Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao mới đây đề xuất trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội rằng, nếu vật chứng hoặc tài sản bị thu giữ là tiền mà đã xác định được nguồn gốc, trách nhiệm bồi thường, thì số tiền đó sẽ trả cho bị hại ngay khi điều tra mà không bắt buộc chờ tòa tuyên án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết này vào ngày 14 tháng 10 tới. Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, và được thực hiện trong ba năm. Dự thảo đưa ra ba trường hợp liên quan đến việc trả lại tiền như sau:
Trường hợp thứ nhất, khi vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa tài khoản để bồi thường thiệt hại mà đã xác định được chủ sở hữu, bị hại, giá trị phải bồi thường, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trả lại ngay số tiền đó cho bị hại.
Trường hợp thứ hai, vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ nhưng không thuộc trường hợp thứ nhất, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định gửi tiền thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để bảo quản chờ xử lý.
Trường hợp thứ ba, tiền đã thu giữ, tạm giữ mà chưa xác định được chủ sở hữu hoặc chưa đủ cơ sở xác định là vật chứng và không nhằm mục đích thuộc hai trường hợp đã nêu, thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định gửi tiền đã thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng nêu quan điểm của ông với RFA về việc này:
“Nghị quyết này đặc biệt chỉ nhắc đến tiền nhằm mục đích xử lý tài sản là tiền trong các vụ đại án. Nghe đến tiền là biết ngay có vấn đề trong này. Nghĩa là để giữ được tài sản của mình thì buộc bị can, bị cáo phải làm thế nào “vận động” cho tài sản của mình trở thành trường hợp đầu tiên để được trả lại ngay. Mà để lấy ra được thì phải nói đây là một kẽ hở với mục đích tẩu tán tài sản. Cái gì cũng có hai mặt của nó.
Rõ ràng nghị quyết này ra rất cấp bách mà chỉ thí điểm trong ba năm để giải quyết hết những tồn đọng. Có nghĩa, hiện nay số tiền trong các vụ đại án đang nằm trên cơ quan điều tra rất nhiều, rất lớn. Cần phải đưa số tiền đó vào khai thác theo ba phương pháp mà nghị quyết nêu”.
————–
Vụ “Chuyến bay giải cứu”: kết thúc điều tra giai đoạn hai, đề nghị truy tố 17 người
Vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ – Các nạn nhân có thể bắt đầu đòi ‘bồi thường’!
Sơ thẩm vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Hàng trăm ngàn nạn nhân thực sự bị ‘bỏ qua’
————–
Cũng theo Luật sư Miếng, thông thường, tất cả những vụ án liên quan tiền bạc thì người chủ sở hữu hợp pháp luôn luôn mong ước lấy lại tiền ngay cho dù chỉ lấy lại được một nửa. Ông nói tiếp:
“Vì thế, thay vì có nguy cơ mất trắng, họ sẵn sàng làm mọi cách để lấy lại dù chỉ còn một nửa. Theo tôi biết, họ sẽ “thương lượng” với cơ quan điều tra để lấy lại, và thường cơ quan điều tra đặt vấn đề “chi phí” là 50%. Có trường hợp, họ yêu cầu mình tự mang tiền nhà ra ứng trước. Tức là mình đã bị cướp một lần, và có nguy cơ bị cướp thêm lần nữa. Họ đưa trường hợp thứ nhất ra tức là mở cửa cho người ta. Nói tóm lại, nghị quyết này chỉ nhắm tới tiền trong các vụ đại án”.
Một vài vụ đại án thời gian qua được dư luận nhắc đến số tiền của bị hại, như vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ đưa người Việt về nước giữa đại dịch COVID-19. Trong vụ án này, Cơ quan tố tụng cáo buộc hàng chục cựu quan chức nhận hối lộ hàng trăm lần với tổng số tiền 165 tỷ đồng. Trong phiên tòa diễn ra vào tháng 7 năm 2023, 54 bị cáo trong đại án đã trả lại số tiền được gọi là “khắc phục hậu quả” gần 130 tỷ đồng và 1,5 triệu USD. Số tiền này chưa được trả cho người bị hại là hơn 200.000 người. Theo cáo trạng, tính đến hết tháng 1 năm 2022, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân về nước.
Hay vụ án Tân Hoàng Minh. Tháng 3 năm 2024, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội tuyên án sơ thẩm. Chờ hết thời gian kháng cáo 15 ngày và kháng nghị 30 ngày, Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội mới bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đề nghị thi hành án. Với số lượng bị hại lên đến gần 6500 người, cơ quan này phải làm việc cả ngày lẫn đêm để tiếp nhận hồ sơ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp hôm 7 tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho hay, tính đến hiện nay, tổng số bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh đã được bồi thường là 6.630 bị hại, tổng số tiền đã chi trả cho các bị hại là 8.547 tỷ đồng.
Một luật sư ở Hà Nội yêu cầu ẩn danh nói với RFA về Nghị quyết ‘trả tiền cho bị hại’ ngay khi điều tra:
“Nếu xác định nguồn gốc rõ ràng và phía bị hại, bị can có thỏa thuận với nhau thì nên trả lại cho bị hại ngay. Nhiều vụ họ phong tỏa do tài sản lớn và họ cẩn trọng quá mức. Tôi thì không đánh giá được là phía sau có yếu tố gì không, chẳng hạn như giữ lâu thế thì lãi suất phát sinh đi đâu, vì không trả phần lãi cho bị hại sau đó. Với những vụ án lớn thì tiền lãi không ít đâu. Theo kinh nghiệm làm việc thì tôi thấy lâu nay họ cũng trả cho bị hại tại tòa, nhưng chỉ những vụ án nhỏ thôi.
Nghị quyết chỉ chú trọng vào tiền. Nếu được thông qua thì nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm sau nhưng chỉ thực hiện trong 3 năm. Theo tôi, do nhà nước giữ tiền của bị hại những vụ án lớn quá nhiều, bây giờ họ phải tìm cách giải quyết số tiền này. Giải quyết xong thì Nghị quyết này cũng xong nhiệm vụ”.
Theo truyền thông nhà nước, Nghị quyết này sẽ áp dụng trong quá trình giải quyết một số vụ việc, vụ án hình sự về tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc có yếu tố nước ngoài do cơ quan điều tra Bộ Công an, cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thụ lý, giải quyết.