Vingroup ‘vươn’ sang lĩnh vực sản xuất vắc-xin

Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh Học Vinbiocare được thành lập vào ngày 3 tháng 6 vừa qua. Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Vinbiocare đã đi vào hoạt động, đăng ký sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, bao gồm sản xuất vắc-xin, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học y, dược. Vingroup là tập đoàn cổ đông lớn nhất trong công ty, đầu tư 138 tỷ đồng, tức 69% vốn điều lệ 200 tỷ đồng của Vinbiocare.

Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung tiếp cận nguồn vắc-xin ngừa COVID-19 cho 75% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, và nỗ lực phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin từ nước ngoài để sản xuất đại trà trong nước, tin Vingroup lập công ty sản xuất vắc-xin được giới quan tâm về tình hình đại dịch hoan nghênh.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) trong một cuộc trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 14 tháng 6 cho biết, WHO đang phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 từ chủ sở hữu nước ngoài cho một công ty trong nước:

“WHO đã chọn công nghệ mRNA cho vòng đầu tiên và một công ty ở Việt Nam đã bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm sản xuất cho công nghệ này. Vai trò của trung tâm sẽ là tiếp nhận công nghệ từ chủ sở hữu và sau đó mở rộng quy mô sản xuất đại trà theo tiêu chuẩn GMP (Thực hành sản xuất tốt).”

Tuy nhiên trong lúc này ông Kidong Park từ chối nêu danh tính của công ty Việt Nam làm đơn ứng cử trở thành trung tâm công nghệ sản xuất vắc-xin tại Việt Nam.

Một nhân viên y tế chuẩn bị một liều vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hà Nội, Việt Nam hôm 8/3/2021. Ảnh: AP/Minh họa.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định về khả năng Vinbiocare có thể trở thành trung tâm công nghệ đó: 

“Tôi rất kỳ vọng như vậy vì thực ra nếu mà nói các công ty Việt Nam có uy tín để có thể có năng lực, đầu tư được tốt để làm với các cam kết, đáp ứng tất cả các yêu cầu về mặt kỹ thuật, về mặt tiêu chuẩn tốt nhất thì ở Việt Nam có lẽ Vingroup là công ty hàng đầu có thể tạo được niềm tin như vậy trong giới đầu tư nước ngoài hoặc các hãng lớn nước ngoài để họ có thể chuyển giao công nghệ cho Việt Nam làm. 

Tôi đoán Vin có lẽ khi đầu tư làm thì cũng sẽ theo hướng đó. Chứ còn nếu Việt Nam tự nghiên cứu, sản xuất vắc-xin từ đầu thì chắc cũng sẽ mất thời gian và khó có thể kịp đáp được yêu cầu ngay trước mắt của Việt Nam cũng như của các nước khác”.

Bà Phạm Chi Lan nói, bà đánh giá cao năng lực của công ty thương hiệu Vin dựa trên những gì bà đã chứng kiến, như hệ thống y tế phi lợi nhuận Vinmec do tập đoàn Vingroup phát triển từ năm 2012, hiện vận hành bảy bệnh viện trên toàn quốc. Bà nói:

“Đối với sản phẩm sau này làm vắc-xin thì tôi có niềm tin lớn hơn bởi vì hoạt động của Vinmec, là bệnh viện để trị bệnh, khi ra đời cũng đã hoạt động khá tốt và tập đoàn Vin cũng chú trọng mời được những người giỏi về làm cho mình. Hay là từ khi mà bắt tay vào hoạt động công nghệ cao thì Vingroup cũng đã mời được các nhà công nghệ cao Việt Nam hoặc ngoại quốc, các chuyên gia thực sự trong lĩnh vực cùng cộng tác. Tôi tin là trong lĩnh vực vắc-xin này Vin cũng sẽ có khả năng mời được những người tốt và học hỏi được kinh nghiệm, tiếp thu được kịp thời những công nghệ của các nước khác có thể chuyển giao để cho ra sản phẩm tốt cho xã hội trong thời gian tới.”

Một số cư dân mạng đón nhận tin Vinbiocare như sau trên phần comment của trang VTC Now. Facebooker Hải Tọi nói: “Cũng mừng vì nghĩ đúng với thời điểm dịch bệnh đang cần vắc-xin, nhưng lại sợ vì chưa thấy lợi thế trong tay có đủ điều kiện để sản xuất cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực này.”

Một người có nick Chiến Kê Kim Xá viết: “Phải thừa nhận những doanh nhân này họ có tầm nhìn chiến lược khi đầu tư dây chuyền sản xuất vắc-xin sẽ đem lại lợi nhuận kếch xù.”

Cũng có nhiều loại comment thắc mắc liệu Vin “rồi có bỏ con giữa chợ như điện thoại, tivi không”? 

Nhưng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì việc Vingroup rút ra khỏi thị trường bán lẻ tivi, điện thoại di động là tích cực, giúp tập đoàn này tập trung vào các mảng ưu tiên hơn.

Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, từ Sài Gòn trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn về đầu tư mới nhất của Vingroup. Ông lập luận:

“Tôi hoan nghênh việc làm này. Vấn đề là nhà nước phải làm tốt chức năng quản lý, giám sát về chất lượng vắc-xin cũng như giá cả, không để cho doanh nghiệp thiệt thòi, nhưng cũng không để cho họ độc quyền về giá cả, và người dân phải được hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế, xứng đáng với chi phí họ bỏ ra”.

“Tôi hoan nghênh việc làm này. Vấn đề là nhà nước phải làm tốt chức năng quản lý, giám sát về chất lượng vắc-xin cũng như giá cả, không để cho doanh nghiệp thiệt thòi, nhưng cũng không để cho họ độc quyền về giá cả, và người dân phải được hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế, xứng đáng với chi phí họ bỏ ra”. -Ts. Bs. Đinh Đức Long

Từng có ý kiến nhận định rằng ở Việt Nam người ta có thể thấy dịch vụ của Vingroup trong mọi lĩnh vực từ giáo dục, y tế đến địa ốc, công nghệ… Gần đây Vingroup còn hé lộ tham vọng thâm nhập thị trường xe hơi tại Hoa Kỳ. Tuy vậy, qua thời gian, tập đoàn này phải từ bỏ một số lĩnh vực. Nhiều người tiêu dùng đang chờ đợi dịch vụ hay sản phẩm có chất lượng thực sự để chứng tỏ năng lực thực chất của Vingroup, chứ không phải những quảng bá rầm rộ một lúc rồi dần ‘im hơi, lặng tiếng’.

Related posts