Trong bối cảnh các hiệp định toàn cầu bị trì hoãn quá lâu, người dân trong khu vực sông Mekong đang cố gắng ngăn chặn rác thải nhựa hủy hoại môi trường sống của họ.
Một cơn mưa giông đang kéo đến phía trên đầu ông Boonrat Chaikeaw khi ông buông lưới xuống dòng nước ngập rác trên sông Mekong vào một ngày tháng Sáu. Trong sáu chuyến đánh bắt ở vùng nước ô nhiễm của khu vực Tam giác Vàng giữa Thái Lan, Myanmar và Lào, ông đã mang về nhà nhiều rác thải nhựa hơn cá.
Phía dưới khu vực Tam giác Vàng, ở trung tâm của hạ lưu sông Mekong, trẻ em bơi lội giữa rác thải nhựa trong khi công nhân đang dọn dẹp các bờ sông ở Phnompenh, thủ đô của Campuchia. Những nỗ lực thu nhặt rác thải nhựa tương tự cũng được tiến hành ở Biển Hồ Tonle Sap – nơi được mệnh danh là “trái tim sống động của sông Mekong”.
Xa hơn về phía hạ nguồn, tại Việt Nam, sông Mekong chia nhỏ thành nhiều phụ lưu, đầm lầy và cồn đảo, tạo nên vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại Cần Thơ, một vùng đất nằm dọc theo một phụ lưu của sông Mekong, những người nông dân nuôi cá cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn phải sống nhờ vào một con sông bị bao vây bởi rác thải nhựa.
Sông Mekong nuôi sống hàng triệu người sống dọc theo chiều dài 4.300 km của nó. Con sông này bắt đầu từ Cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Đông Nam Á và cuối cùng đổ ra Biển Đông.
Nhưng quy mô của sông Mekong và việc quản lý chung của các quốc gia đã khiến nó đặc biệt dễ bị ô nhiễm rác thải nhựa.
Trên bình diện toàn cầu, sông Mekong là một trong những tuyến đường thủy chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc đẩy rác thải nhựa ra các đại dương. Loại rác thải này không chỉ đơn giản là xấu xí, khó coi. Ô nhiễm nhựa đe dọa hàng ngàn loài sinh vật sống nhờ các con sông có dòng chảy tự do trong khi việc tiêu thụ vi nhựa của con người đang đặt ra những mối quan ngại ngày càng lớn về sức khỏe.
Nhiều người hy vọng rằng Hiệp ước Toàn cầu về Chống ô nhiễm Rác thải nhựa do Liên Hợp Quốc dẫn dắt sẽ giúp giảm bớt áp lực về rác thải nhựa trên các dòng sông. Thế nhưng, những bất đồng xung quanh vấn đề sản xuất nhựa và sử dụng hóa chất đã khiến hiệp ước được xem là mang tính bước ngoặt này đã không được ký kết vào đầu tháng 12 vừa qua.
Các nhà đàm phán hiện đang đặt kỳ vọng vào vòng đàm phán thứ 6, dự kiến sẽ diễn ra vào một thời điểm nào đó trong năm tới, để hoàn tất hiệp ước này. Tuy nhiên, ngay cả khi các bên đạt được một thỏa thuận, thì có thể vẫn phải mất nhiều năm trước khi các giải pháp hữu hình đến được với các quốc gia Mekong.
Trong khi đó, nhiều người sống dọc ven sông Mekong không chờ đợi cho đến khi có những hành động mang tính toàn cầu.
Chiang Saen ở Thái Lan, Phnom Penh và hồ Tonle Sap ở Campuchia và Cần Thơ ở Việt Nam hiện là bốn điểm nóng về rác thải nhựa nằm dọc theo hạ lưu sông Mekong. Những điểm nóng này không chỉ cho thấy những nỗ lực đương đầu với vấn đề ô nhiễm nhựa hiện tại mà còn cho thấy nhựa đang làm thay đổi cuộc sống của những cộng đồng cư dân ven sông có sinh kế phụ thuộc vào những vùng sông nước này.
“Chúng tôi đang nghiện [sử dụng] nhựa, nhiều hơn bao giờ hết” – ông Panate Manomaivibool – một trợ lý giáo sư tại Đại học Burrapha của Thái Lan – người đã nghiên cứu rác thải nhựa ở những khu vực xuyên biên giới của sông Mekong.
“So với quy mô của vấn đề này, những nỗ lực khắc phục nó là rất nhỏ” – ông nói.
THÁI LAN, MYANMAR VÀ LÀO | Vùng Tam giác Vàng của sông Mekong
Trong khi toàn bộ khu vực thượng lưu của sông Mekong chảy qua Trung Quốc – nơi con sông này được biết đến với cái tên Lan Thương (Lancang) – vùng Tam giác Vàng giữa Thái Lan, Myanmar và Lào đóng vai trò là cửa ngõ của khu vực hạ lưu.
Sông Mekong uốn lượn qua ba quốc gia này giữ vai trò như biên giới tự nhiên đã được công nhận trên bình diện chính trị. Nó cũng cho thấy bản chất xuyên biên giới của sông Mekong cũng như có yếu tố chính trị trong việc quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
CAMPUCHIA | Trái tim sống động của Lưu vực sông Mekong
Sau khi uốn lượn qua Myanmar và giữa Thái Lan và Lào, sông Mekong chảy vào Campuchia.
Thủ đô Phnom Penh của Campuchia nằm ở hợp lưu của sông Mekong và các sông nhánh của nó, sông Bassac và Tonle Sap. Hơn 100km về phía tây bắc là Biển Hồ – nơi được mệnh danh là “trái tim sống động của sông Mekong” do có nhịp lũ độc đáo.
Mưa lũ của mùa mưa hàng năm (kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10) thường làm cho diện tích của hồ phình to lên khoảng 5 lần so với diện tích thông thường. Sức mạnh của nước lũ này đảo ngược hướng dòng chảy của sông Tonle Sap – con sông duy nhất trên thế giới có hiện tượng tự nhiên này. Khi mực nước giảm xuống trong mùa khô, dòng chảy của con sông này lại đảo chiều một lần nữa.
VIỆT NAM| Nơi sông Mekong đổ ra biển
Qua Phnom Penh, sông Mekong chảy về phía nam đến biên giới Campuchia – Việt Nam và cuối cùng đi qua các khu đô thị đang lan rộng ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).
Từ đây, dòng chính của sông Mekong phân nhánh thành các phụ lưu, đầm lầy và cồn đảo để tạo nên ĐBSCL – nơi vốn được mệnh danh là “vựa lúa” của Việt Nam. Các dưỡng chất mà sông Mekong mang đến đã biến đất nông nghiệp màu mỡ của khu vực này trở thành một phần của ngành lúa gạo trị giá nhiều triệu đô-la. Nhưng khi rác thải nhựa cũng đến đây theo cùng con đường này, vì thế, những nông trại đang phải đối diện với những mối đe dọa ngày càng gia tăng.
Cần Thơ – thành phố lớn nhất ĐBSCL – giờ đây đã trở thành trung tâm của những vấn đề rác thải trong khu vực.
Phóng sự này được tài trợ bởi Dialogue Earth – một tổ chức phi chính phủ chuyên thực hiện các báo cáo và phân tích độc lập về môi trường. RFA giữ toàn quyền kiểm soát việc biên tập tác phẩm.