Nhà đầu tư dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 (dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng) đã đề xuất cho mua cát thương mại từ Campuchia để đắp nền đường.
Nhà đầu tư là tập đoàn Trung Nam cũng xin cơ chế đặc thù và cho phép điều chỉnh giá cát tương tự các dự án đầu tư công của thành phố này.
Với đề xuất trên, truyền thông Nhà nước trong ngày 24/11 cho biết, Bộ Công thương qua thông báo của Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM đã lập đoàn công tác liên bộ làm việc với Campuchia bàn về phương án nhập khẩu cát làm vật liệu xây dựng.
Kết quả chuyến làm việc của Bộ Công thương không được cho biết cụ thể, tuy nhiên theo báo cáo mới nhất của Sở Công thương TPHCM, hoạt động mua bán cát từ Campuchia trên thị trường hiện là hoạt động ngoại thương thông thường, sẽ được thực hiện theo quy trình nhập khẩu hàng hóa thông thường (không cần giấy phép nhập khẩu).
Do đó, theo đại diện Sở Công thương, nhà đầu tư dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng hoàn toàn có thể chủ động mua cát thương mại từ Campuchia để phục vụ đắp nền cho dự án khi đáp ứng các quy định pháp luật hiện hành.
Về đề xuất thứ hai của nhà đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nội dung này không thuộc chuyên môn và phạm vi chức năng tham mưu quản lý nhà nước của sở. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan khác.
Dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng khởi công từ năm 2016, theo báo cáo của nhà đầu tư, mức tổng đầu tư của dự án nếu hoàn thành vào sang năm dự kiến sẽ đội vốn lên 14.398 tỷ đồng. Hiện lãi phát sinh mỗi ngày khoảng 1,73 tỷ đồng.
Dự án này được nói giúp kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, theo lãnh đạo TPHCM, hiện nay dự án đang gặp khó khăn do không có vốn để hoàn thành công trình mặt dù đã đạt hơn 90% khối lượng.
Phát biểu tại Quốc hội hôm 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm “điểm danh” dự án này là một trong những điển hình của sự lãng phí.
“Phải làm thế nào chứ để mãi như vậy là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng cũng là tội lãng phí”, ông Tô Lâm nói trên tờ Người Lao động.