Nông dân hỏi giải pháp kiểm soát giá đất, chống “thổi giá” để trục lợi

Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Đỗ Đức Duy kiến nghị Chính phủ xử lý nghiêm những cá nhân lợi dụng đấu giá đất để “thổi giá”, hưởng lợi.

Ông Duy nói về kiến nghị trên tại diễn đàn “…lắng nghe nông dân nói” hôm 24/11, sau khi Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên, Hà Nội đặt câu hỏi về giải pháp kiểm soát giá trước tình trạng đã có nhiều phiên đấu giá đất cao bất thường xảy ra vào tháng 8 vừa qua tại Hà Nội mà nhà nước lo ngại về tính minh bạch trong đấu thầu đất.

Hôm 19/8, huyện Hoài Đức đã tổ chức đấu giá 19 thửa đất ở xã Tiền Yên với mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Các lô đất được đưa ra đấu giá có diện tích từ 74 đến 118m2, thu hút cả ngàn bộ hồ sơ đăng ký tham gia.

Phiên đấu giá kết thúc vào sáng 20/8, giá trúng thửa đất cao nhất là 133,3 triệu đồng/m2, giá thửa đất thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2.

Trước đó, ngày 10/8, hàng ngàn bộ hồ sơ đã đăng ký tham gia phiên đấu giá 68 lô đất ở huyện Thanh Oai, có lô đất đấu giá trúng đấu giá hơn 100 triệu đồng/m2 (giá khởi điểm từ 8,6 đến 12,5 triệu đồng/m2) những lô đất thấp nhất cũng hơn 50 triệu đồng/m2. Hai phiên đấu giá trên được truyền thông loan đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận vì giá trúng cao gấp nhiều lần khởi điểm.

Trước sự quan tâm của dư luận, một ngày sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành rà soát việc tổ chức đấu giá nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, ngăn trường hợp lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loan thị trường.

Việc thổi giá trong đấu thầu đang nóng ở Hà Nội, thế nhưng cách đây ba năm, câu chuyện này đã gây xôn xao dư luận ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh. Bốn doanh nghiệp trúng đấu giá đều đã bỏ cọc sau khi đấu giá đất cao ngất ngưỡng. Đến đầu tháng 11/2024, theo truyền thông Nhà nước, các khu đất được đấu giá tại Thủ Thiêm vẫn còn bỏ trống, cỏ mọc um tùm nhưng giá đất và căn hộ xung quanh khu vực trên đang tăng mạnh.

Ngoài đưa ra giải pháp kiểm soát giá đất trong các phiên đấu thầu, Bộ trường Duy trong ngày 24/11 cũng trả lời nhiều câu hỏi của nông dân nhằm giải quyết thách thức về ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như các phương án hạn chế lũ rừng từ thượng nguồn.

Riêng về giải pháp hạn chế lũ, ông Duy được tờ Tuổi trẻ dẫn lời rằng: “Xả lũ tại các hồ chứa, đập thủy điện gây ra ngập úng ở hạ lưu là điều không ai mong muốn, nhưng đây là giải pháp hợp lý bảo đảm an toàn cho các hồ, đập và khả thi để đảm bảo mọi tình huống, an toàn cho tài sản và tính mạng cho người dân.

Đây là các giải pháp căn cơ và khả thi nhất, hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất”.

Diễn đàn có sự tham dự trực tiếp của hơn 200 nông dân tiêu biểu từ các tỉnh, thành phố trên cả nước; nhằm cung cấp thông tin đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, đặc biệt là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

 

 

Related posts