Qua cứu trợ bão Yagi: niềm tin, nên được đặt đúng chỗ?

Báo Nhân dân hôm 24/9/2024 có đăng bài viết của tác giả là Tiến sĩ- bác sĩ Võ Toàn Trung – một Việt Kiều tại Pháp với tiêu đề “Vững niềm tin vào Đảng Cộng sản cùng tương lai tươi đẹp của dân tộc Việt Nam”.

Không có cơ sở

Bài viết của Tiến sĩ – Bác sĩ Võ Toàn Trung bày tỏ rằng ‘tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi gian khó cũng như tầm nhìn, quyết sách của Đảng sẽ tạo bước đột phá để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững’.

Trả lời RFA từ Malaysia hôm 25/9, ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội nói ông không tin vào những nội dung trên:

“Việt kiều Pháp nói chuyện tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản là nói dối. Vì nếu tin vào đảng thì tại sao phải qua Pháp sống? Ông Tiến sĩ, bác sĩ này cũng không đại diện cho đa số kiều bào Việt Nam ở hải ngoại, vì đa số người Việt tha hương là bởi vì họ không thể học tập hay kiếm sống được ở Việt Nam. Chứ nếu việc làm, giáo dục, an sinh xã hội của Việt Nam mà tốt thì chẳng ai muốn xa quê cha đất tổ để tha hương cầu thực.”

Qua những dự án như Metro Cát Linh – Hà Đông đã cho thấy rằng nếu muốn chờ cái đường sắt bắc nam 350km/giờ đó thì chắc phải chờ thêm ba đến bốn thế hệ nữa. Dân Việt Nam chẳng có mấy người tin vào tính khả thi của đường sắt Bắc Nam này.
-Ông Trần Anh Quân

Tiến sĩ Trung, trong bài viết của mình ghi nhận, hoan nghênh những quyết sách quan trọng của lãnh đạo Việt Nam đã mang lại những tín hiệu tích cực cho triển vọng phát triển của đất nước. Trong đó ông có nhắc đến dự án đường sắt tốc độ 350km/giờ, mà theo ông đánh giá “tương đương với giao thông của Pháp”. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Quân, không thể đưa ra so sánh như vậy được, khi dự án trên vẫn còn trên giấy và vẫn đang được nghiên cứu:

“Tiến sĩ, bác sĩ Võ Toàn Trung lấy ví dụ về dự án xây dựng đường sắt tốc độ 350km/giờ để ca ngợi nhà nước cộng sản thì quá kệch cỡm. Chứng tỏ bác sĩ này chẳng hiểu gì về cộng sản. Qua những dự án như Metro Cát Linh – Hà Đông đã cho thấy rằng nếu muốn chờ cái đường sắt bắc nam 350km/giờ đó thì chắc phải chờ thêm ba đến bốn thế hệ nữa. Dân Việt Nam chẳng có mấy người tin vào tính khả thi của đường sắt Bắc Nam này.”

Niềm tin bị lung lay

Nội dung bài viết còn dẫn sự ca ngợi sức mạnh đồng lòng của cả dân tộc qua việc chống chọi và khắc phục hậu quả cơn bão Yagi vừa qua. Đặc biệt, với sự dốc sức của toàn bộ hệ thống chính trị, mọi người dân vùng bão, lũ đều được hỗ trợ, giúp đỡ.

Từ Paris, thủ đô nước Pháp, Giáo sư Phạm Minh Hoàng hôm 25/9 khi  nhận định với RFA cho rằng, Việt Kiều cho dù là những người qua đây lâu hay mới, thì ai cũng hướng về quê hương, đặc biệt trong lúc thiên tai bão lụt.

“Tôi nghe nói cũng có nhiều người giúp đỡ với tư cách cá nhân hoặc qua người thân của họ, chứ tôi chưa thấy một tổ chức nào quyên góp gởi về VN một cách quy mô. Tuy nhiên ông bác sĩ này muốn nói thì nói vậy thôi. Nhưng mà tôi đánh giá, đồng bào lũ lụt trong nước thì cơ quan đầu tiên phải giúp đỡ là nhà nước. Việt Nam có quỹ phòng chống thiên tai do người dân đóng góp, bây giờ lên tới hai tỷ đồng, nhưng cho đến hôm nay tôi không nghe nói quỹ đó sử dụng như thế nào?”

000_8ZB8AL.jpg
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.

Liên quan đến ý kiến ca ngợi sự lãnh đạo từ các cấp chính quyền của  Bác sĩ Việt kiều Võ Toàn Trung, trong đợt bão số ba vừa qua, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói tiếp:

“Bác sĩ này nói một cách võ đoán thôi, ông ta tự xưng hoặc nghĩ rằng ai cũng như ông ta… tôi nghĩ không có đâu… Người Việt Nam ở bên Pháp đặc biệt Paris là nơi tôi ở, thì có thể có những hội đoàn có hành động hảo tâm, nhưng trong quy mô tương đối nhỏ và chuyện đó không có nghĩa họ ủng hộ cho chính quyền, tôi nghĩ không bao giờ có chuyện đấy. Thí dụ ở bên Pháp có thiên tai, người ta đóng góp giúp đỡ thì đâu phải người ta ủng hộ ông Macron, người ta ủng hộ cho những nạn nhân bão lũ.”

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay, qua vụ tham nhũng nổi cộm nhất là đại án Việt Á – thì không còn ai có thể tin tưởng vào nhà nước được nữa:

“Thậm chí ông Nguyễn Xuân Phúc được 500 đại biểu tức 100 % tín nhiệm, nhưng sau đó cũng 500 đại biểu đó phế truất ông ta. Thì ai tín nhiệm ai? Ngay cả những người mà họ cho là đại diện cho dân đặt lòng tin vào ông ta, rồi sau đó vì một mệnh lệnh đã đưa ông ta xuống, thì tôi không hiểu cái chữ tín nhiệm ở đây như thế nào?”

Theo ý kiến của mình, Giáo sư Hoàng cho rằng, lòng từ tâm của người Việt từ Paris hay New York hay bất kỳ đâu… lúc nào cũng có, nhưng đừng lấy chuyện đó ra để nói rằng đó là ủng hộ cho nhà nước.

Thực tế đáng buồn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 9 năm 2024, Quỹ Phòng chống thiên tai của 63 tỉnh thành còn dư hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó Lào Cai là một trong những tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất vì bão Yagi, nhưng quỹ phòng chống thiên tai còn dư hơn 11 tỷ.

Trong gần 80 năm dưới sự cai trị của đảng và chế độ cộng sản Việt Nam, thì người dân Việt Nam đều rất là thuộc, người cộng sản nói thì hay, làm thì dở, nói một đằng làm một nẻo, nói nhưng không bao giờ làm…
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài

Điều đó được hiểu như thế nào? Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở nước Đức hôm 25/9 nói với RFA:

“Trong gần 80 năm dưới sự cai trị của đảng và chế độ cộng sản Việt Nam, thì người dân Việt Nam đều rất là thuộc, người cộng sản nói thì hay, làm thì dở, nói một đằng làm một nẻo, nói nhưng không bao giờ làm… Đây là những câu rất là chân lý khi mà những người cộng sản muốn tuyên truyền một cái gì đó. Thực tế chúng ta đã xem rất nhiều video clip về những nạn nhân của cơn bão số 3 vừa qua ở Việt Nam, hay còn gọi là bão Yagi, có những nơi người dân không được trợ cấp từ chính quyền, có người nhận được ba năm cái bánh mì…”

Ông Đài cho biết, nạn nhân bão ở Việt Nam đã trả lời trực tiếp trên mạng xã hội rằng chính quyền địa phương gần như chưa có bất kỳ động thái nào để giúp đỡ trực tiếp cho người dân, mặc dù Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã nhận trên hai ngàn tỷ đồng. Ông Đài nói tiếp:

“Trong khi tất cả người dân trong vùng bão lũ đều nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ những người đồng bào của mình, là những tổ chức cá nhân thiện nguyện. Chính quyền địa phương chỉ cử một số đơn vị quân đội đến để giải cứu người dân, chứ còn để mà nhận tiền trợ cấp từ người dân Việt Nam trong và ngoài nước góp qua chính quyền là chưa có. Chúng ta không nên tin vào những gì người cộng sản tuyên truyền.”

Ngay sau khi bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam, trên mạng xã hội Facebook vào các ngày 9 và 10/9 có nhiều dòng trạng thái kêu cứu của người dân từ các vùng ngập lụt ở Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên. Trong đó bao gồm những kêu gọi cứu trợ thuyền và áo phao, cùng lương thực và nước uống.

Anh T. (người giấu tên vì lý do an toàn) cho RFA biết hôm 16/9 rằng anh không thể ngờ rằng mọi sự chuẩn bị của mình đều không đủ vì mưa quá nhiều, lũ quá lớn đã ồ ạt đổ vào TP Thái Nguyên trong đêm ngày 9/9, cuốn trôi mọi thứ trên đường đi, và cuốn đi hai thành viên trong gia đình anh gồm một con nhỏ và người em vợ. Gia đình anh không nhận được sự trợ giúp kịp thời nào từ các cơ quan chức năng và các hội đoàn từ thiện.

Theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến sáng ngày 17/9 bão Yagi đã làm 291 người chết và 38 người mất tích. Có khoảng 20 tỉnh, thành ở phía Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão, trong đó có Thái Nguyên.

Ước tính thiệt hại về kinh tế do bão Yagi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là hơn hai tỷ USD (gần 50.000 tỷ đồng).

Related posts