Vì thiếu tính “toàn diện” như cách đặt vấn đề Đổi mới 40 năm trước nên cuộc cải cách lần này khó tránh khỏi vấn đề về tính bền vững khi cải cách thể chế “từ bên trên” còn thiếu cơ sở lý luận dẫn dắt để thuyết phục hệ thống và giành sự ủng hộ của người dân. Ngoài ra, bối cảnh quốc tế và khu vực đang thay đổi nhanh và phức tạp cho việc vận dụng tư tưởng “thực dụng” trong cải cách lần này. Trong phần này một đề xuất được tập trung nhấn mạnh rằng cải cách “từ bên trên” phải hướng đến một chương trình nghị sự xây dựng thể chế bao trùm.
Ông Tổng bí thư Tô Lâm đề xuất “kỷ nguyên mới”, trong đó tập trung vào cải cách thể chế ở Việt Nam đúng vào dịp giải Nobel kinh tế năm 2024 được trao cho ba giáo sư: Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson về những đóng góp của họ cho khoa học xã hội. Họ thực sự là các nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trên thế giới, trong đó Acemoglu và Robinson có lẽ được biết đến nhiều nhất qua cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại* (được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam năm 2016), nó đã tóm tắt hiệu quả phần lớn những gì họ giành được giải thưởng. Hơn thế, các lý thuyết, nghiên cứu và khuyến nghị của ba nhà khoa học này đã tác động đến chính sách ở một số nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trên thế giới và đã được sử dụng để đảm bảo rằng các quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới vẫn được duy trì. Ba nhà khoa học này nhấn mạnh vai trò của các thể chế, thể chế bao trùm (inclusive) đối nghịch với khai thác (extractive), để phát triển quốc gia. Và, bài học quan trọng cần được rút ra cho Việt Nam để cải cách thể chế, “từ bên trên”, là xây dựng thể chế bao trùm.
Ngoài các yếu tố phát triển “truyền thống” như tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý hay quy mô dân số, thể chế bao trùm mới là yếu tố phân biệt các quốc gia giàu với các quốc gia nghèo, trong đó nhấn mạnh sự ổn định và độ tin cậy của các thể chế. Ở cấp độ cơ bản nhất, nền kinh tế chỉ là một hệ thống phân bổ nguồn lực hiệu quả giữa những người tham gia và cách tốt nhất để đảm bảo rằng những người tham gia cảm thấy có động lực tạo ra giá trị là họ được khen thưởng một cách đáng tin cậy cho những nỗ lực của mình. Nếu một nền kinh tế có đầy đủ các tổ chức được quản lý tốt, trung thực và hiệu quả, thì người dân, các nhà đầu tư tiềm năng, doanh nghiệp và chính phủ có thể làm việc để tạo ra giá trị, tự tin rằng khoản đầu tư của họ dưới bất kỳ hình thức nào sẽ không bị lấy mất. Từ góc độ chính sách công, đó là các trụ cột chủ yếu: quản trị quốc gia, thị trường và dân chủ, chúng được ví như những mảnh ghép “quản trị quốc gia”, “thị trường” và “dân chủ” trong trong trò chơi ghép hình “thể chế bao trùm” mà cải cách “từ bên trên” để Việt Nam hướng tới “kỷ nguyên mới.”
Tổng bí thư Tô Lâm đã khởi xướng “kỷ nguyên mới” cho giai đoạn cầm quyền của mình nhưng vẫn còn “rất mới”: mới đối với mọi người mặc dù bộ máy tuyên truyền đã nỗ lực; mới đối với hệ thống chính trị mặc dù Tổng bí thư đã yêu cầu các quan chức, công chức trong các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Uỷ ban mặt trận tổ quốc…; Và, mới với cả giới tinh hoa khi các hội thảo dưới các hình thức vẫn liên tục được tổ chức. Mới đây, ngày 15/11/2024, một sự kiện có liên quan được chú ý tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.[1] Trong đó, đề dẫn hội thảo nhấn mạnh “vấn đề Kỷ nguyên mới” là “chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước…” là “tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định” và “cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV…” Nhận thức, ít ra về mặt hình thức nhưng chính thức, cần được “toàn đảng” đồng thuận!
Trong hội thảo nêu trên mặc dù có nhiều tham luận và ý kiến phát biểu, nhưng tiếc rằng hoặc vì lý do tế nhị mà bối cảnh tiếp quản cương vị tổng bí thư và nhận định về cá nhân người đứng đầu Đảng, trong đó tư tưởng thực dụng của ông ấy, coi trọng hành động thực tế, đã chưa được ‘thấu hiểu’ thoả đáng. Nhận định này đã được nêu trong các phần trước của bài viết, ở đây xin minh hoạ thêm qua hai bài viết về “Chống lãng phí”[2] và “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả.”[3] Hai bài viết này liệt kê nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, luật và các văn bản dưới luật của Chính phủ, Quốc hội nhưng không lay chuyển được tình hình, những bất cập, hạn chế, “lãng phí” vô cùng lớn vẫn còn nhiều và kéo dài. Vấn đề ở đây phải tập trung vào khâu thực hiện, không chỉ tiếp tục cải thiện chính sách, luật pháp và thể chế để có tính khả khi, “hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”, mà còn phải “đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng”, xây dựng bộ máy Đảng – Nhà nước “tinh – gọn – mạnh”. Giới tinh hoa có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách, hãy “thay đổi tư duy” để giúp đảng và chính phủ.
________
Cuộc cải cách “từ bên trên” khởi xuống bởi Tô Lâm
Những thách thức và triển vọng cuộc cải cách lần hai thế nào?
Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ chỉ đạo cải cách thế nào?
________
‘Trò chơi ghép hình’ trong cải cách “từ bên trên” là rất phức tạp. Bài viết “Chống lãng phí” đang gây áp lực lớn không chỉ lên cả nền kinh tế và cả hệ thống chính trị mà còn cả đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân quan chức có liên quan trực tiếp. Chẳng hạn, hai bệnh viện Bạch Mai II và Việt Đức II với kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng, bỏ hoang cả chục năm nay toàn dân, cả xã hội đều biết, chẳng lẽ không có “thủ phạm”? Tuy nhiên, Đại biểu quốc hội phát biểu với mỹ từ “đóng băng”[4] và “đề nghị rà soát, giải quyết ngay tình trạng.” Chúng ta đang nói đến “công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình”, một nguyên tắc dân chủ cơ bản. Vấn đề “lãng phí” đã được Đảng “nhìn ra” nhưng chưa “nhìn thẳng” nếu cơ chế cụ thể, tức là thiết kế thể chế đi kèm thích hợp để thực thi nguyên tắc này một cách “hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả.”
Mong có cơ hội được bàn thảo nhiều hơn về các trụ cột của “thể chế bao trùm” nói chung và hàm ý cho cải cách “từ bên trên” để bước vào “kỷ nguyên mới” do ông Tổng bí thư Đảng CSVN Tô Lâm khởi xướng vì giới hạn bài viết không cho phép trình bày chi tiết. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh rằng tư tưởng “thực dụng” của ông ấy sẽ là bước “đột phá” và, nếu đi kèm với các chính sách phù hợp hy vọng có thể tạo nên sự thay đổi nhất định, hoặc đặt nền móng cho các cải cách tiếp theo. Như đã nêu trong phần hai (II), xin lần nữa lưu ý rằng Đảng CS Trung Quốc với tư tưởng thực dụng khởi xướng và chỉ đạo thực hiện bởi Đặng Tiểu Bình kèm theo với những chính sách mang tính cách mạng, trong đó có các cải cách “thầm lặng” về các nguyên tắc kiểm soát quyền lực đã tạo nên thành công kinh tế “kỳ diệu” và, ngược lại, nếu xa rời những nguyên tắc này, sự tồi tệ sẽ đến như những gì đang xảy ra dưới thời Tập Cận Bình.
Đảng CS Việt Nam theo sau và không “buông bỏ” mô hình phát triển của Trung Quốc nhưng đã “thiếu” tư tưởng thực dụng “của riêng mình” để dẫn dắt chính sách cho thực tế đất nước, hậu quả là cơ hội bị bỏ lỡ và tình trạng tụt hậu… Hoạch định chính sách cho tư tưởng thực dụng “riêng” liệu có là thách thức không thể vượt qua? Nhưng niềm hy vọng vừa loé lên, một kỷ nguyên mới! Hãy thực tế và lạc quan như người ta thường tự động viên: Thà muộn còn hơn không!
Tham khảo:
- https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/999602/ky-nguyen-moi%2C-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam—nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien.aspx;
- https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chong-lang-phi-119241013164302062.htm;
- https://www.xaydungdang.org.vn/van-kien-tu-lieu/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-22014;
- https://nhandan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-ra-soat-giai-quyet-ngay-tinh-trang-2-benh-vien-nghin-ty-dong-bang-post844068.html;
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do