Cái đèn cù của dân miền núi

Trên những gò đất cao của Làng Nủ, cái thôn bé tẹo nằm trong một thung lũng hẹp trên miền núi huyện Bảo Yên (Lào Cai) vừa bị núi lở chôn vùi 35 ngôi nhà và 54 người, có những ngôi nhà khang trang còn đứng vững bên rìa hoang địa. Hầu hết chúng đều toàn gỗ, từ cột kèo, sàn, vách đến hàng hiên gỗ, nhiều chỗ chạm trổ cẩn thận đẹp mắt. Nhưng cũng như những ngôi nhà khác của Làng Nủ, chủ nhân của nó đã phải lập tức thu dọn toàn bộ đồ đạc chạy trốn khỏi thiên tai.

“Giàu nhỉ, làm toàn nhà gỗ như thế này thảo nào rừng bị phá hết sạch”-suy nghĩ đầu tiên của rất nhiều người là thế.

Họ phê phán cũng phải. Một ngôi nhà gỗ như thế ở dưới xuôi phải tiền tỷ.

Nhưng ở miền núi, làm nhà gỗ mới là dễ, rẻ, nhanh.

Ở miền núi không làm nhà gỗ thì làm nhà gì?

Vì, người dân chỉ cần vào rừng chặt ít lâu là đủ gỗ để dựng toàn bộ một ngôi nhà, đóng tất tần tật đồ dùng bàn ghế giường tủ.

Kiểm lâm không thể kiểm soát toàn bộ rừng núi. Hoặc cũng không muốn quản. Hoặc chủ động mắt nhắm mắt mở mà quản. Vì ai cũng hiểu rõ rằng người dân bản địa kiếm tiền cũng khó như kiếm… rừng nguyên sinh ở Việt Nam, trong khi rừng núi thì ngay sát bên. Không vào núi kiếm gỗ thì lấy gì làm nhà? Tiền đâu mà làm?

Một ngôi nhà xây bình thường nhất ở miền xuôi với tường gạch, mái tôn, diện nhà tình thương có giá trung bình khoảng 50 triệu đồng thì lên đến miền núi, nó phải đội giá lên gấp mấy lần.

Vì chỉ riêng việc vận chuyển đã quá chừng gian truân, vất vả. Thậm chí đầy rẫy hiểm nguy.

Tại những thôn bản hẻo lánh nơi rừng núi, cái gọi là đường đi chỉ là những vệt đường mòn trong rừng. Nó ngoằn ngoèo như rắn bò, lao lên dốc, phi xuống suối, uốn éo bên bờ vực. Lao lên thì máy xe rú gầm cũng chỉ nhích được từng tí, phi xuống thì người ngồi sau chỉ muốn nhắm tịt mắt lại cầu nguyện tất cả các đấng thánh thần bảo hộ trên đời. Một bên là vực sâu thẳm, một bên là vách núi đá nham nhở hay núi đất trơn tuột. Mùa khô tung bụi đỏ trời, còn mùa mưa, nó trở thành hố bùn khổng lồ, nhão nhoẹt, trơn như mỡ, hút chặt lấy chân người. Xe máy muốn chạy ở đây phải là những loại có gầm cao, máy độ lại thật khỏe và lấy xích quấn vào bánh xe cho đỡ trượt.

Rồi những con suối đầy những đá tảng ngổn ngang lểnh khểnh vào mùa khô, và hung dữ cuộn trào, sôi réo, tung đầy bọt trắng xóa hay cuốn theo đủ thứ thân cây lá gỗ trên nguồn xuống vào mùa mưa. Những thầy cô giáo cắm bản, người làm việc nơi rừng núi buổi sáng có thể lội qua suối đi làm dễ dàng. Nhưng nếu sau đó có mưa lớn trên nguồn thì phải xác định sẽ ngủ lại bên kia suối đêm ấy, hoặc vài đêm, chờ cho đến tận khi nước rút. Vì con suối lúc ấy đã trở mặt, phình ra gấp hàng chục lần, nước cùng với bùn và đất đá tuôn cuồn cuộn như con rồng phát điên. Sẩy chân một cái là nước kéo đi mất hút, cầm chắc cái chết.

Xe máy muốn qua suối phải có nhiều người khỏe mạnh xỏ cây tre hay gỗ vào, nâng lên, từ từ cùng đi qua.

Nhiều năm qua, người đọc đã thấy đủ kiểu vượt suối của các thầy cô giáo cắm bản. Chui vào túi nilon to buộc túm lại, nhờ đàn ông khỏe mạnh vừa bơi vừa kéo qua. Ngồi kẹp hai chân trên thân cây bắc qua suối, nhích từng cm một. Kiểu nào cũng thót ruột thót gan.

Chở một tấm nhựa lên rừng cũng khó, nữa là chở xi măng, cát, vôi, sơn, gạch, tôn, ngói… Và thợ. Để làm nhà, tránh cái tiếng “phá rừng”.

Nhiều năm trước, tập đoàn mà tôi đang làm việc muốn hỗ trợ một ngôi trường trên miền núi, gần biên giới. Chúng tôi đi khảo sát. Khu vực ấy không có điện, không đường, không chợ, không điện thoại, không internet, không nước sạch, không nhà vệ sinh. Thầy cô giáo sáng sáng ra suối múc nước đánh răng, mờ sáng lên rừng đặt bẫy chim, bẫy chuột, đặt lưới dưới suối bắt cá, chặt măng, hái rau rừng, hái trái rừng làm thức ăn. Đất sẵn nhưng trồng rau không tươi tốt vì thời tiết lạnh giá nhiều sương muối và thiếu phân bón. Nuôi gà vịt thì dù đã làm rào, quây lưới rất kỹ nhưng quạ, diều hâu vẫn sà xuống bắt gần hết. Mà gà ăn cái gì? Trồng lúa nước thì diện tích đất ít ỏi bé tẹo, năng suất thấp, may lắm thì đủ gạo cho cả nhà ăn, lấy đâu tấm cám nuôi gà vịt, nuôi lợn? Trồng ngô thì được nhiều hơn một tí, nhưng may lắm cũng chỉ đủ để xay làm mèn mén ăn kèm thêm vào gạo. Vùng nào dân thích uống rượu thì ngô vào nồi nấu rượu gần hết nữa. Nên mới có chuyện mới nghe tưởng như đùa là lên miền núi công tác mà vào bản lùng mãi mới mua được vài con gà bé tẻo.

Khảo sát xong, về, báo lại kết quả mà phòng kế toán tính toán mãi vẫn cứ phải bóp trán. Gian nan quá, đến nỗi muốn xây lại trường thì có khi phải làm lại cầu, đường trước đã. Chi phí đội lên đến mức không tưởng.

000_36FZ8DU.jpg
Người dân mang theo quan tài những nạn nhân ở Làng Nủ, tỉnh Lào Cai hôm 11/9/2024. AFP

Mấy chục năm nay Nhà nước vẫn phải cấp gạo chống đói

Giao thông cách trở nên miền núi gần như không thể buôn bán. Hầu hết các tỉnh miền núi suốt mấy chục năm nay vẫn phải ngửa tay xin Nhà nước cấp gạo ăn vào những tháng giáp hạt và quanh thời điểm tết.

Cho nên kinh tế mỗi nhà hầu như không khác thế kỷ trước, hầu hết vẫn tự cấp tự túc. Lương thực tự lo được bao nhiêu thì lo, còn lại Nhà nước không bao giờ để cho đói. Thực phẩm-như đã nói. Vật dụng trong nhà hoặc chủ yếu trông chờ vào bọn trai trẻ sung sức đi rừng chặt gỗ thuê, lấy lan, lấy mật ong bán, hoặc đi thật xa làm thuê, hoặc do nhiều đoàn thiện nguyện nhiều năm mang đến.

Nhà nước muốn gom dân miền núi lại sống tập trung, làm ruộng tập trung giống như một làng của người Kinh. Nhưng với đặc điểm địa hình và kinh tế của miền núi, về bản chất, có lẽ không quá lời khi khẳng định về lâu dài, một cách bền vững nhất, người dân miền núi vẫn chỉ có thể sống nhờ rừng.

Nhà nước cũng thấy thế. Bèn chủ trương giao rừng, giao đất để trồng rừng.

Nếu được giao các vùng rừng còn trù phú, hệ sinh thái cân bằng thì còn có thể khai thác mật ong hay các thổ sản như lan rừng, các vị thuốc… Tuy cũng chẳng đáng kể, thế nhưng rừng giàu cũng còn đâu nữa để khai thác hoài.

Thế rồi, từ mấy chục năm nay, các tỉnh đã có cách xóa đói giảm nghèo mới và tỏ ra rất hiệu quả trong ngắn hạn cho dân miền núi. Đó là trồng rừng sản xuất.

Cái đèn cù đau thương nhưng bất lực

Trồng rừng sản xuất là trồng các loại cây dễ sống, sinh trưởng nhanh, thân lá có thể dùng được làm nguyên liệu cho ngành kinh tế khác như rừng cao su, cây keo dùng làm bột giấy, bồ đề lấy nhựa dùng trong ngành dược phẩm, trồng quế làm dược liệu… Bây giờ phổ biến nhất là trồng keo. Mỗi ha cây keo sau 4-6 năm cho thu hoạch, được khoảng 90-120 triệu đồng/ha. Gia đình nhận trồng được vài chục ha thì đời sống ổn định, khấm khá hơn hẳn.

Đó cũng là niềm vui của lãnh đạo các địa phương khi tìm được một lối thoát kinh tế giúp dân miền núi sống được ngay tại nơi chôn rau cắt rốn. Ít nhất họ sẽ không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn trợ giúp của Nhà nước, hay tệ hơn là vào lòng xót thương của các đoàn từ thiện.

Thế nhưng mặt trái của chủ trương phát triển rừng trồng ồ ạt này cộng với thực tế phá rừng vẫn lộng hành không giảm đã khiến nguy cơ núi lở tăng gấp bội khi cộng hưởng với các điều kiện thời tiết bất thường.

Như nhiều phân tích của các chuyên gia sinh thái, lâm nghiệp, địa hình địa mạo từ nhiều năm nay, rừng sản xuất không thể gọi là rừng. Về bản chất nó chỉ là một cái vườn rộng mênh mông nhưng thâm canh chỉ một giống cây, mặt đất trơ khấc không có cây bụi, không có tầng tán, không có lớp mùn ngày càng dày ở dưới đất do lá cây rụng. Do không đa dạng sinh thái, không có nguồn thức ăn cho sinh vật nên trong rừng sản xuất không gian luôn im lặng như tờ, không tiếng chim muông, không tiếng râm ran của ve của dế, không một tiếng ềnh oang của cóc nhái ễnh ương, không rập rờn cánh bướm, không động vật nào sống được. Mùa khô thì nắng gay gắt hầm hập. Mùa mưa thì sũng nước, đầy nguy cơ sụt lở. Rừng trọc không còn rễ cây chằng chịt đâm sâu dưới lòng đất để giữ nước thì nước sẽ trượt thẳng trên bề mặt xuống vùng thấp hơn, gây lũ ống, lũ quét. Khi keo lớn, cưa xong để bán thì hệ rễ còn lại sẽ khô mục trong đất, trở thành những cái ống đưa nước thẳng vào sâu trong đất, càng dễ gây sụt lở.

Những rừng cao su, rừng keo, rừng bạch đàn… trải dài từ Bắc đến Trung đều một kiểu như thế. Chúng tô rất nhiều màu hồng vào bảng thành tích của mỗi địa phương trong việc tăng tỷ lệ che phủ rừng và phát triển kinh tế, nhưng cũng tăng gấp bội nguy cơ lở núi, trôi cầu sạt đường, mất nhà, chết người. Nếu cộng trừ nhân chia ra rạch ròi, e rằng thiệt hại đã lớn và đau đớn hơn cái lợi gấp nhiều lần. 

Cạnh đó, lãnh đạo địa phương cũng chẳng thể thật sự thiết tha với việc giữ rừng. Nhiệm kỳ của họ ngắn hạn, không có chỗ cho những kế hoạch cần ít nhất 10 năm mới thấy hiệu quả. Cái ghế lãnh đạo thì bao nhiêu kẻ nhăm nhăm dòm ngó, nhưng thực chất quyền hạn trong tay họ cũng chẳng đủ lớn để có thể tự quyết định tất cả. Trong tình thế đó, ai dám đánh đổi sự nghiệp quan trường để chọn nghe theo các chuyên gia về phát triển rừng bền vững?

Cuối cùng, tất cả vẫn quay về với phát triển rừng sản xuất. Còn núi lở, đường sụt, cầu cống bị cuốn trôi… thôi quy hết cả vào thiệt hại do thiên tai, cho gọn.

Đấy là chuyện muôn thuở của hệ thống quản lý Nhà nước. Là cái đèn cù muôn thuở của dân miền núi.

Thế còn trở lại câu chuyện dân miền rừng dứt khoát phải sống nhờ rừng, rốt cuộc ra sao?

 Trong bài sau, xin được kể tiếp hầu quý vị.

_________

Tham khảo:

https://khuyennongnghean.com.vn/index.php/lam-nghiep/thanh-son-anh-son-hieu-qua-kinh-te-tu-trong-cay-keo-nguyen-lieu-1758.html

https://tuoitre.vn/rung-keo-lam-tang-nguy-co-sat-lo-20201108082556409.htm

https://baotainguyenmoitruong.vn/dieu-ky-dieu-o-lao-cai-nguoi-dan-lang-nu-nhanh-chong-co-noi-o-moi-380409.html#:~:text=Ph%C3%A1t%20bi%E1%BB%83u%20chia%20s%E1%BA%BB%20v%E1%BB%9Bi,s%E1%BB%A9c%20t%C3%A0n%20ph%C3%A1%20r%E1%BA%A5t%20l%E1%BB%9Bn%3B

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu  Tự  Do

* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.

Related posts