Nguy cơ Việt Nam dẫn độ nhà hoạt động nhân quyền người Thượng Y Quynh Bdap về nước ngày càng lớn cho dù Thái Lan vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ tới (2025-2027).
Một số tổ chức nhân quyền tổ chức họp báo quốc tế kêu gọi cộng đồng thế giới gây sức ép buộc Chính phủ Hoàng gia Thái Lan cho phép Y Quynh được định cư ở một nước thứ ba thay vì bị trục xuất và đối diện với bản án tù 10 năm trong một phiên tòa không minh bạch.
Năm 2018, ông Y Quynh Bdap cùng gia đình tìm đến Thái Lan để xin tị nạn sau khi bị chính quyền Việt Nam đàn áp vì các hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, quyết định của tòa án Thái Lan hồi cuối tháng 9 đã mở ra một viễn cảnh đầy rủi ro cho ông.
Trong thời gian tạm trú ở gần thủ đô Bangkok, ông và một số người tị nạn lập ra tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ) chuyên theo dõi tình hình vi phạm nhân quyền ở Tây Nguyên và viết hàng trăm báo cáo gửi các tổ chức nhân quyền, bao gồm cả Cao uỷ Nhân quyền LHQ.
Ông bị Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bắt giữ ngày 11/6/2024 vì “cư trú quá hạn” theo yêu cầu dẫn độ của chính quyền độc đảng ở Việt Nam, một ngày sau khi có cuộc phỏng vấn về định cư với Đại Sứ quán Canada tại Bangkok.
Phía Việt Nam cáo buộc ông tham gia chỉ đạo vụ tấn công vào trụ sở công quyền của hai xã ở huyện Cư Kuin khiến 9 người chết và hai người bị thương.
Thành viên của HĐNQ phải bảo vệ nhân quyền
Ngày 09/10, một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã tổ chức cuộc họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Thái Lan (FCCT) để đề cập về phán quyết dẫn độ đối với ông Y Quynh của Toà án Hình sự Bangkok và các lo ngại về nhân quyền xung quanh.
Ông Phil Robertson, giám đốc của tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), khẳng định trong mọi trường hợp, Thái Lan không được cho phép Việt Nam dẫn độ ông Y Quynh BDap.
Phát biểu được ông Robertson đưa ra trước các phóng viên quốc tế chỉ vài giờ trước khi các nước bỏ phiếu quyết định Thái Lan có trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ tới hay không. Ông bày tỏ:
“Người ta kỳ vọng rằng các quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ phải bảo vệ các nguyên tắc nhân quyền chứ không phải vi phạm chúng và vì lý do này, Thái Lan phải là một phần của giải pháp chứ không phải là một phần của vấn đề.
Những gì xảy ra với Y Quynh Bdap sẽ là một cách rất quan trọng để cộng đồng quốc tế xác định Chính phủ mới ở Thái Lan sẽ đứng về phía nào trong lĩnh vực nhân quyền.”
Thiếu chứng cứ kết tội
Tại buổi họp báo ở FCCT hôm thứ Tư, bà Nadthasiri Bergman- luật sư của ông Y Quynh Bdap cho biết trong các phiên toà xét xử dẫn độ ông, phía Việt Nam chỉ cung cấp cho Toà Hình sự Bangkok lời khai của ba bị can trong quá trình điều tra vụ án bạo động ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023.
Trong các bản cung khai được thực hiện không có sự hiện diện của luật sư, họ cáo buộc rằng ông Y Quynh “tham gia chỉ đạo” từ xa cuộc khủng bố, điều mà ông luôn phủ nhận.
Luật sư người Thái cho hay, trong phiên tòa các luật sư đã lập luận rằng ông Y Quynh không thể bị dẫn độ vì ông là người tị nạn được công nhận và ông đang trong quá trình tái định cư.
Bà Bergman phát biểu chỉ vài giờ trước khi Thái Lan giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu giành một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ:
“Một ngày trước khi bị bắt, UNHCR đã yêu cầu ông đến và trả lời phỏng vấn (để xem) liệu ông có liên quan gì đến vụ việc ở Đắk Lắk hay không.
Họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ông có liên quan và tình trạng của ông chưa bao giờ bị thu hồi nên ông vẫn được xác nhận là người tị nạn.“
Bà Bergman cho biết hầu hết những người xin tị nạn không muốn sống ở Thái Lan mà đến đây vì cần thiết trong khi chờ tái định cư ở một quốc gia thứ ba.
Việc trục xuất Y Quynh Bdap vi phạm luật của chính Thái Lan
Hai tổ chức nhân quyền của Thái Lan là Quỹ Quyền Hoà bình (PRF) và Quỹ Giao thoa Văn hóa (CrCF) cũng cử đại diện tham gia cuộc họp báo ngày thứ Tư.
Bà Krittaporn Semsantad, giám đốc chương trình của PRF, cho rằng nguy cơ bị tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo đối với Y Quynh Bdap khi bị đưa về Việt Nam là hiện hữu. Do vậy, việc trục xuất Y Quynh Bdap sẽ vi phạm Điều 13 của Luật Phòng ngừa, chống tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan cũng như Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước Chống Tra tấn (CAT) mà Thái Lan là quốc gia thành viên.
Theo bà, cho dù Thái Lan chưa là thành viên của Công ước quốc tế về người tị nạn (1951) thì quốc gia này vẫn phải tuân thủ nguyên tắc “không đẩy trả” vì ông Y Quynh Bdap đã từng bị đàn áp trước khi chạy sang Thái Lan và sẽ phải đối mặt nếu bị dẫn độ về Việt Nam.
Các chuyên gia nhân quyền cho rằng việc cho phép dẫn độ Y Quynh Bdap là cách Thái Lan “cảm ơn” Việt Nam trong việc đối phó với giới bất đồng chính kiến. Bà Prakaidao Phruksakasemsuk, Phó giám đốc của CrCF nhắc lại việc ba người Thái bị cáo buộc phỉ báng Hoàng gia đã mất tích ở Việt Nam năm 2019.
Tuy nhiên, đại diện CrCF cho rằng sắp tới Thái Lan sẽ trình Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước chống tra tấn (CAT) và bà bày tỏ hy vọng việc này sẽ có tác động tích cực lên quyết định cuối cùng của Chính phủ Hoàng gia trong trường hợp Y Quynh Bdap.
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Thái Lan và Việt Nam với đề nghị bình luận về các phát biểu trên của các chuyên gia nhân quyền, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Đội ngũ bào chữa của Y Quynh Bdap vẫn đang chờ bản sao phán quyết cuối cùng của tòa án trước khi nộp đơn kháng cáo.
Nếu phán quyết dẫn độ vẫn giữ nguyên trong phiên tòa phúc thẩm, Chính phủ Thái Lan vẫn có quyền bác bỏ lệnh dẫn độ ông.
Các nhóm nhân quyền quan tâm đến vụ án của ông có kế hoạch gửi một lá thư tới chính phủ vào tuần tới để ủng hộ tuyên bố của Y Quynh rằng ông sẽ phải đối mặt với sự tra tấn hoặc thậm chí là tử hình nếu bị đưa đến Việt Nam.
Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 10/10, ông Phil Robertson – chuyên gia về nhân quyền Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động:
“Các nhà ngoại giao của các Đại sứ quán tại Bangkok cần gây sức ép mạnh mẽ với Chính phủ Thái Lan, cả công khai và riêng tư, để yêu cầu Y Quynh Bdap không bị trục xuất về Việt Nam trong bất kỳ trường hợp nào.
Là một thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Thái Lan phải duy trì nguyên tắc bảo vệ người tị nạn và công nhận rằng họ phải cho phép ông ta được bảo vệ bằng cách tái định cư ở một quốc gia thứ ba.”