Ngày 20/9/2024, một ngày trước chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm, tù nhân lương tâm nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức (sinh năm 1966) – người đang thụ án tù 16 năm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” – bất ngờ được trả tự do trước thời hạn tám tháng. Tuy nhiên, cách ông về nhà không bình thường mà là “đặc xá cưỡng bức”, theo như ông miêu tả trong dòng trạng thái mới nhất được đăng trên Facebook cá nhân vào ngày 21/9 sau khi ông về nhà.
Trong đoạn viết trên Facebook để bày tỏ lòng cảm ơn tới gia đình, bạn bè, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, báo chí quốc tế, những người đã quan tâm đến mình, Trần Huỳnh Duy Thức nói ông có rất nhiều chuyện để kể với mọi người về 16 năm tù với nhiều cuộc tuyệt thực và đấu tranh, nhưng trước hết là một chuyện “khá khôi hài” và “vô tiền khoáng hậu” – điều mà ông mô tả cách ông được trả tự do. Trần Huỳnh Duy Thức viết về khởi điểm của câu chuyện ông được trả tự do trên Facebook:
“Ngày 19/9/2024, đại diện của trại giam số 6 thừa lệnh Bộ Công an thông báo với tôi rằng Chủ tịch nước muốn đặc xá cho tôi trước thời hạn và yêu cầu tôi làm đơn xin đặc xá.
Tất nhiên, ngay lập tức tôi từ chối nhận đặc xá và không ký vào đơn từ nào cả. Lý do là vì tôi phải được trả tự do theo đúng quy định mới của Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi mà tội bị cáo buộc vi phạm, chứ tôi không cần ra tù nhờ sự đặc xá đó.”
Trần Huỳnh Duy Thức cùng gia đình những năm qua đã nhiều lần làm đơn đề nghị xem xét lại bản án và gần nhất là đơn đến Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu theo Bộ luật Hình sự mới 2015. Tuy nhiên, các đơn của ông đã không được xem xét hoặc bị từ chối.
Một văn bản của Toà án Nhân dân Tối cao gửi gia đình ông Thức vào tháng 7/2023 khẳng định ông Thức là người phạm tội theo Khoản 1 của Điều 79 Bộ luật Hình sự 1999 vì ông có vai trò là người tổ chức (người chủ mưu, người cầm đầu, người chỉ huy thực hiện tội phạm) … và thuộc trường hợp tội phạm đã hoàn thành, không thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội theo Khoản 3 của Điều 109 BLHS 2015. Theo văn bản trả lời này, ông Thức không thuộc đối tượng được áp dụng các điều khoản có lợi theo quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/7/2017 của Quốc hội để xem xét miễn phần hình phạt còn lại.
Ông Thức và gia đình không chấp nhận trả lời này của Toà án Nhân dân Tối cao và tiếp tục khiếu nại để được trả tự do theo đúng luật định.
Cũng trong suốt quãng thời gian từ năm 2018 khi bắt đầu gửi lá đơn đầu tiên đề nghị được giảm án theo đúng luật định, ông Thức cũng nhiều lần tuyệt thực để phản đối việc đối xử bất công trong tù và việc ông không được trả tự do theo luật.
Ông Thức cũng kiên quyết từ chối những đề nghị ra nước ngoài để đổi lấy tự do và nói với gia đình mình rằng ông muốn được sống và chết cho lý tưởng, trên quê hương của mình.
Vào chiều ngày 20/9/2024, một ngày trước chuyến thăm Mỹ đầu tiên trên cương vị Tổng bí thư – Chủ tịch nước của ông Tô Lâm – Trần Huỳnh Duy Thức bị khoảng hơn 20 người “khiêng ra khỏi cổng nhà tù trước sự phản đối của của các anh em tù chính trị ở đó” – ông Thức cho biết trên Facebook. Ông viết:
“Vào lúc 17g45 ngày 20/9/2024, hơn 20 người của Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam đọc thông báo rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 940 ngày 20/9/2024 về việc “đặc xá” cho tôi. Vì vậy tôi trở thành người tự do và không có quyền tiếp tục ở lại trại giam. Tôi phản ứng ngay rằng tôi không có tội cũng như lý do gì để nhận đặc xá và sẽ không đi đâu cả.
Thế là họ cưỡng bức, khiêng tôi ra khỏi cổng nhà tù trước sự phản đối của các anh em tù chính trị ở đó, rồi đưa tôi lên xe ra sân bay Vinh. Cuối cùng tôi bị buộc phải lên máy bay trong chuyến muộn vào Sài Gòn.”
Ông Thức gọi vụ “cưỡng bức đặc xá” này là “góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước, một chuyến đi mang hy vọng về sự chuyển đổi mạnh mẽ cho đất nước trong tương lai.”
Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 21/9 lên đường sang New York Mỹ để dự hội nghị tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc từ ngày 22 và 23/9 và sẽ có bài phát biểu đầu tiên của ông tại diễn đàn này trên cương vị mới.
Ngay trước chuyến thăm, ngoài Trần Huỳnh Duy Thức, còn một tù nhân lương tâm nổi tiếng khác cũng được trả tự do đồng thời là nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng (sinh năm 1972). Bà Hồng bị kết án tù ba năm vào tháng 9/2023 với cáo buộc tội trốn thuế. Việc kết án bà Hồng đã bị nhiều tổ chức quốc tế lên án là nguỵ tạo.
Theo Human Rights Watch, Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng hơn 160 tù chính trị. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam từ trước đến nay luôn khẳng định không có bất cứ tù chính trị nào.
Trong các chuyến công du Mỹ của các lãnh đạo Việt Nam từ trước đến nay, đã có những trường hợp tù chính trị được trả tự do nhưng thường họ được đưa thẳng sang Mỹ như là một cách trao đổi của Chính phủ Việt Nam trước sức ép của chính phủ Mỹ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Trong dòng trạng thái đầu tiên trên Facebook cá nhân sau khi về nhà, ông Trần Huỳnh Duy Thức một lần nữa khẳng định mình vô tội.
“Tôi không lật đổ chính quyền gì cả, tôi chỉ chống cường quyền, và tôi sẽ còn chống cho đến khi nào còn thấy nó” – Trần Huỳnh Duy Thức viết.