Thực tế lương giáo viên có cao như lời ĐBQH?

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga, thuộc đoàn tỉnh Hải Dương hôm 10/10 khi trả lời báo chí nhà nước cho rằng lương giáo viên hiện nay rất cao so với viên chức ngành khác. Theo bà Nga, ngoài chuyện dạy thêm, chỉ tính riêng mức lương và phụ cấp thì mức thu nhập của giáo viên không hề thấp, thậm chí cao nhất trong thang bảng lương.

Thực tế lương giáo viên hiện nay ra sao? Trả lời RFA hôm 11/10/2024, thầy giáo Đỗ Việt Khoa – giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín – Hà Nội, cho biết về việc này:

“Từ trước đến nay, lương của ngành giáo dục so với mặt bằng chung của xã hội cũng không phải là thấp, nhưng không cao hơn đáng kể. Từ ngày 1/7/2024 cả nước có cải cách tiền lương và tăng mức lương cơ bản cho tất cả công chức, viên chức, chứ không tính riêng với giáo viên. Tuy nhiên, vừa bắt đầu tăng lương thì giá cả hàng hóa trên thị trường cũng bắt đầu tăng theo, khiến cho giá trị thật của việc tăng lương cứ mất dần đi. Cho nên hôm nay có thể nói là không ăn thua. Nếu nói giáo viên lương thấp thì cũng vẫn đúng, như thầy cô mới bắt đầu bước vào nghề đi dạy học ở các cấp lương chỉ dao động từ 3 đến 4 triệu đồng. Trung học phổ thông lương khởi điểm cũng chỉ được khoảng 4,9 triệu trong ba năm đầu tiên.”

Theo thầy Khoa, có rất nhiều trường hợp lao động tự do ở ngoài có hệ số lương rất khá, ví dụ như ngành công nghệ thông tin, ra trường trung bình phải hơn 10 triệu tháng. Thầy Khoa nói tiếp:

“Lương giáo viên nếu so với lương công nhân có khi còn ít hơn, giáo viên chỉ hơn công nhân là không phải làm việc liên tục 8 tiếng một ngày như công nhân. Tóm lại lương giáo viên như thế là bình thường, có người bảo hơi cao một tí cũng được, nhưng tôi chắc rằng chỉ một hai năm nữa, hệ số lượng này của ngành giáo dục lại được coi là ngành nghèo khó, lương rất thấp…”

Tuy nhiên theo Thầy Khoa, cán bộ quản lý giáo dục lại có thu nhập cực kỳ cao:

“Ngoài hệ số lương cao vút, lãnh đạo còn tự xét cho mình vượt hệ số ở việc thăng hạn, họ ưu tiên thăng hạn cho nhau sớm, cộng với phụ cấp chức vụ… cho nên hầu hết hiệu trưởng các trường mức lương đều hơn 20 triệu mỗi tháng. Trong khi cá nhân giáo viên thường lương rất ít, người ta nói ngành giáo dục lương cao, chứ thực tế không phải là cao.”

Tóm lại lương giáo viên như thế là bình thường, có người bảo hơi cao một tí cũng được, nhưng tôi chắc rằng chỉ một hai năm nữa, hệ số lượng này của ngành giáo dục lại được coi là ngành nghèo khó, lương rất thấp…
-Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Theo Bảng lương mới từ ngày 01/7/2024, giáo viên được hưởng mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng. Theo đó, lương của giáo viên được tính theo công thức: Tiền lương = Hệ số lương x Lương cơ sở. Với cách tính này, giáo viên mới ra trường với bậc 1, trong ba năm đầu sẽ có mức lương tương đương 4,9 triệu đồng mỗi tháng.

Một giáo viên ở vùng ĐBSCL không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này cho biết:

“Lương thì không đóng thuế nhưng mà trừ nhiều lắm. Ví dụ như một tháng lương đúng ra là lãnh được 4,2 triệu, nhưng thường chỉ lãnh khoảng 3,9 triệu. Người ta muốn trừ cái gì người ta trừ, ví dụ như trừ “nhà tình thương”, trừ “bà mẹ Việt Nam anh hùng”… người ta trừ từ trên xuống, mình không biết bất cứ cái gì hết trơn.”

Giáo viên trong biên chế lương đã thấp, còn giáo viên theo hợp đồng thì còn khó khăn hơn nhiều. Một giáo viên hợp đồng ở Hà Nội, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho Đài Á Châu Tự Do biết:

“Giáo viên biên chế thì có tăng, còn giáo viên hợp đồng như tôi thì hầu như không tăng, đợi đến khi nào có biên chế thì mới được tăng. Mà biên chế thì tùy theo thành phố, khi nào có chỉ tiêu thì mới có, còn như tôi là hợp đồng nhiều năm rồi vẫn chưa có, tức là lương gần như bậc 1.”

—————

Giáo dục thay đổi, lương giáo viên vẫn thấp
Giáo viên lo ngại về mức lương theo quy định mới của Bộ Giáo dục
Lương giáo viên vẫn quá thấp với thiên chức “trồng người”

—————

nguyen-thi-viet-nga.jpeg
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga, thuộc đoàn tỉnh Hải Dương. Courtesy haiduong.gov.vn

Nghị Quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam xác định lương giáo viên ‘được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng miền’. Sau hơn 10 năm, lương giáo viên vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 11/10, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, từng giảng dạy nhiều năm tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, đưa ra nhận định:

“Ở Việt Nam người ta sống bấp bênh, đồng lương nhìn chung là không đủ để sống mà không phải lo lắng. Thế nhưng nhìn vào đồng lương Việt Nam phải nhìn với cách nhìn khác, chẳng hạn ở nước ngoài người có lương như thế thì mình biết ngay họ sống như thế nào, tiêu ra sao? Ở Việt Nam thì đấy chỉ là một phần, có người lương rất thấp nhưng giàu có vì có sự phân biệt giữa lương và thu nhập. Một số cơ quan lương không phải là cao hơn giáo viên, thậm chí thấp hơn giáo viên, nhưng thu nhập cao hơn hẳn. Tôi đang nói thu nhập chính đáng, ví dụ như cơ quan đó có thu nhập rồi chia lại tiền cho nhân viên, thì tất cả những cái đó làm cho mọi chuyện lương tiền không thay đổi được ngày một ngày hai.”

Ở Việt Nam thì đấy chỉ là một phần, có người lương rất thấp nhưng giàu có vì có sự phân biệt giữa lương và thu nhập.
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng

Tóm lại theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, giữa lương và thu nhập thì phải nói rằng giáo viên nếu trong cậy vào lương thì đa số họ phải làm cách khác, làm gì đó thêm hoặc là đi dạy thêm, dạy thêm có khi chính đáng, có khi không chính đáng và đã để lại nhiều hệ quả. Ông Dũng nói tiếp:

“Cho nên người nào nhìn vào lương giáo viên để mà nói lương cao, thì những người đó hầu như không biết thực tiễn việc này ở Việt Nam, mặc dù họ sống ở Việt Nam. Ví dụ một ông cảnh sát giao thông lương chắc chắn không hơn người khác, nhưng sống phè phỡn.”

Bộ Giáo dục và Đào tạo khi trình dự án Luật Nhà giáo đã đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Theo tính toán của Bộ này, mức chi dự kiến cho chính sách này khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm. Với đề xuất này ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng lương giáo viên hiện nay rất cao, nên cần cân nhắc kỹ.

Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định thêm:

“Lương giáo viên thì có khá hơn so với một số ngành, nhưng ngay cả những anh lương thấp hơn thì thu nhập của họ nhìn chung vẫn cao hơn. Giải quyết cách gì không biết, nhưng giải quyết theo kiểu ‘thợ mày ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ’… con em ngành giáo dục thì được miễn học phí… thì cái đó theo tôi không ổn lắm đâu. Bởi vì nếu theo cái logic đó, sẽ dẫn đến chuyện ai cũng đòi theo kiểu đó là thua, không giải quyết được nhiều… Ví dụ như nhân viên Vietnam Airlines, là hãng hàng không quốc gia, sẽ miễn vé cho con em họ; hay nhân viên bưu điện được miễn phí điện thoại… như vậy là không ổn. Cho nên tôi muốn nói lại, Bộ Giáo dục xót với thu nhập của giáo viên, thì họ đưa ra đề xuất như vậy, nhưng đó là cách giải quyết không mấy sáng sủa lắm.”

Với mức lương thấp so với mặt bằng của đời sống kinh tế, có thể dẫn đến chuyện kiếm thêm thu nhập, dạy ngoài giờ, ép học sinh học thêm, hay buôn bán nhỏ lẻ… Đó là những tiêu cực khó tránh trong hàng ngũ giáo viên Việt Nam, việc này gây lo ngại có thể dẫn tới niềm tin và sự tôn kính của nghề giáo bị giảm sút.

Related posts