Việt Nam gửi 15 yêu cầu dẫn độ cho các nước, chỉ thành công một trường hợp

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, liên quan đến kết quả hoạt động tương trợ tư pháp năm 2024 (từ 1/10/2023 – 30/9/2024).

Mạng báo Thanh niên dẫn thông tin trong báo cáo cho biết, có 6 yêu cầu dẫn độ được nước ngoài gửi cho Việt Nam, trong đó chỉ có một trường hợp đã chuyển tòa án giải quyết và 5 yêu cầu đang được xử lý.

Bên cạnh đó, Việt Nam gửi 15 yêu cầu dẫn độ cho nước ngoài, trong đó đã dẫn độ về nước 1 trường hợp, 2 yêu cầu bị từ chối, 1 người đầu thú và 11 yêu cầu đang được xem xét.

Thông tin cụ thể về các trường hợp này không được tiết lộ. Số lượng yêu cầu dẫn độ mà chính phủ gửi cho nước ngoài tăng hai yêu cầu so với năm 2023.

Báo cáo của chính phủ cho rằng, dù kết quả xử lý đã đạt được một số thành công nhất định, nhưng vẫn còn một số trường hợp phía nước ngoài từ chối dẫn độ do khác biệt giữa các hệ thống pháp luật và đối tượng xin tị nạn chính trị tại nước ngoài.

Bộ Công an cho hay đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu việc đề nghị nước ngoài tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng bị từ chối dẫn độ hoặc các biện pháp khác phù hợp.

Đối với các yêu cầu dẫn độ còn lại mà phía nước ngoài đang xem xét, Bộ Công an tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sớm giải quyết.

Bộ Công an Việt Nam từng bị cáo buộc bắt cóc ít nhất ba người từ nước ngoài về nước không thông qua các hoạt động tương trợ tư pháp như: bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh từ Berlin vào tháng 7/2017, bắt cóc ông Trương Duy Nhất – một blogger của Đài Á Châu Tự Do vào tháng 1/2019 sau khi nộp hồ sơ xin tị nạn tại Thái Lan, tương tự như trường hợp của blogger Thái Văn Đường vào tháng 4/2023.

Thẩm phán tòa án hình sự sơ thẩm ở Bangkok hôm 30/9 ra phán quyết, khẳng định yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc dẫn độ ông Y Quynh BDap là “có cơ sở” và Chính phủ Thái Lan có 90 ngày để dẫn độ nhà hoạt động người Thượng về nước.

Ông Y Quynh cùng gia đình đào thoát sang Bangkok từ năm 2008 nhưng lại bị cáo buộc tham gia chỉ đạo vụ tấn công vào trụ sở hai cơ quan công quyền ở tỉnh Đắk Lắk hồi tháng 6/2023.

Ông bị tuyên án 10 năm tù giam với cáo buộc “khủng bố” trong một phiên tòa vắng mặt.

Ông Y Quynh bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ hôm 11/6/2024 theo yêu cầu dẫn độ của Việt Nam, chỉ một ngày sau khi ông có cuộc phỏng vấn định cư với Đại sứ quán Canada ở Bangkok.

Nhà hoạt động vì quyền của người Thượng có 30 ngày để kháng cáo bản án của tòa án Thái Lan.  

Related posts