Gojek, Baemin rút lui, cơ hội nào cho app Việt?

Dù Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường đặt xe và giao thức ăn qua Apps sôi động nhất Đông Nam Á (theo Momentum Works), nhưng Gojek – Tập đoàn công nghệ của Indonesia và Baemin của Hàn Quốc đã quyết định rút lui khỏi thị trường nhiều tiềm năng này.

Quá tệ nên rút lui?

Trên trang chủ của mình, Gojek thông báo sẽ không còn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam kể từ ngày 16/09/2024. Điều này có nghĩa là ứng dụng giao hàng Gojeck sẽ ngừng cung cấp dịch vụ trên GoRide, GoCar, GoFood và GoSend…Trước đó, từ đầu năm 2024, Baemin cũng thông báo đã rút lui khỏi thị trường Việt Nam

Một cựu tài xế xe công nghệ và giao thức ăn Gojek, cho biết thực tế:

“Với những chính sách không hợp lý, cuối cùng Gojek cũng bị về nước. Nếu thay đổi chính sách theo ý kiến anh em thì Gojek còn trụ lại Việt Nam… App thì lỗi liên tục, trời mưa không tăng giá cho tài xế, ngày không mưa đi đón xa tiền có 11.000 đồng, hủy thì bị giam một giờ, ứng tiền mua đồ cho khách xui rủi ro thì tài xế chịu thiệt… đã lâu không chút thay đổi, CEO quá tệ…”

Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 9/9/2024, nhận định:

“Vừa rồi Gojek rút khỏi thị trường, thứ nhất là do Gojek hoạt động không hiệu quả. Thứ hai, tại sao công ty Grab vẫn tồn tại được, thì Gojek phải xem lại chính mình. Trong bối cảnh hiện nay chỉ còn ba hãng lớn, đây là một trong những cơ hội rất lớn để các công ty còn lại cải thiện hoạt động của mình, để có thể cạnh tranh được trong thị trường xe công nghệ.”

Vừa rồi Gojek rút khỏi thị trường, thứ nhất là do Gojek hoạt động không hiệu quả. Thứ hai, tại sao công ty Grab vẫn tồn tại được, thì Gojek phải xem lại chính mình.
-Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long

Còn Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy thì cho rằng:

“Gojek và Baemin đối mặt với các khó khăn lớn khi tham gia thị trường Việt Nam.

Thứ nhất, là họ phải đối mặt với các đối thủ trong nước. Những đối thủ này hiểu biết về thị trường nhiều hơn.

Thứ hai, là những đối thủ trong nước thường có sự hỗ trợ ngầm phía sau bởi các nhóm lợi ích. Những nhóm lợi ích này có thể dùng các thủ đoạn khác nhau để làm khó các doanh nghiệp mà họ cho là đe doạ đến thị trường của họ.

Và thứ ba là thị trường Việt Nam đã không tăng trưởng như kỳ vọng. Miếng bánh thị trường phải chia sẻ quá nhiều. Thêm vào đó, lạm phát tăng lên khiến cho chi phí để duy trì hoạt động phải tăng theo. Đồng thời, lạm phát tăng lên khiến cho người dân phải hạn chế chi tiêu lại. Điều này dẫn đến hoạt động của các công ty không có lời.”

Tóm lại theo TS Nguyễn Huy Vũ, kinh doanh vừa khó khăn, vừa không có lời, nên các công ty nước ngoài đã chọn rút.

Theo số liệu của Momentum Works, năm 2024 thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, và sẽ vượt qua mức 1,4 tỷ USD của năm 2023. Nhưng để thành công không phải là điều dễ dàng vì sự cạnh tranh khốc liệt.

Chủ hai tiệm ăn ở Việt Nam, có sử dụng dịch vụ giao thức ăn qua App, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 9/9/2024 nói với RFA:

“Phải thừa nhận là qua các App giao đồ ăn thì khả năng tiếp cận khách hàng nhiều hơn, nhưng vẫn đề đáng nói là họ chiết khấu phần trăm cho các tiệm ăn rất cao, có App đến 28 %… Dẫn đến các tiểu thương, các tiệm ăn đều phải tăng giá rất nhiều so với giá thành, nỗi khổ cũng đến với người tiêu thụ khi mà họ mua thức ăn với giá rất cao so với giá thành. Các quán ăn trong thời buổi hiện nay khá chật vật trong việc tìm kiếm khách hàng vì kinh tế đang xuống, sức mua giảm, quả là rất khó khăn, nên cũng rất nhiều khi cần đến App. Cho nên bên phía App mặc sức tung hoành và cạnh tranh nhau.”

Theo chủ cơ sở kinh doanh này, nhà nước cần tăng cường cơ chế quản lý hình thức giao hàng này:

“Vấn đề là cần có một quy chế nhất định và hợp lý để doanh nghiệp và người tiêu dùng không bị thiệt thòi và tồn tại được, nếu có một chính sách giá đúng và hợp lý thì tất cả các app đều có thể sống được, điều họ cần là cạnh tranh công bằng và văn minh để tồn tại. Tôi tin nhất là App Grap và ShopeeFood.”

000_1B17BX.jpg
Ảnh minh họa: Tài xế xe công nghệ ở Hà Nội. AFP PHOTO.

App Việt sẽ vươn lên?

Theo truyền thông nhà nước, việc Gojek và Baemin rời khỏi Việt Nam đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam như BeFood và Loship. Tuy nhiên BeFood vẫn chưa thể vượt qua đối thủ GrabFood và ShopeeFood…

Có đúng đây là cơ hội cho các công ty xe công nghệ Việt Nam và Apps Việt vươn lên tại chính thị trường giàu tiềm năng của mình? Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nhận định:

“Nói chung công ty Việt Nam thì bề dày kinh nghiệm không bằng các công ty nước ngoài, không bằng công ty Grab. Nhưng mà nếu các công ty Việt Nam cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ, phấn đấu giảm chi phí, giảm giá thành… Đặc biệt là việc đối xử với người thực thi, tức là tài xế phải đầu tư cho tốt, đối xử cho tốt, có lợi cho họ… thì chắc chắn sẽ phát huy, tồn tại tốt và sẽ hoạt động tốt.”

Nói chung công ty Việt Nam thì bề dày kinh nghiệm không bằng các công ty nước ngoài, không bằng công ty Grab.
-Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, cũng cho rằng:

“Cuộc cạnh tranh trên thị trường này rất là khốc liệt và nếu như không có một đội ngũ người lái xe năng động và chịu vượt qua khó khăn, thì rất có thể một số công ty sẽ không thể tiếp tục hoạt động. Như đã biết trong thời gian qua, Covid-19 đã dẫn đến gần như tê liệt, thế rồi sau đó kinh tế chỉ phục hồi chậm chạp, vì vậy cho nên một số nhu cầu đi lại của người dân đã giảm sút, hoặc phục hồi rất chậm… Cho nên một số hãng đã phải từ bỏ thị trường Việt Nam như là Gojek.”

Với tình hình hiện tại, Tiến sĩ Doanh đưa ra khuyến nghị:

“Tôi nghĩ trong tình hình này, có lẽ một số hãng phải điều chỉnh, tức là số lượng lái xe sẽ có thể hạn chế. Một số lái xe hiện nay đang dùng xe máy, với chi phí thấp hơn và có thể phù hợp với người trẻ, còn những dịch vụ xe taxi thì chi phí cao hơn. Có lẽ những hãng taxi đó hiện đang phải cạnh tranh gay gắt, để có thể tiếp tục hoạt động.”

Related posts