45 năm cuộc chiến 1979: bài học nào cho Việt Nam hôm nay?

Cuộc xâm lược của Trung Quốc vào năm 1979 dù đã 45 năm trôi qua vẫn không ngừng khiến người Việt Nam trăn trở, suy nghĩ. Ngày nay, nhà nước Việt Nam không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Sách giáo khoa chỉ nhắc đến cuộc chiến này sơ sài vào cuối học kỳ 2 của lớp 12. Tuy vậy, giới trí thức và các nhà hoạt động xã hội vẫn không ngừng thảo luận về cuộc chiến. Bởi lẽ cuộc chiến này để lại những bài học to lớn cho Việt Nam về chính trị quốc tế. 

Bài học cảnh giác và niềm tin ý thức hệ 

Khi Trung Quốc mở đầu cuộc tấn công ngày 17 tháng 2 năm 1979, Việt Nam khi đó đã bố trí quân chủ lực tại Campuchia. Biên giới phía bắc chỉ có dân quân. Cả miền Bắc chỉ có một sư đoàn chính quy là sư đoàn Sao Vàng bảo vệ. Nhiều người đã chỉ ra từ lâu rằng điều đó cho thấy lãnh đạo Hà Nội đương thời đã không đánh giá đúng tính toán chiến lược của Bắc Kinh cho cuộc chiến này. Nhận định về câu chuyện này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. Hồ Chí Minh cho rằng: 

“Trước đó thì Việt Nam chưa hiểu Trung Quốc. Sau tháng 2 năm 1979 thì hiểu Trung Quốc nhiều hơn. Trước đó thì có rất nhiều các tác phẩm văn chương, như thơ ca Tố Hữu, bày tỏ niềm tin với Trung Quốc hoặc những sự kiện như khi Trung Quốc trả lại đảo Bạch Long Vỹ thì Việt Nam còn không muốn nhận. Điều đó cho thấy khi đó Việt Nam rất tin tưởng vào Trung Quốc, theo cách nói của khối Cộng sản lúc đó là tin vào tình cảm giai cấp vô sản quốc tế. Có lẽ đó là bài học rất lớn. Không thể mơ hồ trước một Trung Quốc đầy tham vọng. Đó là bài học Việt Nam cần phải ghi nhớ.”  

Người dân chạy tị nạn khỏi thị xã Lạng Sơn, ngày 21 tháng 2 năm 1979 (Ảnh: AP) 

Sự thụ động của Việt Nam trước cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1979, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, một phần vì trước đó Hà Nội đã ký với Moscow một hiệp ước tương trợ an ninh. Ông cho rằng bài học thứ hai cho Việt Nam ở cuộc chiến này là hiểu về tính tương đối của các hiệp ước tương trợ an ninh quốc tế như vậy. 

Vẫn theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, một khi Trung Quốc đã ra tay thì luôn tính toán rất kỹ lưỡng.  Cái thời và cái thế là yếu tố quyết định việc lựa chọn chính sách. Thời là thời điểm. Thế là vị thế của quốc gia. Năm 1979, vị thế của Việt Nam cực kỳ thấp. Việt Nam lúc này đã bị Mỹ cấm vận, kinh tế vô cùng khó khăn, kiệt quệ. Việt Nam khi đó vừa ra khỏi cuộc chiến với hai cường quốc. Ngoài ra, năm 1977, lực lượng Khmer Đỏ đã gây hấn mạnh mẽ ở biên giới phía Nam và buộc Việt Nam phải tự vệ.  Theo ông Hoàng Việt, khi đó Việt Nam tự vệ nhưng lại gây rất nhiều nghi ngờ cho các quốc gia khác trên thế giới. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, những quốc gia khác ở Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan cũng nghi ngờ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tìm kiếm hỗ trợ từ Liên Xô với hiệp ước tương trợ toàn diện. Ông nói tiếp:

“Có lẽ khi đó Việt Nam không đánh giá được tình hình. Việt Nam tin tưởng với hiệp ước tương trợ với Liên Xô thì Trung Quốc sẽ bị kiềm chế và không tấn công mình. Nhưng hóa ra không phải như vậy. Trên thực tế, cái thế và thời của mỗi quốc gia là cái quyết định hành động của họ chứ không phải hiệp định.”

Bài học không “ngả hẳn một bên” về mặt quân sự… 

Để chứng minh cho luận điểm trên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt chỉ ra rằng không chỉ Liên Xô án binh bất động trước cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam năm 1979 mà Hoa Kỳ năm 2012 cũng án binh bất động khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines. 

Trong sự kiện đó, phía Mỹ diễn giải rằng hiệp định liên minh quân sự hai bên không áp dụng cho những lãnh thổ mới được đòi hỏi sau này. Do đó, Hoa Kỳ đã không can thiệp trước hành động chiếm lãnh thổ Philippines của Trung Quốc năm 2012. Đến gần đây, Tổng thống Biden mới tuyên bố bãi cạn Scarborough cũng nằm trong hiệp định liên minh quân sự Mỹ – Philippines. Dẫn chứng như vậy, ông Hoàng Việt nhấn mạnh rằng “hiệp định là một chuyện, còn diễn giải hiệp định để hành động thì nhiều khi tùy thuộc vào bối cảnh chính trị.” Từ các sự kiện vừa nêu, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng: 

“Tôi nghĩ điều đó ảnh hưởng tới chính sách hiện nay của Việt Nam là chính sách quốc phòng bốn không. Như đã trao đổi, tôi nghĩ lúc đó (năm 1979) Việt Nam tự tin là có hiệp ước tương trợ quân sự với Liên Xô. Việt Nam tin tưởng là Trung Quốc sẽ e ngại. Hai là nếu Trung Quốc không e ngại mà chủ động tấn công thì Liên Xô sẽ hỗ trợ. Nhưng khi Trung Quốc tấn công Việt Nam thì Liên Xô gần như không có động thái gì về mặt quân sự dù hiệp định ghi rõ là một bên bị tấn công thì bên kia sẽ hỗ trợ về quân sự. Có lẽ Liên Xô khi đó đã suy yếu và gặp nhiều khó khăn.” 

… nhưng phải “ngả hẳn một bên” về mặt lợi ích quốc gia 

Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nguyễn Lê Tiến, một nhà nghiên cứu độc lập ở California, Hoa Kỳ, tiếp cận bài học lịch sử cho Việt Nam năm 1979 từ góc độ tìm kiếm lợi ích quốc gia giữa những ngã ba đường của lịch sử thế giới. Ông điểm lại lịch sử các cuộc cách mạng công nghệ của nhân loại như cách mạng công nghệ cơ khí thế kỷ 19, cách mạng công nghệ máy tính giữa thế kỷ 20, cách mạng công nghệ quang bán dẫn – chip điện từ từ thập niên 1970s và cách mạng trí tuệ nhân tạo ngày nay. 

Theo TS. Nguyễn Lê Tiến, Việt Nam đã lỡ bước ở tất cả các cuộc cách mạng công nghệ. Thế kỷ 19 thì lỡ bước cuộc cách mạng cơ khí và mất nước. Giữa thế kỉ 20 thì lỡ bước cuộc cách mạng máy tính vì “chọn nhầm phe”. Cuộc cách mạng máy tính do Hoa Kỳ và Phương Tây khởi xướng nhưng khi đó Hà Nội chọn phe Liên Xô nên đứng ngoài cuộc. 

Là một trong những chuyên gia đầu tiên của Miền Nam Việt Nam trước 1975 du học về ngành quang bán dẫn khi công nghệ này mới nổi lên, TS. Nguyễn Lê Tiến cho rằng thập niên 1970 là thập niên có hai cuộc chuyển đổi lớn. Một là khối cộng sản phân đôi, Liên Xô và Trung Quốc thành kẻ thù, Trung Quốc bắt tay với Hoa Kỳ. Hai là ngành bán dẫn, chip điện tử bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển ở Phương Tây. Trung Quốc đã ngả sang phía phương Tây đúng lúc, đúng thời điểm. Việt Nam rơi vào cuộc chiến 1979 vì tiếp tục chọn Liên Xô, chọn bên mà rồi đây sẽ tan rã. Ông nói tiếp:  

“Thập niên 1970 thế giới thay đổi một lần nữa. Việt Nam lại chọn bên thua cuộc. Trong cuộc chiến tranh lạnh ở giai đoạn đó, dĩ nhiên Mỹ và Tây phương phải giúp các nước như Nhật, Đại Hàn, Đài Loan vươn lên. Thập niên đó là thập niên bắt đầu phát triển chip điện tử. Đài Loan đã vươn lên. 

Và bây giờ thế giới lại đứng trước một cuộc cách mạng mới là cách mạng AI (trí tuệ nhân tạo). Đương nhiên Mỹ và phương Tây sẽ phải bao vây cho bằng được Trung Quốc. Không cách nào khác. 

Việt Nam bây giờ nếu không ngả hẳn về một bên thì không tiến lên được đâu. Bi kịch của Việt Nam là không biết chọn bạn mà chơi.”

Tuy vậy, TS Nguyễn Lê Tiến nhấn mạnh rằng “ngả hẳn về một bên” không bao giờ có nghĩa là ngả về mặt quân sự vào bên này để đánh nhau với bên kia. “Ngả hẳn về phương Tây” nhưng không phải đơn giản là “thoát Trung” như ở Việt Nam nhiều trí thức hay nói. Theo ông Nguyễn Lê Tiến, ngả về phương Tây” trước hết là học hỏi tinh thần khai sáng, học hỏi văn minh Tây phương như Nhật Bản, rồi Hàn Quốc, Đài Loan và một phần là Trung Quốc sau đó đã từng.  

“Đi theo Tây phương không có nghĩa là đi theo để đánh Trung Quốc mà là học tập tự do, dân chủ, khai sáng của Tây Phương, cho con người tự do suy nghĩ, sáng tạo, cho một cơ chế để phát triển. 

Học tinh thần khai sáng của Tây Phương không có nghĩa là từ bỏ những mỹ tục của mình, phải từ bỏ thờ cúng ông bà tổ tiên. Không phải. Đó là đi theo “con đường sáng” mà văn minh Phương Tây đã khai sáng ra.” 

 

Related posts