Việt Nam có thể xây dựng hệ thống kiểm soát tự động các nội dung xấu với trẻ em?

Thời gian qua, các vụ việc liên quan đến các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng ngày càng phổ biến và có những tác hại có thể nhìn thấy rõ rệt với trẻ em. Do đó Việt Nam cần hệ thống rà quét tự động các nội dung xấu, độc với trẻ em.

Đó là ý kiến của ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, khi trả lời báo chí trong nước mới đây.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 22/6 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV, cho biết việc xây dựng hệ thống rà quét tự động các nội dung xấu, độc với trẻ em trên quy mô lãnh thổ là không hề dễ dàng:

“Vấn đề này cũng đang nhức nhối ở Việt Nam, vì trẻ em hiện nay được cầm smart phone tương đối phổ biến, và gần như mọi người chưa áp dụng các biện pháp bảo vệ trước những thông tin xấu… dẫn đến trẻ em tiếp xúc chưa đúng lứa tuổi. Đây là vấn đề lớn của Việt Nam. Việc xây dựng bộ lọc cho toàn hệ thống internet ở Việt Nam là có thể nhưng không hề dễ, giống như câu chuyện của Facebook, họ đang rất đau đầu với việc ngăn chặn các thông tin xấu độc trên mạng của họ.”

Việc xây dựng bộ lọc cho toàn hệ thống internet ở Việt Nam là có thể nhưng không hề dễ, giống như câu chuyện của Facebook, họ đang rất đau đầu với việc ngăn chặn các thông tin xấu độc trên mạng của họ.
-Ông Nguyễn Tử Quảng

Dù mới đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 830 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”… Tuy nhiên theo một báo cáo của Quốc hội vào tháng 5/2020, Việt Nam có khoảng 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, 10% trong số đó không được đến trường và sẽ khó tiếp cận những chương trình giáo dục về kỹ năng bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Một giáo viên Tiểu học ở Sài Gòn, cũng là một phụ huynh có con nhỏ, khi trả lời RFA hôm 22/6, cho biết thực tế mà Cô thấy được:

“Tôi thấy thông tin trên mạng, nhất là YouTube, ảnh hưởng rất là tiêu cực đến trẻ khi mà cha mẹ cho tự do xem điện thoại di động. Bản thân tôi thấy có những lời lẽ mà khi đã xem rồi sẽ ăn sâu vào tâm lý trẻ. Sau đó trẻ sẽ bắt chước làm lại hay nói lại với bạn bè trong giờ chơi bằng những lời lẽ trên YouTube… bằng chứng là học sinh lớp tôi cũng có nói.”

Theo vị giáo viên này, phụ huynh nên hạn chế cho con em sử dụng iPad hay điện thoại riêng. Cô nói tiếp:

“Nếu phải cho trẻ sử dụng điện thoại thì nên tùy theo lứa tuổi. Ví dụ như học sinh cấp hai trở lên, khi cần tìm hiểu bài trên internet… nhưng phụ huynh phải cài sao để các em chỉ sử dụng Google chứ không vô YouTube được, vì trên YouTube có thể xem mọi mặt của xã hội. Bản thân tôi là giáo viên và phụ huynh thì tôi thấy nên hạn chế cho con em sử dụng điện thoại và iPad… Đồng thời phải giáo dục tư tưởng cho trẻ, vì mình cũng không thể kiểm soát hết được. Do đó các em phải có ý thức tự giác như thế nào để không xem thông tin độc hại.”

Tuy nhiên một phụ huynh khác, cũng sống tại Sài Gòn, không muốn nêu tên cho biết không dễ khi cấm trẻ truy cập internet:

“Trong thời đại hiện nay thì thật sự rất là khó để có thể hạn chế hay cấm con không có được xem điện thoại hay iPad. Cho nên mình với vai trò là cha mẹ thì cũng ráng để có những cách để có thể gọi là hạn chế con xem thôi.”

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội tháng 4/2021. AFP.

Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết thêm, hiện nay Tập đoàn Công nghệ BKAV cũng đang phát triển giải pháp để bảo vệ trẻ em trước những thông tin xấu độc trên mạng, nhưng vẫn trong giai đoạn nghiên cứu. Theo Ông Nguyễn Tử Quảng, đây là một việc không hề đơn giản. Ông nói tiếp:

“Giải pháp của chúng tôi là các phụ huynh sẽ cài trên máy của các cháu nhỏ, và có sự giám sát của phụ huynh kết nối với máy đó để nắm được tình hình. Ứng dụng sẽ chặn tự động một phần, một phần thì phụ huynh sẽ nắm được con em đang sử dụng máy như thế nào. Phần mềm này do phụ huynh tự triển khai chứ không phải bộ lọc cho toàn bộ hệ thống internet tại Việt Nam.”

Ngoài việc cho rằng ‘Việt Nam cần hệ thống rà quét tự động các nội dung xấu, độc với trẻ em’, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin – Hoàng Minh Tiến cũng cho biết, Việt Nam có Luật trẻ em, trong đó có điều luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Tuy nhiên theo ông Tiến, bên cạnh hành lang pháp lý cơ bản, Việt Nam cần chi tiết hoá các điều luật, nhiệm vụ cụ thể để giao cho các bộ ngành liên quan.

Bản thân tôi là giáo viên và phụ huynh thì tôi thấy nên hạn chế cho con em sử dụng điện thoại và iPad… Đồng thời phải giáo dục tư tưởng cho trẻ, vì mình cũng không thể kiểm soát hết được. Do đó các em phải có ý thức tự giác như thế nào để không xem thông tin độc hại.
-Một giáo viên

Để tìm hiểm thêm về mặt pháp luật, RFA liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, và được ông cho biết về các biện pháp chế tài đối với các cá nhân đưa những thông tin không tốt cho trẻ em lên internet:

“Phải xử phạt đối với những cá nhân đó từ 10 triệu đến 20 triệu đồng và đối với các cá nhân cố tình sử dụng những thông tin trên máy tính và mạng viễn thông để đưa những tin thất thiệt… đặc biệt đối với trẻ em hoặc đối với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục… thì sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ‘đưa hoặc sử dụng những thông tin trái phép trên máy tính và mạng viễn thông’ theo điều 288.”

Chuyên gia tâm lý – Tiến sĩ Tố Nhi A, khi trả lời truyền thông trong nước cho biết nếu trẻ em tiếp xúc với những nội dung không phù hợp, hay vượt khỏi khả năng nhận thức để trẻ có thể hiểu và phân định được đâu là đúng, đâu là sai… thì rõ ràng có thể dẫn đến việc hình thành những kinh nghiệm chưa đúng đắn cho trẻ em.

Theo Tiến sĩ Tố Nhi A, để có thể có những thông tin thật sự lành mạnh để cung cấp cho thế hệ trẻ, trong việc cho các em tiếp cận các nền tảng internet… thì vai trò của phụ huynh là vô cùng lớn trong việc giữ một màng lọc cho các trẻ, để trẻ em tiếp cận được với các nội dung thật sự sạch, thật sự phù hợp và có giá trị với sự phát triển của trẻ em.

Related posts