Gần đây, Việt Nam có nhiều chuyển động quốc phòng và ngoại giao đáng chú ý dẫn đến những ý kiến về khả năng Việt Nam sẽ mua thêm vũ khí của Mỹ trong khi phải cân bằng giữa biện pháp ngoại giao mềm dẻo như mong muốn của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và tăng cường khả năng quốc phòng.
Cuối tháng Tám, trong khi ông Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Philippines và chuẩn bị thăm Hoa Kỳ, Trung Quốc chính thức công bố chuyển giao cảng nước sâu và hai tàu chiến hiện đại cho Campuchia. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đến Mỹ từ ngày 6 đến 11 tháng 9, 2024 được cho là để xúc tiến ngoại giao quốc phòng giữa hai nước. Trong bối cảnh chuyến làm việc tại Liên Hiệp quốc của ông Tô Lâm được tháp tùng bởi băm ủy viên bộ chính trị, trong đó có lãnh đạo quốc phòng, an ninh, Việt Nam và Hoa Kỳ được cho là đang xúc tiến một số thương vụ mua bán vũ khí, trong đó có máy bay vận tải C-130. Tháng trước, Hoa Kỳ cũng chuẩn bị bàn giao cho Việt Nam tàu Cảnh sát biển hiện đại đã loại biên.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Trần Bằng ở Đại học Paris II, Pháp, phân tích hai con đường mà Việt Nam đang theo đuổi cùng lúc là ngoại giao và tăng cường thực lực.
Theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, ông Tô Lâm mới lên vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Các bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng khi còn sống dường như vẫn đang còn phản ánh quan điểm chung của cả hệ thống chính trị. Ông Trần Bằng chỉ ra là nếu theo tư tưởng của ông Nguyễn Phú Trọng thì sử dụng sức mạnh mềm, cân bằng giữa các nước, tìm kiếm sự cam kết giữa các nước là giải pháp hiệu quả hơn là đầu tư cho năng lực quốc phòng thực sự. Ông nói:
“Ngay cả như ông Nguyễn Chí Vịnh viết trong quyển sách của ông Nguyễn Phú Trọng về quốc phòng an ninh thì cũng đặt câu hỏi là mua một lúc sáu tàu ngầm Kilo thì có cần thiết hay không. Và việc mua một loạt xe tăng T-90 có cần thiết hay không.
Có thể thấy tư tưởng dồn lực và tài chính cho vũ khí chưa chắc đã là một giải pháp hiệu quả, theo quan niệm của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây. Và đó có thể vẫn là tư tưởng chính của quân đội. Cá nhân tôi thì cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng nghiêng về giải pháp đối ngoại hơn là giải pháp đầu tư quân sự. Có vẻ đó là quan niệm của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây.”
Tháng 12 năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tầu ngầm Kilo của Nga với tổng trị giá 2 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam đã mua 64 xe tăng T-90S và T-90SK với tổng chi phí 250 triệu USD. Việt Nam đã đầu tư mua những vũ khí này trong nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng khi căng thẳng tranh chấp chủ quyền ở biển đông với Trung Quốc tăng cao.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra cũng chia sẻ cùng một góc nhìn với nhà nghiên cứu Trần Bằng. Hiện nay, có một số nguy cơ an ninh cho Việt Nam xuất hiện trong khu vực, như quân cảng Ream mà Trung Quốc đang hoàn thiện ở Campuchia, các căn cứ quân sự lớn của Trung Quốc trên Biển Đông. Để hóa giải trong ngắn hạn và trung hạn các nguy cơ đó, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương, Việt Nam sử dụng tổng hợp nhiều yếu tố như ngoại giao và chính trị nhiều hơn. Ông nói:
“Đối với Việt Nam thì các yếu tố quân sự chỉ là một trong những biện pháp để tăng cường phòng thủ ở một số khu vực nhất định. Tại vì tư duy quốc phòng của Việt Nam không chỉ nằm ở quân sự mà còn các những yêu tố như ngoại giao, chính trị và các yếu tố phi quân sự khác.
Quan hệ Việt Nam Campuchia có nhiều yếu tố để giúp cho Việt Nam giảm bớt tác động tiêu cực từ những phát triển mới trong ảnh hưởng của Trung Quốc ở Campuchia, đặc biệt là ở quân cảng Ream và sắp tới họ có thể xây dựng thêm đường băng ở đó.”
Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, các giải pháp ngoại giao, chính trị luôn phải đi song song với việc tăng cường thực lực. Bởi lẽ nếu không có thực lực thì các giải pháp ngoại giao cũng khó mà bền vững. Nhà nghiên cứu Trần Bằng phân tích:
“Do Việt Nam không nằm trong những khối có cam kết chặt chẽ như liên minh, và những nước như Campuchia và Trung Quốc không phải là liên minh và lại có những tranh chấp lãnh thổ, cho nên những cam kết với hai nước này không có tính bền vững cao. Ví dụ ngay trong thời cộng sản chủ nghĩa thì vẫn xảy ra vụ Trường Sa 1989 và biên giới 1979. Do đó, các cam kết chỉ có tính ngắn hạn hoặc cùng lắm là trung hạn. Do đó, Việt Nam vẫn cần có bổ sung về năng lực chiến đấu thực sự.”
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong vấn đề nâng cấp năng lực quốc phòng, cả ngoại giao vào thực lực đều quan trọng như nhau.
“Ngày xưa Hồ Chí Minh có nói một câu là thực lực là cái chiêng, còn ngoại giao là tiếng chiêng. Tức là thực lực mạnh thì gõ tiếng chiêng mới vang xa. Thực lực Việt Nam phải mạnh thì ngoại giao Việt Nam mới có sức mạnh được. Nếu thực lực không mạnh, ngoại giao có giỏi đến mấy cũng không bảo vệ được đất nước. Cho nên Việt Nam phải làm song song cả thực lực và ngoại giao.
Đương nhiên, để bảo vệ đất nước thì không thể chỉ tập trung vào sức mạnh quốc phòng. Mặt trận ngoại giao là mặt trận Việt Nam vẫn phải thúc đẩy. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thế giới có nhiều biến động. Việt Nam vẫn duy trì được mối quan hệ cân bằng giữa các quốc gia, kể cả với các đại cường quốc đối địch nhau. Đó là một thành công rất tốt.”
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhấn mạnh rằng về mặt quốc phòng, Việt Nam vẫn phải nâng cấp và tăng cường sức mạnh quân sự. Sức mạnh quốc phòng đóng vai trò răn đe, để kẻ thù xâm lược phải suy nghĩ kĩ về cái giá phải trả nếu họ muốn xâm lược Việt Nam. Ông Hoàng Việt chỉ ra điều quan trọng với Việt Nam là nước này cần được chuyển giao một số công nghệ mới, do đó Việt Nam cũng đã hợp tác với Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga để sản xuất vũ khí. Ông nói tiếp:
“Có lẽ Việt Nam cũng mong muốn hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực này. Có lẽ những thông tin hiện nay chưa công bố nên chúng ta chưa biết là ngoài việc mua vũ khí như máy bay vận tải C-130, có lẽ Việt Nam còn muốn tập trung vào một số loại khác như UAV (vũ khí không người lái), radar.”