12 tổ chức quốc tế thúc giục TT Biden áp lực Hà Nội chấm dứt đàn áp chính trị

Trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và 11 tổ chức nhân quyền quốc tế đã gửi một thư chung đến người đứng đầu Nhà Trắng, thúc giục ông gây sức ép lên Hà Nội để buộc Việt Nam chấm dứt đàn áp chính trị đối với các tiếng nói thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa, trong đó có hai blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA).

Trong thư ngỏ đề ngày 05/9, các tổ chức cho rằng “việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên đối tác chiến lược sẽ góp phần bảo vệ Việt Nam. Tuy nhiên, để mối quan hệ hợp tác này mang lại lợi ích lâu dài cho nhân dân hai nước, điều cần thiết là hai quốc gia phải chia sẻ những giá trị chung tối thiểu. Chẳng hạn như sự tôn trọng tuyệt đối đối với dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công khai coi thường hai giá trị này trong nhiều thập niên qua.”

Thư ngỏ nhắc lại rằng mặc dù Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam hiến định quyền tự do báo chí nhưng chế độ độc đảng ở Việt Nam luôn duy trì tình trạng đàn áp các nhà báo và những người thực thi quyền tự do báo chí, và gia tăng trấn áp này trong nhiều năm gần đây.

Trường hợp nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang cũng được đề cập, bà là người được RSF trao Giải thưởng Tự do Báo chí 2019, đã bị bắt giữ vào năm 2021 và sau đó bị kết án chín năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”

Các tổ chức nhấn mạnh rằng trong nhà tù Việt Nam, các nhà báo bị ngược đãi và không được chăm sóc y tế. Kết quả là nhà báo công dân Đỗ Công Đương chết ở tuổi 58 trong khi thi hành án tù tám năm ở Trại giam số 6 vào đầu tháng 8/2022. Những tù nhân lương tâm cũng bị chết trong trại giam còn có các ông Phan Văn Thu, Đoàn Đình Nam… trong khi một số nhà hoạt động bị đưa vào bệnh viện tâm thần như Lê Anh Hùng và Trịnh Bá Phương.

RSF cũng nhắc đến biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn của Việt Nam Thời báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, người bị kết án 11 năm tù cũng về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” năm 2021 và đang thụ án tù ở Trại giam Xuyên Mộc, hiện đang bị nhiễm ghẻ nặng và sức khoẻ suy giảm trầm trọng.

Là một trong những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, Hoa Kỳ cần đề cập các vi phạm có hệ thống về tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin do chế độ này gây ra. Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Biden tăng cường áp lực lên chính quyền Việt Nam để yêu cầu trả tự do cho tất cả 41 nhà báo và những người bảo vệ tự do báo chí bị giam giữ ở nước này,” Tổng Thư ký của RSF, ông Christophe Deloire nói trong thông cáo báo chí của RSF. 

Theo các tổ chức, bên cạnh việc cần phải xoá bỏ hoặc sửa đổi hai điều luật 117 (Tuyên truyền chống nhà nước) và 331 (Lợi dụng quyền tự do dân chủ) trong Bộ luật Hình sự vốn dùng để bịt miệng giới bất đồng chính kiến và nhà báo, Việt Nam cần phải trả tự do cho các ông/bà: Phạm Đoan Trang, Lê Đình Lượng, Nguyễn Tường Thuỵ, Trịnh Bá Phương, Trần Huỳnh Duy Thức và hàng trăm tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị khác.

Thư ngỏ cũng nhắc lại việc ba luật sư bào chữa cho các thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai gồm các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân bị đe doạ điều tra về cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” khiến họ phải đi tị nạn tại Hoa Kỳ.

Ông Trần Đức Tuấn Sơn, uỷ viên Trung ương Đảng Việt Tân, một trong 12 tổ chức ký tên vào thư ngỏ, cho RFA biết qua thư ngỏ, các tổ chức “không muốn vấn đề nhân quyền bị quên lãng khi hai quốc gia Mỹ và Việt Nam hân hoan nâng cấp mối quan hệ ngoại giao.”

Ông nói với RFA qua tin nhắn ngày 07/9:

Là những tổ chức phi chính phủ (NGO) theo dõi khá sát tình hình nhân quyền ở Việt Nam từ nhiều năm qua, các tổ chức ký tên trong thư ngỏ thấy sự đàn áp ngày càng gia tăng. Trước đây chỉ có giới đối kháng, các nhà dân chủ mới bị bỏ tù. Bây giờ, chế độ đàn áp luôn những nhà đấu tranh cho môi sinh như ông Đặng Đình Bách hay bà Hoàng Thị Minh Hồng.” 

Ông cũng nêu sự quan ngại về việc Hà Nội tăng cường đàn áp xuyên quốc gia, bằng việc thực hiện nhiều vụ bắt cóc người Việt ở nước ngoài rồi đưa về Việt Nam.

Đầu năm 2019, blogger Trương Duy Nhất của RFA bị bắt cóc ở Bangkok (Thái Lan) khi ông vừa nộp đơn xin tị nạn chính trị cho Văn phòng khu vực của Cao uỷ về người tị nạn của Liên Hiệp quốc (LHQ). Sau đó, ông bị đưa về Việt Nam và kết án 10 năm tù giam về tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Hơn bốn năm sau, vào giữa tháng 3/2023, Youtuber Đường Văn Thái bị mất tích ở gần Bangkok nơi ông đã sống như một người tị nạn chính trị và được cấp quy chế tị nạn bởi LHQ. Sau đó không lâu, Bộ Công an Việt Nam công bố bắt giữ ông để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” chỉ vì ông đưa nhiều thông tin về tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và tham nhũng của quan chức trong chế độ.

Gần đây, Công an tỉnh Thanh Hoá lại phát lệnh truy nã cựu tù nhân lương tâm Lê Văn Sơn trên truyền hình, cho dù ông đã sang tị nạn ở Hoa Kỳ từ năm 2019.

Các vụ bắt cóc người ở nước ngoài rồi mang về Việt Nam hoặc lệnh truy nã một người đang được quy chế tị nạn ở nước Mỹ là những thủ đoạn mới đe dọa đến những nhà đối kháng mặc dầu họ đã rời Việt Nam,” ông Sơn nói.

Lá thư chung của 12 tổ chức đã được Tổng Bí thư của Việt Tân, ông Hoàng Tứ Duy, trao cho Văn phòng Nhà Trắng ngày 5/9, ông Sơn chia sẻ với RFA.

Các tổ chức phi chính phủ cũng đề nghị ông Biden hối thúc cơ quan chức năng Việt Nam giải quyết các vụ điều tra và bắt giữ tùy tiện đối với hai blogger của RFA là Nguyễn Lân Thắng và Nguyễn Tường Thụy cùng với các nhà hoạt động có tiếng khác như Phạm Đoan Trang, Lê Đình Lượng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Trung Tôn, Trương Văn Dũng, gia đình 3 người của bà Cấn Thị Thêu, Nguyễn Năng Tĩnh và Trần Huỳnh Duy Thức.

Trong bảng xếp hạng tự do báo chí thường niên của RSF, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia ở cuối bảng xếp hạng. Trong năm 2023, Việt Nam xếp thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia được khảo sát về tự do báo chí bởi tổ chức đấu tranh cho tự do thông tin có trụ sở ở Paris (Pháp).

Related posts