Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ gặp Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào thứ tư, ngày 25/9, theo Reuters. Các nhà quan sát cho rằng, cuộc gặp này cũng như nhiều động thái xung quanh nó báo hiệu ông Tô Lâm có thể có những cải cách mạnh mẽ trong tương lai.
Từ hợp tác công nghệ tới cải cách
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi các nước lớn chia sẻ thành tựu phát triển khoa học công nghệ. Thực tế, ai cũng biết khoa học công nghệ là yếu tố quyết định sự thành bại trong cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia. Hoa Kỳ sẽ không thể chia sẻ các công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi cho những nước thân thiết với Trung Quốc, hoặc những nước có nguy cơ chia sẻ công nghệ cho Trung Quốc mà không phải là đồng minh, hoặc ít nhất không phải là “đối tác đáng tin cậy” của họ. Vậy lời kêu gọi chia sẻ khoa học công nghệ của ông Tô Lâm có phải là chỉ dấu cho thấy ông muốn làm cải cách hay không? Nếu ông làm cải cách thì đó có thể là gì?
Trao đổi với RFA, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada chia sẻ góc nhìn của ông:
“Đối với cá nhân tôi thôi, có một điều tôi có thể khẳng định ngay, là ông Tô Lâm là một nhà cải cách lớn của Việt Nam, trong giai đoạn từ đây đến 2030. Mặc dù điều này có thể còn quá sớm, nhưng tôi nghĩ sau này ông ấy có thể được mệnh danh là một nhà cải cách, xứng danh với ông Nguyễn Văn Linh, ông Võ Văn Kiệt.
Tôi thấy sau khi tiếp quản chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) mà ông Nguyễn Phú Trọng để lại sau khi ra đi thì ông ấy thường nhắc đến cụm từ như là chỉ dấu cho thời đại mới của ông ấy là “Việt Nam đang đứng trước kỉ nguyên mới”. Trong kỉ nguyên mới ấy, ông ấy muốn để lại dấu ấn quan trọng như một nhà cải cách. Trong các bài phát biểu, đặc biệt trong bài diễn văn hội nghị Trung ương 10, thì ông đều nhấn mạnh đến cải cách thể chế, cải cách lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đặc biệt, ông muốn cải cách mối quan hệ giữa các thành tố trong xã hội là “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhưng ông có thể muốn đưa nhân dân lên ở vị trí đầu tiên.
Về lý do ông Tô Lâm kêu gọi “chia sẻ thành tựu khoa học công nghệ”, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng, đó là mối quan tâm của ông Tô Lâm từ lâu. Một trong những bài phát biểu đầu tiên của ông Tô Lâm khi đăng quang chủ tịch nước là kêu gọi chuyển đổi số. Theo ông Hoàng Việt, ngay từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Tô Lâm đã được đánh giá là có đầu óc cấp tiến. Ưu tiên phát triển công nghệ sẽ dẫn đến nhu cầu cải cách. Ông giải thích:
“Những quốc gia như Việt Nam cần tốc độ phát triển nhanh để bắt kịp các quốc gia phát triển. Một trong những động lực thúc đẩy tốc độ phát triển là khoa học công nghệ. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là nếu khoa học công nghệ phát triển thì bắt buộc quan hệ sản xuất phải phát triển theo, nghĩa là hệ thống chính trị, pháp luật, chính sách phải thay đổi theo cho phù hợp. Có lẽ chúng ta có thể hiểu vấn đề như vậy.”
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt chỉ ra là ông Tô Lâm gần đây nhiều lần kêu gọi Việt Nam phải phát triển lên thành cường quốc tầm trung. Ông cũng kêu gọi cải cách thể chế. Vậy cải cách thể chế nghĩa là thế nào? Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, chắc chắn là rồi đây các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ giải mã vấn đề này. Còn theo cách hiểu của ông Hoàng Việt thì “cải cách thể chế” ở đây không phải là chuyển sang thể chế chính trị khác. Nhiều năm qua, Việt Nam có nhiều thành tựu về kinh tế và chống tham nhũng, nhưng có nhiều hệ lụy, trong đó có vấn đề bộ máy hành chính bị xơ cứng. Nhiều người sợ trách nhiệm, khiến cho bộ máy chính trị không đáp ứng yêu cầu. Do đó, đây là ưu tiên trước mắt trong tiến trình cải cách của ông Tô Lâm.
Tại sao gặp ở New York mà không phải Nhà Trắng?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng cùng với chuyến thăm Lào, Campuchia, Trung Quốc trước đó, chuyến làm việc tại Liên Hiệp quốc của ông Tô Lâm giống như một sự ra mắt quốc tế của vị nguyên thủ vừa nhậm chức chưa lâu. Ông phân tích:
“Thế nhưng cuộc làm việc tại Liên Hiệp quốc lại không được chú ý nhiều bằng cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden. Sau khi Tổng Bí thư – Chủ Tịch nước Tô Lâm đã có cuộc gặp Tổng Bí thư – Chủ Tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nếu Tổng Bí thư – Chủ Tịch nước Tô Lâm có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Biden ở Nhà Trắng thì đó sẽ là một tiếng vang lớn, khi mà người lãnh đạo cao nhất Việt Nam đã gặp cả hai cường quốc.
Tuy nhiên, nhiều người đã không được hào hứng lắm trước cuộc gặp của ông Biden với Tổng Bí thư – Chủ Tịch nước Tô Lâm vì đó không phải là cuộc gặp chính thức cấp nhà nước, theo thông tin chính thức, mà là cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Liên Hiệp quốc.
Mặc dù đây không phải là cuộc gặp chính thức cấp nhà nước nhưng nói cho cùng thì hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau và trao đổi nhiều vấn đề. Điều đó cho thấy cả hai rất coi trọng mối quan hệ của nhau.”
Vậy tại sao ông Biden và Tô Lâm chưa có cuộc gặp chính thức? Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đang bận rộn với các vấn đề đối nội. Mỹ đang bước vào cuộc bầu cử tổng thống ở giai đoạn chạy nước rút. Hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris đang chỉ trích lẫn nhau. Nếu phía ông Trump tấn công cuộc gặp của ông Biden và ông Tô Lâm thì sẽ không hay cho cả hai. Ông phân tích tiếp:
“Nếu ông Biden đón thì có nguy cơ phía ông Donald Trump sẽ chỉ trích và thậm chí có thể có những lời không hay với phía Việt Nam. Vì vậy phía ông Biden có thể không muốn vì tác động không tốt cho quan hệ hai bên. Vì vậy hai bên đã không thiết lập một cuộc gặp chính thức. Nhưng cuối cùng hai bên vẫn gặp nhau ở New York. Hai nước có tiềm năng phát triển rất lớn vì Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ và Mỹ cũng coi trọng quan hệ với Việt Nam. Hai bên đều tìm thấy những điểm chung và có nhu cầu phát triển mối quan hệ lên một mức độ mới.”
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng nhấn mạnh sau khi nâng cấp quan hệ được một năm thì cả Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều việc chưa làm được. Cả hai phía đều đang bận rộn củng cố các vấn đề nội bộ. Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, với sự thay đổi về nhân sự cấp cao, còn phía Mỹ thì bước vào giai đoạn bầu cử lãnh đạo mới. Do đó, ông Hoàng Việt cho rằng:
“Có lẽ hai bên đang tập trung vào vấn đề nội bộ nhiều hơn. Tôi nghĩ là sang năm 2025, đặc biệt là sau 2026, khi đại hội Đảng 14 kết thúc, thì chính là thời gian để hai phía Việt Mỹ thúc đẩy mối quan hệ lên một tầm cao mới hơn.
Theo một quan chức ngoại giao Mỹ nói với tôi thì dù sắp tới tổng thống Mỹ là ai, dù là ông Donald Trump hay bà Kamala Harris thì cũng sẽ có một chuyến thăm đến Việt Nam. Và như vậy đó sẽ là cơ hội cho hai bên thúc đẩy quan hệ lên.”
Đối nội và đối ngoại
Vẫn xung quanh chuyến đi New York của ông Tô Lâm, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đó là chuyến đi quan trọng với rất nhiều phía.
Do đó, theo Luật sư Vũ Đức Khanh, bên cạnh Tổng thống Mỹ, nếu ông Tô Lâm gặp gỡ lãnh đạo các nước khác như Anh, Úc, Ấn, Nhật thì cũng tăng cường vị thế của Việt Nam:
“Đối với đại đa số người dân trong nước, cuộc gặp của ông Tô Lâm với ông Biden, dù chỉ 15 – 20 phút thì ông cũng trở nên quan trọng với người dân, vì người dân rất mong Việt Nam phát triển quan hệ với Hoa Kỳ một cách mật thiết.
Đồng thời, đối với các lực lượng khác nhau trong Đảng Cộng sản Việt Nam, họ cũng muốn ông ấy cho họ thấy ông có khả năng phát triển quan hệ với lãnh đạo Hoa Kỳ và phương Tây. Đó là vấn đề có tầm quan trọng nhất.”
Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, trọng tâm của chuyến đi lần này của ông Tô Lâm có ba hồ sơ quan trọng. Thứ nhất là hồ sơ vị thế chính trị ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Thứ hai là hồ sơ về hợp tác an ninh quốc phòng. Hồ sơ thứ ba là hợp tác kinh tế, trong đó có hợp tác khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số.
Đến thời điểm này, những hợp tác trong ba lĩnh vực trên vẫn chưa được như Việt Nam mong đợi. Nhưng những thông báo của Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ gặp ông Tô Lâm ở New York vào ngày 25 tháng Chín, điều đó khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. “Điều đó cũng vô cùng quan trọng đối với đối nội,” Luật sư Vũ Đức Khanh chia sẻ với RFA từ Canada.