Tăng giá điện có ảnh hưởng đời sống người dân?

Bộ Công Thương vào ngày 11/10/2024 ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT về việc tăng giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khi trả lời báo nhà nước trong cùng ngày cho rằng, việc tăng giá điện lên 2.103,11 đồng/kWh, tương ứng 4,8% không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.(?!)

Ông T., một dân người sống ở Sài Gòn không muốn nêu tên đầy đủ vì lý do an toàn, hôm 15/10 cho RFA biết thực tế:

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, nói chung giá điện không ảnh hưởng nhiều đến những người giàu, tiền của thừa mứa, chuyện tăng tiền điện một tháng vài trăm ngàn chỉ là tiền lẻ… Nhưng ở xã hội Việt Nam hiện nay, người nghèo nhiều gấp bội người giàu, cho nên ảnh hưởng nhiều lắm. Ví dụ như một cặp vợ chồng công nhân ăn uống chi tiêu… bây giờ giá điện lên bắt buộc người ta phải dè sẻn một khoản nào đó để bù vào tiền điện.”

Nhưng ở xã hội Việt Nam hiện nay, người nghèo nhiều gấp bội người giàu, cho nên ảnh hưởng nhiều lắm.
-Ông T.

Cho nên theo ông T., tăng giá điện ảnh hưởng nhiều đến đời sống của nhiều người, nhất là những người lao động nghèo, thu nhập thấp. Còn chuyện EVN tuyên truyền như vậy theo ông T. là như kiểu con nít nói.

Một người dân khác ở Đà Nẵng, không muốn nêu tên ví lý do an toàn, hôm 15/10 nói với RFA:

“Tất cả đều tăng theo giá điện, vì không có ngành nào không dính đến nó. Điện tăng kéo theo nhiều hệ lụy, cuộc sống người dân càng thêm khốn đốn, tất cả đều phải áp thêm giá từ sản phẩm của mình, khổ nhất vẫn là người lao động nghèo.”

Theo bà này, giá điện thì tăng liên tục, chưa hề có dấu hiệu giảm, mà EVN vẫn than lỗ triền miên, vấn đề cần quan tâm nhất là tại sao lại như vậy? Bà nói thêm:

“Điện tăng cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không chọn điểm đến là Việt Nam, và sẽ dời nhà máy cũ đi, dẫn đến khủng hoảng lao động thừa, EVN quá chủ quan khi cho rằng giá điện tăng sẽ không ảnh hưởng đến ai.”

Theo báo nhà nước, ngay khi EVN thông báo về việc tăng giá điện 4,8%, nhiều chủ phòng trọ đã tận dụng cơ hội này để tăng giá điện 20-30%, gây áp lực lên sinh viên và người lao động thu nhập thấp…

Ông T. sống ở Sài Gòn cho biết thêm:

“Những người đến thành phố ở trọ đa số là công nhân tại các tỉnh, bây giờ giá điện tăng lên đời sống của họ sẽ khó khăn hơn, tiền phòng trọ thì chủ nhà trọ cũng buộc phải tăng. Khó khăn nhiều chứ, chỉ cần tăng một tháng vài trăm ngàn đã khó khăn cho người lao động, vì người ở trọ có mức thu nhập thấp nên ảnh hưởng đời sống người ta rất nhiều. Họ cứ tuyên truyền theo các luận điệu của tuyên giáo thì mình chịu thôi, đọc cho biết chứ tất nhiên ai cũng hiểu.”

—————

Tăng giá điện: có đáng để đánh đổi tác động tiêu cực?

EVN tiếp tục tăng giá điện lần ba gần 5% từ 11/10 để bù lỗ?

EVN có nên được quyền quyết định giá điện tăng dưới 5%?

—————

782ee884-2c71-4f10-8578-b5b9f64174b2.jpeg
Thợ điện đang lắp đồng hồ đo điện ở Hà Nội (minh hoạ). AFP.

Trước đó vào ngày 9/11/2023, EVN đã tăng giá bán lẻ điện chính thức lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Vào ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân cũng đã được điều chỉnh tăng lên 1.920,37 đồng/kWh, tương đương tăng 3%.

Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, nhận định với RFA hôm 15/10/2024 về việc tăng giá điện năm 2024:

“Điện là một lĩnh vực độc quyền, mà đã độc quyền thì nhà nước phải định giá. Chúng ta thấy thời gian vừa qua ngành điện lỗ rất nhiều do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Những nguồn điện có lợi thế như thủy điện và một số điện khác cũng tới hạn, không khai thác được nhiều. Cho nên ngành điện bị lỗ rất lớn, phải tính toán làm sao cho đủ chi phí đầu vào.  EVN trong năm 2023 lỗ trên 33 ngàn tỷ, nên việc tăng giá điện là tất yếu.”

Theo Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, giá điện của Việt Nam trong nước so với thế giới cũng chưa cao bằng. Ông nói tiếp:

“Do đó, việc điều chỉnh biên độ tăng giá điện như vậy theo tôi là hợp lý. Những ngành độc quyền mà nhà nước quy định giá, nếu lỗ quá lớn mà cứu để dồn nén quá mức, lúc đó biên độ tăng lớn, sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ. Còn tất nhiên đối với người dân, người tiêu dùng, điện là một sản phẩm đầu vào cực kỳ quan trọng, tác động đến tất cả các mặt của nền kinh tế quốc dân và đặc biệt đối với người tiêu dùng. Nhưng tăng giá điện như vừa rồi theo tôi không ảnh hưởng nhiều.”

Việc tăng giá điện thì đương nhiên sẽ tác động đến sản xuất và đời sống của người dân.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Còn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, khi nhận định với RFA hôm 15/10/2024 cũng đồng ý giá điện tăng do giá đầu vào tăng, nhưng ông Doanh cho rằng sẽ tác động đến đời sống người dân:

“Việc EVN tăng giá điện theo tôi là điều bất khả kháng, bởi vì giá các đầu vào của EVN như giá dầu, giá than tăng. Còn việc tăng giá điện thì đương nhiên sẽ tác động đến sản xuất và đời sống của người dân. Nó sẽ làm cho chi phí các mặt hàng đều tăng lên và người dân sẽ phải tìm cách tiết kiệm, sản xuất cũng phải tìm cách tiết kiệm để ra sản phẩm không tăng giá lên quá cao.”

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc tăng giá điện nhiều hay ít tùy thuộc vào từng hộ kinh doanh. Ông Doanh giải thích thêm:

“Nếu hộ gia đình sử dụng điện tiết kiệm thì tác động ít. Nhưng nếu hộ gia đình sử dụng nhiều, nhất là các nhà hàng, quán bar thì chi phí chắc chắn sẽ tăng lên và nó sẽ góp phần làm mặt bằng giá cả cũng sẽ tăng lên. Còn trong sản xuất, chắc chắn các nhà sản xuất sẽ tìm mọi cách để tiết kiệm, để hạn chế và giảm bớt tác động của việc tăng giá điện.”

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 1/9/2023 về việc Bộ Công Thương đồng ý đề xuất tăng giá điện ‘cõng’ các khoản lỗ của EVN, cho rằng:

“Cái lỗi của thượng tầng, tức là lỗi của người định hướng, là định hướng sai, nhưng nhân dân phải chịu. Nhân dân phải chịu đựng cái không đáng phải chịu đựng, thì cái đó không hợp lý.”

Related posts