Câu chuyện về Ban Kinh tế Trung ương là một minh chứng sống động cho thấy nhiều tình huống tưởng như “nguy đến nơi” nhưng nếu biết cách chủ động thay đổi, hoàn toàn có thể “biến nguy thành cơ”.
____________________
Những thách thức trước mắt
Sáng 9/12/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm quyết định giữ lại và “phình to” Ban Kinh tế Trung ương là một động thái đáng chú ý sau những phản ứng trái chiều từ nội bộ liên quan đến chủ trương tinh giản bộ máy (1). Thời gian qua, phong cách lãnh đạo mạnh tay của ông Tô Lâm, điển hình là những cải tổ triệt để trong tổ chức, đã bị giới quan sát cho là tạo ra không khí “náo loạn cung đình”. Một số cải cách có thể đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các phe phái hoặc nhóm lợi ích, có thể dẫn đến việc ông Tô Lâm phải điều chỉnh để đảm bảo sự ổn định trong các cơ quan đoàn thể. Tuy nhiên, đây dường như chỉ là một bước lùi chiến thuật để tiến xa hơn về chiến lược. Việc duy trì Ban Kinh tế không chỉ giúp ổn định nội bộ mà còn là cơ hội để tổ chức này thực sự “lột xác”, trở thành trung tâm nghiên cứu và tham mưu chính sách hàng đầu. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ nguy cơ suy giảm tăng trưởng đến áp lực cạnh tranh quốc tế, vai trò của một cơ quan như Ban Kinh tế Trung ương là không thể thay thế (2).
Dù đã được tiếp thêm sinh lực từ quyết định của Tổng Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Thứ nhất, việc nâng cao năng lực hoạch định chính sách là bài toán trọng yếu. Trong một thế giới mà cả kinh tế lẫn chính trị đều biến động khôn lường, Ban cần xây dựng đội ngũ nghiên cứu có khả năng dự báo và đưa ra chiến lược chính xác, đặc biệt là trong bối cảnh bắt buộc phải hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Điều này đòi hỏi một nền tảng dữ liệu mạnh mẽ và các công cụ phân tích hiện đại (3). Thứ hai, làm sao để thu hút và giữ chân các chuyên gia kinh tế hàng đầu? Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn lực chất xám gay gắt, việc xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích sáng tạo và đảm bảo quyền lợi cho các chuyên gia là điều bắt buộc. Ban Kinh tế Trung ương cần thể hiện được sức hút của mình bằng cách chứng minh rằng đây là nơi các chuyên gia có thể thực sự tạo ra ảnh hưởng (4). Thứ ba, cần tránh rơi vào lối mòn quan liêu. Lịch sử đã cho thấy rằng sự quan liêu và hành chính hóa có thể làm tê liệt bất kỳ tổ chức nào, dù lớn mạnh đến đâu. Ban Kinh tế Trung ương phải giữ được tính linh hoạt và năng động trong cách làm việc, đồng thời phải xây dựng và thúc đẩy một nền “văn hóa đổi mới” (5).
Cơ hội từ các thách thức nói trên
Câu chuyện về Ban Kinh tế Trung ương là một minh chứng sống động cho thấy nhiều tình huống tưởng như “nguy đến nơi” nhưng nếu biết cách chủ động thay đổi, hoàn toàn có thể “biến nguy thành cơ”. Giống như câu chuyện “Cây tre trăm đốt” trong văn học dân gian Việt Nam, điều kỳ diệu sẽ đến nếu biết tìm đúng cách giải quyết vấn đề (6). Với sự kỳ vọng từ Tổng Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương đang đứng trước một cơ hội lớn để vươn mình mạnh mẽ, trở thành biểu tượng cho sự đổi mới tư duy và cách làm việc trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Để làm được điều này, Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động trong việc tái cấu trúc nội bộ, định hình lại sứ mệnh của mình trong bối cảnh kinh tế mới. Một tổ chức không chỉ cần có tầm nhìn mà còn phải biết cách chuyển hóa tầm nhìn đó thành hành động cụ thể. Tập trung nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn, nghiên cứu các ngành công nghiệp công nghệ cao và kinh tế xanh có thể là những hướng đi mà Ban nên cân nhắc. Trong cơn sốt sáp nhập và cải tổ trên cả nước, quyết định của Tổng Bí thư Tô Lâm tái khẳng định vai trò và chức năng mới của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy một tầm nhìn xuyên suốt không gian và thời gian. Đây không chỉ là việc giữ lại một cơ quan, mà còn là sự tái định nghĩa về vai trò của nó trong kiến tạo ra “kỷ nguyên mới” của đất nước (7).
“Kỷ nguyên mới” đó chính là lúc cuộc cách mạng dân tộc – dân chủ đang tiến vào một giai đoạn khác xa trước đây, nơi các lực lượng sản xuất hiện đại được cho là sẽ xuất hiện thông qua cuộc tinh lọc bộ máy. Quan hệ sản xuất cũng sẽ thay đổi để phù hợp với các lực lượng sản xuất mới này, tạo ra một phương thức sản xuất mới. Phương thức sản xuất ấy sẽ tạo ra các giá trị mới, đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất nhiên, quá trình này sẽ vừa tiệm tiến vừa đột phá, phụ thuộc vào sự tương tác giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài đất nước. Hy vọng rằng, với sự dẫn dắt của Tổng Bí thư và sự quyết tâm đổi mới của Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên của một đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Điều còn lại là liệu Ban Kinh tế Trung ương sẽ thực sự vươn cao hay chỉ dừng lại ở một sự “phình to” tạm thời mà không mang lại giá trị thực chất? Thời gian và kết quả công việc sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất.
Từ khi giữ cương vị Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm làm tinh gọn bộ máy vốn đang rất cồng kềnh, chồng chéo của Đảng Cộng sản, Chính phủ, Quốc hội và các đoàn thể sống bằng tiền thuế (8).Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lịch sử đòi hỏi phải có sự chuyển đổi mang tính toàn diện và sâu rộng. Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh, dù Việt Nam đã có những bước tiến về phát triển kinh tế, nhưng so với các nước tiên tiến khác, chúng ta vẫn còn đang trong tình trạng “đi xe đạp trong khi (các nước) đi xe hơi”, cho nên từ nay phải thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” (9). Chỉ bằng cách ấy, chúng ta mới rút ngắn được khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia khác đang ngày càng doãng ra, và giờ đây đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn bao giờ hết. Ban Kinh tế Trung ương giữ vai trò quan trọng trong việc đề xuất các định hướng chính sách và đề xuất những khuyến nghị quan trọng cho Đại hội 14.
Tầm nhìn và hành động
Quyết định giữ lại và mở rộng Ban Kinh tế Trung ương không chỉ thể hiện sự linh hoạt trong chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm mà còn cho thấy sự kỳ vọng vào vai trò dẫn dắt của cơ quan này trong thời kỳ đầy thách thức hiện nay. Ban Kinh tế Trung ương cần một “cuộc cách mạng tư duy” để vượt qua các rào cản cố hữu, từ đó chuyển mình thành trung tâm nghiên cứu và tham mưu chính sách hiệu quả. Việc tái cấu trúc tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn và loại bỏ tư duy hành chính hóa là những bước đi sống còn để đảm bảo Ban Kinh tế không chỉ tồn tại mà còn phát huy được giá trị thực chất trong công cuộc phát triển đất nước.
Trong giai đoạn nước rút này, áp lực đổi mới đặt ra thách thức lớn hơn bao giờ hết. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thích ứng với tốc độ phát triển công nghệ toàn cầu và yêu cầu hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế lớn. Đối với Ban Kinh tế Trung ương, đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là phép thử khả năng cải cách và đổi mới thực chất. Việc tập trung vào các mục tiêu dài hạn như kinh tế xanh, công nghệ cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cần được thực hiện một cách cụ thể, tránh tình trạng chạy theo phong trào hoặc thiếu chiều sâu. Thành công hay thất bại của Ban sẽ phản ánh rõ năng lực chuyển hóa thách thức thành hành động của hệ thống chính trị. Dù kết quả cuối cùng vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, việc nhìn nhận một cách thực tế sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho những khó khăn phía trước.
___________
Tham khảo:
(1 và 2) https://baochinhphu.vn/tong-bi-thu-to-lam-lam-viec-voi-ban-kinh-te-trung-uong-102241209142149946.htm
(5) https://kinhtedothi.vn/cua-sang-thu-hut-fdi.html
(8) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cwygy793359o Tổng Bí thư Tô Lâm ‘dọn dẹp’ bộ máy như thế nào?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự do
* Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.