Việt Nam chơi vơi sau sự kiện Nga tấn công Ukraine

ASEAN phản ứng yếu ớt trước xung đột Ukraine

Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tỏ ra lo ngại về những tác động của cuộc chiến này đối với tranh chấp ở Biển Đông. Do nỗ lực đơn phương của Nga nhằm thay đổi hiện trạng trùng hợp với các động thái gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, ASEAN lo ngại rằng nếu hành động của Nga được dung thứ, điều đó có thể sẽ có những tác động lan sang khu vực lân cận của họ.
Ngày 26/2, ASEAN đã đưa ra một tuyên bố đối với Nga – Một trong những đối tác chiến lược của khối, nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” về tình hình đang diễn ra và những hành động thù địch ở Ukraine. Tuyên bố được đưa ra sau khi quân đội Nga bắt đầu các cuộc tấn công quân sự vào các thành phố chính của Ukraine. Nga là một trong chín đối tác chiến lược của ASEAN, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Tuyên bố viết: Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực tối đa để theo đuổi các cuộc đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao để kiềm chế tình hình, giảm leo thang căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) ở Đông Nam Á”. (1)

Tuy nhiên, tuyên bố của ASEAN về cuộc xâm lược Ukraine của Nga rất yếu ớt. Phản ứng yếu ớt đến nỗi cả hai từ “Nga” và “xâm lược” đều không xuất hiện trong các tuyên bố bằng văn bản mà chỉ có những lời kêu gọi đối thoại và thương lượng hòa bình. Đây là một điều đáng xấu hổ đối với ASEAN với tư cách là một nhóm. Tuy nhiên, để có được một văn kiện đồng thuận của cả khối, cần có được sự đồng ý của Myanmar, quốc gia đã xích lại gần Nga sau cuộc đảo chính hồi tháng 2 năm ngoái, thì tuyên bố này cũng được coi là cố gắng của Hiệp hội này.

Những phản kháng mạnh mẽ vẫn không đủ

Các tuyên bố và lập trường riêng của các nước Đông Nam Á có ý nghĩa quan trọng hơn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore đã lên án mạnh mẽ “bất kỳ cuộc xâm lược vô cớ nào đối với một quốc gia có chủ quyền dưới bất kỳ lý do nào”. Người phát ngôn nói thêm rằng Singapore “lo ngại nghiêm trọng” về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở vùng Donbas, và những thông tin về các cuộc tấn công trên bộ và trên không nhằm vào nhiều mục tiêu ở Ukraine: “Chúng tôi nhắc lại rằng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được tôn trọng”. (2)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah nói rằng Indonesia lo ngại sự về sự leo thang xung đột vũ trang ở Ukraine mà gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sự an toàn của người dân và ảnh hưởng đến hòa bình trong khu vực. Ông Faizasyah nói: “(Chúng tôi) khẳng định rằng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ về toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng và lên án bất kỳ hành động nào rõ ràng vi phạm lãnh thổ và chủ quyền của một quốc gia”. (3)

Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 2/3 đã thông qua một nghị quyết với đa số phiếu áp đảo, theo đó “vận dụng những điều khoản mạnh mẽ nhất” phản đối hành động gây hấn” của Nga đối với Ukraine. Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, có tám thành viên bỏ phiếu tán thành nghị quyết, Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng. Lá phiếu của Myanmar là do Đại diện thường trực, người không đại diện cho chính quyền quân sự của nước này, bỏ phiếu.

Một điều đáng ngạc nhiên là, thay vì đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á lục địa – một khuôn mẫu phổ biến hiện nay trong ASEAN – Thái Lan và Campuchia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án Nga của Đại hội đồng LHQ. Việc hai nước quyết định ủng hộ nghị quyết của LHQ có lẽ xuất phát từ mong muốn đi đúng hướng và tránh sự chỉ trích nặng nề từ bất kỳ đối tác quan trọng nào. Việc Campuchia bỏ phiếu ủng hộ cũng cho thấy Trung Quốc đã không tìm cách huy động” sự ủng hộ về mặt ngoại giao cho Nga ở Đông Nam Á, vì Phnom Penh lâu nay luôn ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh tại các diễn đàn đa phương.

Biểu tình phản đối Nga xâm lược Ukraine ở Tokyo, Nhật Bản hôm 5/3/2022. Reuters

Vì sao Việt Nam bỏ phiếu trắng?

Hành động bỏ phiếu trắng của Việt Nam đã làm nổi bật hai nghịch lý. Thứ nhất, việc Nga tấn công Ukraine được cho là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, trong khi đó, Việt Nam luôn muốn làm nổi bật vấn đề “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” khi Trung Quốc có những động thái hung hăng ở Biển Đông, nhưng Việt Nam lại “làm ngơ” trước vấn đề này.

Nghịch lý thứ hai là những vũ khí hiện đại mà Việt Nam mua từ Nga lại chính là những vũ khí sẽ được sử dụng để chống lại Trung Quốc – quốc gia hiện có vẻ là “người bạn tốt nhất”của Nga. Có thể, việc Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng là do mối quan hệ lịch sử sâu sắc của hai nước này với Nga cũng như sự phụ thuộc về thiết bị quân sự vào Nga. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội: ước tính 84% thiết bị quân sự của Việt Nam đến từ Nga (Lào là 44%). Điều này khiến Việt Nam phụ thuộc vào việc cung cấp và bảo trì thiết bị từ Nga, điều tối cần thiết nếu Hà Nội muốn duy trì khả năng răn đe đối với sự xâm lược của Trung Quốc.

Tuyên bố chung mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc hôm 4/2 cam kết ủng hộ nhau bảo vệ các lợi ích cốt lõi đã gây bất ngờ cho nhiều người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn coi Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của mình. Việt Nam hiểu rõ giới hạn của mình trong mối quan hệ tay ba Nga – Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam đang trong vị trí rất chông chênh, khi mà những vũ khí Nga bán cho Việt Nam, thì đồng thời Nga cũng cung cấp cho Trung Quốc. Nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông, liệu các vũ khí của Nga cung cấp cho Việt Nam có phát huy hiệu quả như mong đợi?

Việt Nam nên lo lắng

Đối với ASEAN, các chuyên gia cho rằng việc Nga xâm lược Ukraine có thể so sánh với các động thái bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi ASEAN cũng cho rằng người láng giềng khổng lồ đang nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng. Chuyên gia Gilang Kembara tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia nêu rõ: Có sự lo ngại về việc nếu Mỹ bận rộn với cuộc xung đột ở châu Âu, Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống ở châu Á bằng cách xâm lược Đài Loan hoặc tăng cường sự hiện diện của họ ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. (4)
Các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không để cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine diễn ra một cách lãng phí. Trong lúc thế giới bận tâm về việc Moskva xâm lược Ukraine, Bắc Kinh tranh thủ đẩy mạnh chiến dịch ở Biển Đông bằng cách thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam, qua đó thách thức khả năng bảo vệ chủ quyền của Hà Nội trong khu vực này (5). Cuộc tập trận gần đây nhất là từ 6 giờ chiều ngày 4/3 đến 6 giờ chiều ngày 15 tháng ba trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu đối chiếu các toạ độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km, tức nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước hành động mới của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn lên tiếng phản đối như thường lệ là yêu cầu Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm là đã có giao thiệp với phía Trung Quốc nhưng không rõ là giao thiệp như thế nào, và phản ứng của Trung Quốc ra sao.

Một con bài quan trọng để nhằm đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông là Nga, nay đã có thể “vuột” khỏi tay Việt Nam vì tầm quan trọng của Trung Quốc lớn hơn. Vậy Việt Nam sẽ còn con bài gì trong tay?

____________

Tham khảo:

1. https://asean.org/asean-foreign-ministers-statement-on-the-situation-in-ukraine/

2. https://www.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2022/02/20220224-Ukraine

3. https://jakartaglobe.id/news/indonesia-urges-peace-settlement-in-ukraine-crisis

4. https://asia.nikkei.com/Politics/Ukraine-war/Ukraine-crisis-leaves-ASEAN-jittery-over-South-China-Sea

5. https://www.ibtimes.com.au/south-china-sea-russia-its-side-china-tests-sovereignty-vietnam-waters-1798404

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts