Tân CTN Lương Cường và chuyến công du đầu tiên không như ý

Chỉ chưa đầy một tháng sau khi nhận chức Chủ tịch nước, ông Lương Cường đã đại diện Việt Nam thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách nguyên thủ quốc gia.

Nếu ‘vạn sự khởi đầu nan’ thì chuyến đi mở màn nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông Lương Cường không thể gian nan hơn, khi một trong những cận vệ của ông bị bắt với cáo buộc lạm dụng tình dục.

Sự kiện này tuy không được truyền thông trong nước đề cập, rất có thể do sự kiểm duyệt của Ban Tuyên giáo, nhưng đã được lan truyền như cháy rừng trên mạng xã hội.

Câu hỏi được dư luận xã hội đặt ra là, liệu uy tín của tân Chủ tịch nước đã bị ảnh hưởng ra sao, và nó tác động thế nào đến sự nghiệp chính trị của ông Lương Cường, nhất là khi Đại hội XIV của Đảng đang đến gần?

Cựu trung tá Vũ Minh Trí, người từng công tác tại Tổng cục 2, cơ quan tình báo của Bộ Quốc Phòng, nhận định với RFA rằng sự vụ lần này “tuyệt đối không ảnh hưởng gì” tới ông Lương Cường.

Đơn giản vì bản thân ông Lương Cường cũng không quyết định được thành phần được cử đi trong đoàn tùy tùng của ông ta, mà phải thông qua các cơ quan tham mưu. Nó có tính chất cơ cấu.

Bản thân người cao nhất, trong trường hợp này là ông Lương Cường, cũng không phải là người ra quyết định thành phần cận vệ. Ví dụ người bảo vệ là công an thì người này sẽ do Bộ Công an quyết định, không phải ông Cường quyết định”. Ông Trí giải thích.

Cũng theo ông Trí, những chuyện như thế không có gì lạ ở Việt Nam, từ cán bộ, quân dân, chính đảng cho đến văn nghệ sĩ, thậm chí cả trí thức đều mắc phải những lỗi như vậy nhưng xử lý không đến nơi đến chốn nên khi ra nước ngoài thì “chứng nào tật nấy”. Chỉ khác là pháp luật nước người ta nghiêm minh nên sự việc bị phanh phui.

Bản thân người cao nhất, trong trường hợp này là ông Lương Cường, cũng không phải là người ra quyết định thành phần cận vệ. Ví dụ người bảo vệ là công an thì người này sẽ do Bộ Công an quyết định, không phải ông Cường quyết định. – Vũ Minh Trí

Chuyện lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài bị tai tiếng cũng không phải là ít.

Không giống như ở những nước dân chủ, lãnh đạo ở Việt Nam không cần quá quan tâm đến hình ảnh do không phải đối diện với bầu cử phổ thông, do vậy những tai tiếng dạng này hiếm khi ảnh hưởng tiêu cực tới vị trí của chính trị gia cao cấp.

Điển hình nhất là vụ bê bối ăn bò dát vàng của ông Tô Lâm, thời còn làm Bộ Trưởng Bộ Công an.

Hôm 10 tháng 11 năm 2021, một video clip khoảng 40 giây được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội cho thấy “Thánh rắc muối” Salt Bae tự tay  mớm miếng bò dát vàng tận miệng Bộ trưởng công an Tô Lâm tại một nhà hàng sang trọng ở thủ đô London, nước Anh.

Được biết giá tiền mỗi phần ăn như vậy lên đến 45 triệu, bằng hơn hai phần ba thu nhập bình quân cả năm của một người lao động ở Việt Nam trong năm 2021. .

Sự kiện này đã tạo cơn địa chấn trên mạng xã hội tiếng Việt, và nó diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đang ở cao trào.

Một tháng sau đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra bài phát biểu về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó ông trích câu nói “Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”. Không rõ có sự liên hệ trực tiếp nào giữa câu nói trên với sự việc của ông Tô Lâm hay không.

000_36M86V2.jpg
Chủ tịch Việt Nam Lương Cường tại Chile hôm 11/11/2024. AFP

Nhưng điều đáng nói ở đây là dù dính phải bê bối bom tấn kể trên, điều nếu xảy ra với bất cứ chính trị gia ở các nước dân chủ nào, đều sẽ dẫn đến thân bại danh liệt, nhưng ông Tô Lâm không những không hề hấn gì, mà sự nghiệp của vị tướng công an này đã lên như diều gặp gió, thậm chí thay thế ông Nguyễn Phú Trọng để trở thành người đứng đầu đảng cầm quyền.

Tuy vậy, bối cảnh chính trị ở Việt Nam nay đã khác. Đảng Cộng sản đang trong giai đoạn nước rút, nhằm sắp xếp nhân sự cấp cao trước khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 diễn ra vào đầu năm 2026.

Ông Lương Cường giờ đây là một thành viên trong tứ trụ, và về lý thuyết, có khả năng thách thức ông Tô Lâm cho ngôi vị Tổng bí thư, dù cả hai sẽ quá tuổi khi đại hội diễn ra.

Một trong những tiêu chuẩn chọn chủ tịch nước được Bộ Chính trị đưa ra, là ứng cử viên cho chức vụ phải là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.

—————

Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường vướng bê bối: Bộ Công an yêu cầu FB chặn hiển thị tin ở Việt Nam

Cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt ở Chile vì cáo buộc “xâm hại tình dục”

Bộ trưởng Ngoại giao Chile: Vụ cận vệ của Chủ tịch nước Việt Nam không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước

————–

Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn cho rằng, chuyện lãnh đạo Việt Nam gây tiếng xấu trong các chuyến công du nước ngoài không phải là hiếm nhưng chẳng có ông, bà nào bị lung lay chức vụ cả.

“Theo tôi thì cá nhân ông Lương Cường không bị ảnh hưởng gì cả, nhưng ngành ngoại giao Việt Nam, chính phủ Việt Nam và Nhà nước Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Dù uy tín của ông Cường với người dân có bị ảnh hưởng thì cũng chẳng tác động gì tới ông này. Bao nhiêu quan chức mất chức vì chính họ triệt hạ nhau chứ dân chẳng có tác động gì đâu”, ông Toàn nhận định.

Ở chiều ngược lại, Luật sư Đặng Đình Mạnh – một nhà quan sát và bình luận tình tình chính trị trong nước – cho rằng, “số phận chính trị của ông Lương Cường hết sức mong manh.

Vị luật sư dày dạn kinh nghiệm trong các vụ án chính trị ở Việt Nam cho rằng, trong khoảng một đến hai năm trở lại đây, các vụ thanh trừng cấp cao đã diễn ra liên tục, điều đó đã lấy đi yếu tố bất ngờ trong dân chúng mỗi khi nghe tin quan chức cấp cao rớt đài.  

Nếu nghe về sự hạ bệ ông Lương Cường ra khỏi chức vụ Chủ tịch nước trong tương lai gần, thì công chúng cũng không còn mấy ngạc nhiên nữa.Luật sư Mạnh nói thêm.

Cũng vì làn sóng đấu đá nội bộ trong thời gian qua, luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng giờ đây người dân đã hình thành suy nghĩ, cho rằng mọi sự vụ tiêu cực xảy ra với lãnh đạo cấp cao đều là sản phẩm của sự đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng, và sự việc của ông Lương Cường không nằm ngoài xu hướng đó.

Công chúng đã công khai cho rằng “sự cố” quấy rối tình dục trong chuyến công du của ông Lương Cường đã có thể là kết quả của việc thanh trừng nhau trong giới lãnh đạo cao cấp, nhất là ông ấy không thuộc phe nhóm công an đang đắc thắng trên võ đài quyền lực”.

Cũng theo LS. Mạnh, tuy ông Lương Cường không phải là thủ phạm trong vụ bê bối tình dục, thế nhưng, từ nay cho đến hết sự nghiệp chính trị của ông ấy, câu chuyện đáng xấu hổ tại Chile sẽ còn gắn chặt mãi với danh tính ông tân Chủ Tịch nước, một chức vụ bị xem là có “huông” “lành ít, dữ nhiều” từ đời Chủ Tịch nước Trần Đại Quang.

Related posts