyết”.

Bà Bhargava nói, Hoa Kỳ có quan hệ tốt với Việt Nam nên bà tin rằng các mối quan tâm sẽ được giải quyết. Trong báo cáo 2020, Ủy hội Tự do Tôn giáo có nhắc đến một vài điểm tích cực trong năm qua như việc Việt Nam trả tự do cho Mục sư Tin Lành A Đảo và kế hoạch định cư và cấp hộ khẩu cho các hộ gia đình người H’Mông theo Thiên Chúa Giáo vào tiểu khu 179 ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Related posts