Việt Nam cân nhắc mở cửa thị trường cho các hãng vũ khí nước ngoài

Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam dự báo sẽ đạt 8,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027.

Việt Nam đang xem xét một bộ luật về công nghiệp quốc phòng và an ninh – một khung khổ pháp lý có thể mở đường cho các công ty nước ngoài thâm nhập vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của quốc gia này.

Cho đến nay, chỉ có các công ty trong nước thuộc sở hữu của quân đội mới được phép đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh trị giá nhiều tỷ đô la và có tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam.

Bộ Quốc phòng đang “chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp” báo Nhà nước dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kiêm thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu gần đây.

Dự luật sẽ được chuyển cho Chính phủ đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội Việt Nam, để thảo luận thêm và thông qua – Thượng tướng Cương nói trong một cuộc phỏng vấn báo chí vào cuối tuần qua.

Các quan chức và giới phân tích cho rằng một bộ luật như vậy, trong đó đưa ra các yêu cầu và khung pháp lý rõ ràng hơn, là cấp thiết để thúc đẩy ngành quốc phòng trong nước.

Thiếu  tướng Lương Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nói với tờ Quân đội Nhân dân rằng vì Việt Nam theo đuổi chiến lược thúc đẩy sự “lưỡng dụng” của công nghệ và thiết bị quốc phòng, nghĩa là phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự, các doanh nghiệp và tổ chức tư nhân được khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng.

Tờ báo, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng cũng dẫn lời các nhà sản xuất vũ khí không nêu tên của Việt Nam nói rằng “mọi thành phần kinh tế, gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định, cần được tham gia” vào lĩnh vực này.

2a.jpeg
Quan chức quân đội Việt Nam tại khu vực trưng bày mẫu radar quân sự tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022. ẢNh: AFP/Nhạc Nguyễn

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm – một tổ chức chuyên theo dõi các hoạt động chuyển giao quân sự toàn cầu – chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng gần 700% từ năm 2003 đến 2018 và lên tới 5,5 tỷ USD vào năm 2018. 

GlobalData , một công ty tư vấn và phân tích có trụ sở tại London, báo cáo rằng chi tiêu quốc phòng của Việt Nam ước tính khoảng 5,8 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 8,5% và đạt tới 8,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027 và nguyên nhân “chủ yếu là do quốc gia này có kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Các quan chức quốc phòng Việt Nam thường không trả lời các yêu cầu bình luận hay cung cấp thông tin của giới báo chí và chủ yếu làm truyền thông qua các cuộc phỏng vấn đã được kiểm duyệt trước và đăng tải trên các ấn phẩm của Bộ này.

Thông qua một cách sớm nhất

Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức Triển lãm Quốc phòng Quốc tế đầu tiên vào tháng 12/2022 nhằm thúc đẩy lĩnh vực sự phát triển của ngành sản xuất vũ khí đồng thời đa dạng hóa nguồn mua sắm vũ khí.

Hà Nội mua vũ khí và trang thiết bị quân sự từ 26 quốc gia nhưng cho đến nay, Nga – đồng minh lịch sử và truyền thống –  đồng thời cũng là một trong bốn đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, vẫn là nhà cung cấp lớn nhất.

Các công ty trong nước hiện sản xuất một số sản phẩm bao gồm súng trường bộ binh và đạn dược, thiết bị hậu cần, radar, drone và thiết bị cho các hoạt động phòng thủ không gian mạng.

Một phần của Z111 –  nhà máy sản xuất vũ khí hàng đầu của Việt Nam – được phát triển với công nghệ từ một nhà sản xuất vũ khí của Israel – một mô hình mà nhiều công ty có thể làm theo.

Với sự đầu tư lớn hơn và chuyển giao công nghệ, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam “có thể đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa và trở nên độc lập và tự chủ” – Thiếu  tướng Đoàn Hồng Minh nguyên là Tổ trưởng Tổ tư vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển vũ khí công nghệ cao nói.

“Để hiện đại hóa ngành công nghiệp [quốc phòng], điều cần thiết là phải hiện đại hóa môi trường pháp lý,” ông Minh nói với Kênh truyền hình Quốc phòng và cho biết ông hy vọng luật về công nghiệp quốc phòng và an ninh sẽ được sự ủng hộ của Quốc hội.

Quốc hội Việt Nam khóa 15 (nhiệm kỳ 2021-2026) dự kiến sẽ thảo luận về dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay và nếu đạt yêu cầu sẽ ký ban hành tại kỳ họp thứ 7 diễn vào tháng 5 năm 2024. 

Related posts