Việt Nam chậm tuyên bố chủ quyền & lúng túng trong chiến lược tại Biển Đông

Philippines đã lên tiếng tuyên bố chủ quyền và phản đối việc hơn 200 tàu cá Trung Quốc neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu từ ngày 20/3. Đá Ba Đầu chỉ cách đảo Sinh Tồn Đông của Việt Nam khoảng 6 hải lý và là quốc gia có tàu cảnh sát biển họat động thường xuyên trong khu vực nhưng phải tới 5 ngày sau, Việt Nam mới lên tiếng tuyên bố chủ quyền. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương từ Đại học Quốc gia TP. HCM, cho rằng Việt Nam đã “chậm chân” trong việc tuyên bố chủ quyền trong vụ việc này đồng thời có những lúng túng trong chiến lược quân sự tại biển Đông.

Trong một bài viết gần đây đăng trên website của Trung Tâm Nghiên Cứu Việt – Mỹ thuộc Đại học Oregon (Mỹ), nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, giảng viên Đại học KHXH&NV, thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM cho rằng Việt Nam đã chậm trễ tuyên bố chủ quyền đối với Đá Ba Đầu và sự chậm trễ này đã “tạo điều kiện thuận lợi” cho Philippines đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng có lợi cho tuyên bố chủ quyền của nước này trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Là quốc gia đầu tiên lên tiếng phản đối Trung Quốc nên mọi hãng tin lớn trên thế giới “đều đăng tải các hình ảnh và thông tin do Philippines đưa ra trước tiên”.

Nhà nghiên cứu này cho biết tuyên bố chủ quyền của Philippines được đưa ra trên cơ sở Đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tuy nhiên Việt Nam cũng có chủ quyền đối với đá Ba Đầu vì thực thể này nằm trong vùng 12 hải lý tính từ đảo Sinh Tồn Đông nơi Việt Nam đã đóng quân và tuyên bố chủ quyền từ năm 1978.

Đá Ba Đầu nằm trong tình trạng chồng lấn giữa Philippines và Việt Nam. Một mặt, nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Philippines (cách đường cơ sở từ đảo Palawan khoảng 170 hải lý), mặt khác, nó nằm trong lãnh hải của đá Sinh Tồn Đông do Việt Nam kiểm soát thực tế, chỉ cách Sinh Tồn Đông khoảng 6 hải lý. – Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM

Ông cũng khẳng định, trong khoảng thời gian vừa qua, vẫn có những báo cáo cho thấy Hải quân Việt Nam “thường xuyên canh chừng” ở Đá Ba Đầu để ngăn cản không cho Trung Quốc xây dựng bất cứ gì ở đây. Điều này có nghĩa là “phát hiện của Philippines không mới, và không gây bất ngờ”. 

Trả lời câu hỏi của RFA tại buổi webinar “Trung quốc xâm nhập Đá Ba Đầu: Chiến lược và truyền thông của các bên” diễn ra vào ngày 23/4, thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM cũng khẳng định đảo Sinh Tồn Đông của Việt Nam rất gần Đá Ba Đầu và Việt Nam “luôn có tàu cảnh sát biển hoạt động trong khu vực”. Tuy nhiên, ông cho biết việc Philippines nhanh chân hơn trong tuyên bố chủ quyền và việc Việt Nam lên tiếng muộn hơn đều có lý do.

Về mặt thực tế, Việt Nam kiểm soát bốn thực thể ở đây nên luôn luôn có cảnh sát biển thậm chí có tàu hải quân hoạt động ở khu vực này để bảo vệ trong những trường hợp nguy hiểm. Trong bài viết mới đây của nhà báo Mai Thanh Hải đăng trên báo Thanh niên gần đây thì có đề cập tới tàu cảnh sát biển có số hiệu cụ thể đang hoạt động ở đó.

Tàu cảnh sát biển Việt Nam hoạt động ở khu vực gần đảo Sinh Tồn Đông do phóng viên Mai Thanh Hải ghi lại trong tháng 4/2021. Ảnh M.T.H/thanhnien.vn

Theo nhà nghiên cứu này, việc Philippines đột nhiên tuyên bố chủ quyền ở đá Ba Đầu có liên quan đến việc chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống của nước này sẽ diễn ra vào tháng 5/2022. Theo hiến pháp Philippines, Tổng thống đương nhiệm Duterte sẽ không thể tái cử vì mỗi tổng thống của nước này chỉ được làm 1 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, để duy trì ảnh hưởng của mình cũng như tránh tình trạng bị kiện tụng hay bỏ tù sau khi kết thúc nhiệm kỳ như một số người tiền nhiệm, ông Duterte đang chuẩn bị cho một số nhân vật thân cận ứng cử vị trí tân tổng thống, trong đó con gái ông, hiện là thị trưởng tỉnh Davao cũng là một ứng cử viên. Tuy nhiên những toan tính này cũng như đường lối thân Trung Quốc và xa rời Mỹ của ông Duterte không được lực lượng quốc phòng và giới học giả cũng như ngoại giao của nước này ủng hộ. Vì vậy họ đã thực hiện một chiến dịch truyền thông và ngoại giao liên quan đến Đá Ba Đầu nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế, hạn chế di sản thân Trung của Duterte cũng như thắt chặt hơn quan hệ với Hoa Kỳ. 

Thông tin của Philippines và Mỹ cho biết tàu Trung Quốc xuất hiện ở Đá Ba Đầu không phải là sự kiện mới. Cá nhân tôi cho rằng nó liên quan tới cuộc đua sắp tới. Nó cũng chính là yếu tố trả lời cho câu hỏi tại sao Philippines lại phát hiện ra vấn đề Đá Ba Đầu vào lúc này” – ông Việt nói.

Về tuyên bố của Việt Nam, theo ông, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam đã không lên tiếng muộn mà thực chất đây là một sự thận trọng, nhằm tránh tạo ra một ấn tượng không cần thiết về việc có một đối đầu giữa Việt Nam và Philippines.

“Nếu Việt Nam đưa ra tuyên bố sớm vô hình chung Việt Nam và Philippines có thể rơi vào cuộc chiến truyền thông lẫn nhau rằng hai bên cùng tranh chấp và đối đầu trong khi đối tượng quan trọng nhất cần phải nhắm tới là Trung Quốc” – ông Việt nói.

“Chúng ta phải chấp nhận thực tế pháp lý là hiện có những yêu sách chủ quyền chồng lấn giữa Việt Nam và Philippines. Philippines cho rằng Đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi còn Việt Nam cho rằng nó nằm trong vùng lãnh hải của Sinh Tồn Đông. Cá nhân tôi cho rằng nếu Việt Nam chứng minh được nó nằm trong vùng lãnh hải của mình thì tuyên bố chủ quyền của Việt Nam sẽ mạnh hơn” – Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP. HCM

Nhà nghiên cứu này cho rằng Việt Nam cần chấp nhận thực tế pháp lý là hiện có những yêu sách chủ quyền chồng lấn với Philippines. Ông cũng cho biết ông ủng hộ gợi ý của một số học giả rằng ba quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong vực bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia nên ngồi lại với nhau để giải quyết những vấn đề tranh chấp của mình trước, sau đó mới nói chuyện với Trung Quốc thì sẽ đạt hiệu quả hơn.

Những lúng túng, hạn chế của Việt Nam

Cũng tại cuộc thảo luận trực tuyến này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cho rằng Việt Nam có nhiều hạn chế về nguồn lực cũng như có sự lúng túng trong chiến lược đối phó trước tham vọng bành trướng ngày càng gia tăng Trung Quốc ở Biển Đông.

Về nguồn lực, ông cho rằng điểm yếu đầu tiên của Việt Nam là năng lực theo dõi các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông. Theo ông, Việt Nam không có nguồn lực để phát hiện Trung Quốc đang làm gì cũng như không thể theo dõi 24/7 những gì xảy ra tại một số điểm chiến lược ở khu vực quần đảo Trường Sa.

239849a4-440d-4bf1-8db7-a0807d862476.jpeg
Hình chụp vệ tinh Đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng và được sử dụng vào mục tiêu quân sự của nước này ở Trường Sa. Ảnh chụp hôm 21/4/2017. Credit: Reuters

Việt Nam không có công cụ để theo dõi những hành động Trung Quốc làm ở Trường Sa. Hoàn toàn không có. Tất cả những cái Việt Nam làm đều dựa vào những hình ảnh vệ tinh mua của nước ngoài. Việc Việt Nam không thể nào phát hiện được việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo suốt từ năm 2014, 2015 đến nay là một điểm thất bại” – ông Phương nhận định và cho rằng việc không có được hình ảnh vệ tinh hay những thông tin chiến lược trên thực địa một cách liên tục đã tạo ra “điểm mù chiến lược” của Việt Nam ở thực địa và điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc đối phó của Việt Nam đối với Trung Quốc. Ngoài ra, ông cho rằng Trung Quốc có thể tận dụng điểm mù chiến lược của Việt Nam cũng là hạn chế của Mỹ để có thể chiếm thêm hoặc “đảo hóa” thêm một số thực thể khác ở Biển Đông.

Nhà nghiên cứu này cho rằng năng lực của hải quân của Việt Nam cũng còn rất khiêm tốt. Trong khi mỗi năm Trung Quốc đóng mới khoảng 30 tàu chiến thì từ năm 2009 đến nay, Việt Nam mới chỉ mua 4 tàu “tạm gọi là” tàu khu trục.

“Quá trình hiện đại hóa quân đội của Việt nam đang chững lại từ sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuống. Từ năm 2009 đến giờ, ngoài 4 tàu tạm gọi là tàu khu trục, Việt Nam chưa có thêm gìông Phương nói và cho rằng các tàu hải quân của Việt Nam không có năng lực tác chiến trường kì xa bờ mà chỉ hoạt động tốt trong khoảng cách bờ 100 hải lý trở lại. 

Ông nhận xét rằng việc đầu tư cho lực lượng chấp pháp của Việt Nam có gia tăng trong những năm gần đây do tiền không đầu tư cho hải quân được đưa  sang cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư. Tuy nhiên ông cho rằng nếu đi sâu vào phân tích thì việc đầu tư vào những lực lượng chấp pháp này “cũng còn có nhiều vấn đề”.

000_Hkg9789180 (1).jpg
Tàu cảnh sát biển hiện đại của Trung Quốc uy hiếp tàu của Việt Nam ngày 3/5/2014 trên biển Đông. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam/AFP

Bên cạnh vấn đề nguồn lực, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cho rằng điều làm ông lo lắng hơn là những lúng túng trong tư duy, chiến lược quốc phòng của Việt Nam.

Chính sách quốc phòng của Việt Nam: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. – Trích Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 

Ông cho biết hiện chiến lược đối ngoại quốc phòng đi theo hướng trung lập và cân bằng với cốt lõi là tinh thần “4 không và 1 tùy” được nêu trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019. Theo ông cho tới thời điểm hiện tại, cách tiếp cận không liên minh quân sự đang là cách tiếp cận mang lại lợi ích nhiều nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh đang bị Trung Quốc o ép nhiều như hiện nay, Việt Nam cần cân nhắc có nên tiếp tục chủ trương này không. Ông đặt ra một loạt câu hỏi cho Việt Nam như: Việt Nam muốn “trung lập” nhưng nếu yếu và thiếu tự chủ về vũ khí thì có đảm bảo trung lập được không? Việt Nam muốn “cân bằng” nhưng trong trường hợp các cường quốc không cần Việt Nam thì phải làm như thế nào? Liên quan trực tiếp tới vấn đề biển Đông, ông cho rằng cũng có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như: Quá trình hiện đại hóa quân đội/hải quân có theo kịp với tình hình thực tế và các bước phát triển của Trung Quốc hay không? Chiến lược “chiến tranh nhân dân trên biển” có phù hợp với chiến tranh hiện đại và không gian đặc thù là đại dương? Học thuyết tác chiến hải quân trên biển của Việt Nam có còn phát huy trong thực tế hiện tại không?

“Cho tới thời điểm hiện tại, cách tiếp cận không liên minh quân sự đang là cách tiếp cận mang lại lợi ích nhiều nhất chứ không phải mang lại lợi ích tốt nhất” – Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, Đại học KHXH&XH, Đại học Quốc gia TP.HCM

Ông cũng cho rằng việc chính sách đối ngoại Việt Nam luôn coi trọng việc duy trì môi trường hòa bình ổn định để phát triển kinh tế là điều hợp lý, dễ hiểu. Tuy nhiên, Việt Nam không nên để rơi vào bẫy “hòa bình bằng mọi giá” vì trên thực tế, tư duy này có xu hướng khiến cho các công cụ, chính sách về mặt quốc phòng và an ninh bị xem nhẹ và Việt Nam không có năng lực và chính sách hiệu quả để đối phó với các vấn đề ở biển Đông. 

Có ba nhóm ảnh hưởng đến chính sách Biển Đông của Việt Nam là ngoại giao, an ninh và quân đội. Các quan chức và học giả ngành ngoại giao có tinh thần cởi mở bậc nhất. Ngược lại, phía quân đội tương đối bảo thủ, kiên trì theo đuổi những tư duy cũ kĩ, coi Mỹ là đối tượng (trong các vấn đề dân chủ nhân quyền), thường hạn chế việc hợp tác với Mỹ bất chấp thực tế là Trung Quốc đã chủ động nắm bắt các cơ hội mà Mỹ mang lại suốt nhiều thập niên. Còn các học giả và quan chức ngành an ninh có thể được xếp vào vị trí trung dung, cân bằng giữa hai nhóm ngoại giao và quân đội – Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, Đại học KHXH&XH, Đại học Quốc gia TP.HCM

“Tư duy là cái [Việt Nam] phải thay đổi nhiều nhất” – ông Phương kết luận và không quên nói thêm rằng tình hình quốc tế và những tham vọng bành trướng của Trung Quốc đang phát triển rất nhanh và không chờ đợi Việt Nam.

Related posts