Ngay trong giờ nghỉ trưa của phiên tòa Đồng Tâm ngày thứ nhất, 10 luật sư bào chữa cho những người dân đã ngay lập tức làm đơn gửi Chánh án TAND Thành phố Hà Nội để khiếu nại đối với hành vi tố tụng trái pháp luật của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
Cụ thể các luật sư cho rằng, ông Chánh án đã công khai tuyên bố như sau;
“Các Luật sư đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, đã có thời gian tiếp túc với các bị cáo trước khi xét xử trong trại giam, vì vậy việc tiếp xúc giữa Luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết.”
Theo các luật sư, hành vi này của Thẩm phán chủ tọa đã vi phạm nghiêm trọng nội dung khoản 4 Điều 256 Bộ luật tố tụng hình sự và xâm phạm đến quyền bào chữa của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo.
Điều này cũng thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán theo nội dung điều 6: “Sự công bằng bình đẳng” và 1e khoản 2 điều 10 “Thẩm phán không được gây khó khăn cho người tham gia tố tụng” đã nêu tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm Phán.
10 luật sư bao gồm các vị Lê Văn Luân, Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Trương Chí Công, Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Văn Miếng, Bùi Hải Quảng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hà Luân và Phạm Lệ Quyên đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết các yêu cầu như sau:
“Yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa ông Trương Việt toàn cùng hội đồng xét xử phải đảm bảo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.“
Phiên tòa mặc dù còn chỗ trống và rất nhiều người mặc thường phục ngồi dự phía sau nhưng không có thân nhân nào của 29 người bị đưa ra xét xử được tham dự.
Một số người dân Đồng Tâm cho biết các nhà xe đã từ chối chở họ đến phiên tòa và họ đã phải đi bộ từ xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức để đến tòa nhưng không được cho vào.