Vì sao di tích lịch sử bị ‘trẻ hóa’ sau khi trùng tu ngày càng nhiều?

Theo bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Văn Hùng, việc nhiều di tích lâu đời sau khi trùng tu mà bị biến dạng hay ‘trẻ hóa’ là trách nhiệm chính từ cấp ra quyết định cho phép tôn tạo, sửa chữa.

Trả lời chất vấn tại phiên họp Ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ VH-TT-DL sẽ tăng cường trách nhiệm giám sát, cam kết xử lý theo thẩm quyền về từng trường hợp làm sai. 

Từ Đà Nẵng, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đức Anh Sơn, tác giả  bài ‘Bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp’, nói rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền của Cục Di Sản Văn Hóa:  

Cục Di Sản Văn Hóa là đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Trong những năm qua việc trùng tu sửa chữa đã làm trên toàn quốc, họ phân quyền cho các đơn vị quản lý các di sản văn hóa, di tích, di vật tại các tỉnh. Ngoài ra ở một số tỉnh thì họ có thành lập trung tâm bảo tồn di tích hay trung tâm bảo tồn di sản văn hóa tùy theo địa phương. Đây là những đơn vị trực tiếp phụ trách việc trùng tu, sửa chữa, tôn tạo cảnh quan của di tích, cũng như đơn vị bảo vệ, bảo quản di vật hiện vật trong bảo tàng.”

Tại  buổi chất vấn, hai câu hỏi quan trọng đại biểu quốc hội nêu ra là xử lý thế nào trước sự kiện nhiều di tích bị biến dạng, “trẻ hóa” sau trùng tu ngày càng phổ biến ở nhiều địa phương. Thứ hai, giải pháp nào cho những di tích lịch sử văn hóa không được bảo vệ, quan tâm đúng mức nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Phó GSTS. Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô Thị học, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP HCM, trao đổi qua điện thư với RFA về tình hình mà ông am tường:   

Ở Việt Nam một loại di tích được xếp hạng di tích quốc gia, một loại được xếp hạng di tích cấp tỉnh và thành phố. Những loại di tích đó thường là do Nhà nước quản lý, khi sửa chữa trùng tu thì bao giờ cũng có một Hội đồng Khoa học vả sử dụng ngân sách của Nhà nước, cho nên ít có sai lầm.”   

“Những công trình gọi là hơn 100 năm tuổi mà sau được làm mới trở lại thường rơi vào trường hợp các công trình tại các cộng đồng dân cư. Ví dụ khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ, có hàng ngàn đền, chùa miếu mạo, bởi vì vùng đó cả ngàn năm tuổi. Thế thì xóm làng nào cũng có đình có chùa hết, có thể do một làng hay một dòng họ quản lý. Đình chùa miền Bắc làm bằng gỗ, mưa gió lậu ngày làm nó rệu rã và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.”

Qui định của Nhà nước là di tích nào trên 100 tuổi thì không được động vào, PGSTS Nguyễn Minh Hòa nói tiếp, thế nhưng Nhà nước cũng không có kinh phí nào để sửa chữa. Khi  đình hay chùa rệu rã quá thì bà con buộc lòng phải hạ giải:

“Hạ giải là khái niệm mô tả hành động tháo xuống và gỡ ra để làm lại. Đình, chùa để yên thì còn ra vẻ đình chùa cổ kính, mà khi đã tháo ra rồi thì nó rời rạc hết coi như phải xây lại, phải làm mới. Vì khó nhập gỗ nên phải xây bằng bê tông, cột cũng bằng bê tông nhưng mà vẽ lên cho nó giống cột gỗ. Tình trạng buộc lòng phải như thế chứ còn nói rằng bà con cố tình phá hoại hay cố tình vi phạm thì không đúng.”

“Thứ hai, có nhiều chùa chiền ở địa phương được xếp hạng di tích quốc gia hoặc di tích cấp tỉnh, bà con xin được bỏ tiền ra sửa chữa nhưng bộ phận thẩm định thiết kế và trùng tu của tỉnh, có lẽ do ít người quá, nên chả lưu tâm giải quyết và để hết năm này sang năm khác, cuối cùng dẫn đến tình trạng bị sụp trong lúc bà con vẫn cần đình chùa để thường xuyên một năm hai ba lần lễ lạy. Lỗi là lỗi ở Nhà nước thôi, chứ nói ở bà con là không đúng.”

Hồ Long Trì ở Chùa Thầy, Hà Nội. AFP

Hai thí dụ điển hình được PGSTS. Nguyễn Minh Hòa dẫn chứng:  

Đó là đền cổ An Liệt, xã Thanh Hải, huyện Thanh Trì, tỉnh Hải Dương, được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1995. Đình có cổng chính nhưng với thời gian đã bị siêu vẹo và chực chờ sụp  xuống. Người dân phải hạ giải, đập bỏ và thay tạm bằng cổng sắt, chờ khi có kinh phí thì phục dựng lại như cũ. Cho nên coi như dân đã vi phạm Luật Di sản.”

“Hay thí dụ ngôi đình Trèm hơn 2.000 năm tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngay trước ngôi đình Trèm này có cây đa to mà người ta nói cả ngàn năm tuổi rồi. Thế nhưng rễ cây  đa nó ăn ngang, nó phá hỏng tam cấp, sân và phá luôn nền của ngôi đình này. Để mãi thì đình tiếp tục bị hỏng, bị xuống cấp nên cuối cùng thì dân chặt bỏ cây đi để làm lại tam cấp, sân đình và cả cái nền bên trong nội điện. Chặt cây xong thì bị qui là phá hoại, giờ không biết phải quyết định thế nào, cả mấy năm rồi”.

Tính chất sai phạm trong việc trùng tu, sửa chữa di tích  xuất hiện từ lâu, từ trước và không đơn giản…là nhận định của Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đức Anh Sơn:

“Có những cái người ta xử lý ngay khi báo chí và công luận lên tiếng, nhưng có những cái, cũng là di tích cấp quốc gia, nhưng tổ chức tập thể người ta quản lý. Ví dụ như chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, thậm chí là di tích đặc bệt cấp quốc gia, tuy nhiên sư trụ trì có động thái xây mới. Họ nghĩ đây là thuộc phạm vi của chùa, còn việc xếp hạng là Nhà nước xếp hạng trên danh nghĩa, còn trên thực tế chùa vẫn bỏ tiền ra để tu sửa. Vì vậy họ tiến hành trùng tu di tích này mà không thông qua hội đồng chuyên môn có thẩm quyền thuộc Bộ VH-TT-DL. Nhiều lúc Bộ VH-TT-DL không nắm rõ vấn đề này cho đến khi hoặc nhà báo hoặc người dân hoặc khách tham quan đưa các thông tin đó lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Bấy giờ Bộ mới biết và mới vào cuộc”. … thì   . .”

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty du lịch lữ hành Lửa Việt, thường có nhiều bài viết về du lịch đăng trên các báo trong nước, nói rằng ông đồng ý với PGSTS. Nguyễn Minh Hòa rằng Đồng Bằng Bắc Bộ là nơi nhiều di tích lâu đời bị biến dạng nhiều nhất sau khi đã qua trùng tu, phục dựng:  

“Mặc  dù có nhiều ban bệ, nhiều hội đồng thông qua nhưng khiếm khuyết vẫn xảy ra. Có những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển du lịch, hệ thống quản lý tưởng  chặt nhưng mà cực ỏng lẻo. Truyền thông Nhà Nước cũng lên án. Nguy hại nhất là sự tùy tiện thay đổi cấu trúc.”

“Ở Ninh Bình có chùa cổ Bái Đính từ năm 1.136, nổi tiếng linh thiêng trầm mặc. Sau này mấy ông xây một chùa Bái Đính to đùng, hơn cả cung điện vua chúa ngày xưa. Trừ những người lớn tuổi  còn người trẻ không ai biết là còn có chùa Bái Đình cũ nằm trên vùng núi không xa và trong những hang nhỏ. Vào đó thì những tượng cũ được thay bằng những tượng mới.”

“Rồi những di tích như Cầu Ngói ở Nam Định, phải nói nó hoàn toàn khác. Người ta cứ tưởng mới là đẹp, là hiện đại. Thật ra trong bảo tồn văn hóa càng cổ càng có giá trị. Cách làm của mình vô tình hủy diệt cái văn hóa mà tổ tiên mình để lại. Du khách có chút hiểu biết về văn hóa thì họ không vào những chỗ đó”.

Ngay cả những di tích cấp quốc gia, gọi là di tích cách mạng như  Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Mỹ trình bày tiếp, cũng bị làm cho biến dạng, trẻ hóa đi:

Tôi lên Điện Biên Phủ năm 84, lên Đồi A1. Xác xe của Pháp, mấy cái nón cối bị đạn lỗ chỗ, rồi những vật dụng nhìn vô thấy đúng là chiến trường hồi xưa.”

“Sau này trùng tu phục dựng lại, năm 2004 tôi lên và nhìn không ra, đại để nhìn vô là thấy giả. Mấy cái nón sắt người ta dọn sạch. Ngay cả nghĩa trang Đồi  A1 trước nhìn nó chân mộc, nó có những cây cổ thụ địa phương… Bây giờ làm ngay hàng thẳng lối rất là công nghiệp. Bây giờ vô đây chỉ thấy buồn thì vô làm sao được”.

Theo thống kê, được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng viện dẫn, cả nước có 40.000 di tích đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển; gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, tám di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận.

Vẫn theo lời ông, nhiệm kỳ Quốc hội trước đó đã bố trí một nguồn kinh phí  245 tỷ đồng, nhằm phân bổ cho 400 di tích cần trùng tu và phục dựng. Ông Nguyễn Văn Mỹ nói:

“245 tỷ chia cho 400 di tích thì mỗi di tích chỉ được 600 triệu tiền Việt Nam thôi, không biết có thể làm được gì. Để lập dự án, để thiết kế không là không đủ chứ đừng nói là vật liệu và thi công.”

“Một dẫn chứng là Nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn) đang được tập đoàn của Bỉ giúp trùng tu, dự kiến làm trong vòng 8 năm từ 2017-2025. Nhưng vì một số lý do khách quan nên dự kiến lại tới 2027 mới xong. Công trình này chi phí trên 200 tỷ.”  

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL loan báo trong những ngày tới bộ sẽ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống lại sự xuống cấp các di tích.

Chi phí địa phương đề xuất phải là trên 5.000 tỷ đồng để thực hiện công việc này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng còn nhắc lại trách nhiệm chính trong vấn đề này là của cấp ra quyết định đầu tư tôn tạo, sửa chữa. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa công việc giám sát, cam kết sẽ xử lý theo thẩm quyền những trường hợp làm sai.

Related posts