5 máy bay huấn luyện của Mỹ cung cấp cho Việt Nam về đến Tân Sơn Nhất

5 máy bay huấn luyện phi công được Mỹ đóng mới hoàn toàn đã về đến Việt Nam, được cho sẽ góp phần vào quá trình hiện đại hóa chương trình đào tạo phi công cho không quân nước này trong bối cảnh 1 máy bay huấn luyện do Nga sản xuất gặp trục trặc kỹ thuật và rơi ở tỉnh Bình Định.

Hôm 18/11, một kênh Youtube chuyên theo dõi máy bay cất và hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất đăng tải video cho thấy, 5 chiếc máy bay cánh quạt mang số hiệu: N2786B, N2789B, N2811B, N2770B, N2850B đã lần lượt đáp ở phi trường Tân Sơn Nhất, TPHCM vào trưa cùng ngày.

Các máy bay này sơn màu xanh dương, hai ghế ngồi và đều có phù hiệu Không quân nhân dân Việt Nam trên thân và cánh máy bay, mang các số hiệu lần lượt là 601, 602, 603, 604 và 605.

Những hình ảnh đăng tải trong một nhóm kín của Facebook của những người chuyên chia sẻ các hình ảnh về hàng không Việt Nam cho thấy, 5 chiếc máy bay tung cánh trên bầu trời Việt Nam dường như thuộc dòng T-6C Texan II.

Đây là máy bay huấn luyện cơ bản một động cơ, hai chỗ ngồi được thiết kế để huấn luyện các học viên phi công quân sự do hãng Textron Aviation có trụ sở tại tiểu bang Kansas chế tạo.

Dữ liệu từ các trang chuyên theo dõi lịch trình di chuyển của các chuyến bay như flightradar24.com cho thấy, 5 chiếc máy bay này cất cánh từ phi trường quốc tế Don Mueang, Thái Lan vào sáng 18/11 và mất hai giờ bay để đến thành phố phía Nam Việt Nam.

Hồi tháng 12/2022, chuẩn tướng không quân Mỹ Sarah Russ trong khi tham dự hội chợ vũ khí của Việt Nam tại Hà Nội tiết lộ, Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam 12 chiếc máy bay huấn luyện T-6 hoàn toàn mới trong giai đoạn 2024 – 2027.

Kế hoạch là sẽ chuyển giao ba chiếc đầu tiên trong quý đầu năm 2024, hai hoặc ba chiếc nữa sẽ được giao vào cuối năm đó. Số còn lại sẽ được giao vào năm 2027.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do hôm 19/11 đã gửi email cho Đại sứ Quán Mỹ tại Hà Nội và Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị xác nhận thông tin về việc chuyển giao 5 máy bay huấn luyện nêu trên nhưng chưa lập tức nhận được câu trả lời.

Hồi tháng 8 năm nay, báo Bình Thuận cho biết Trung đoàn 920 thuộc Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng – Phòng không -Không quân đã chuyển quân từ sân bay Cam Ranh đến tiếp quản và đóng quân ở sân bay Phan Thiết.

Lãnh đạo Trung đoàn 920 được dẫn lời cho biết đơn vị này đang chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng tiếp nhận, khai thác và đưa vào huấn luyện đào tạo học viên trên loại máy bay mới (máy bay T-6C của Mỹ).

Trong một bài viết của Tạp chí Quốc phòng Úc (ADM) hồi tháng 10/2024 dẫn lời Tiến sĩ Stephen Burgess, giáo sư nghiên cứu an ninh quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hàng không Hoa Kỳ cho rằng nhu cầu về một máy bay huấn luyện hiện đại của Không quân Nhân dân Việt Nam là rất lớn. Ông nói:

“Các phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam thường xuyên bay qua đảo Phú Lâm (Woody Island) do Trung Quốc kiểm soát ở Hoàng Sa (nhưng theo đường thẳng) và không thể bay trong thời tiết khắc nghiệt hoặc vào ban đêm.

Những vấn đề này chứng minh những hạn chế của không quân trên Biển Đông và nhu cầu về T-6 và đào tạo phi công chuyên sâu”.

Related posts