Những luật sư tham gia bào chữa cho 29 người dân Đồng Tâm trong phiên toà diễn ra vào ngày 7/9 ở Hà Nội cho biết những kiến nghị và khiếu nại của họ đều bị Hội đồng xét xử trực tiếp hoặc gián tiếp bác bỏ. Trong khi đó, người thân của 29 bị cáo bị lực lượng công quyền kiểm soát chặt chẽ, không được dự phiên toà.
Phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm bị cáo buộc với tội giết người và chống người thi hành công vụ bắt đầu vào ngày 7/9 và dự kiến sẽ kéo dài 10 ngày.
Các bị cáo bị bắt giữ sau vụ tấn công của hàng ngàn cảnh sát vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020, liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Vụ tấn công đã khiến 3 cảnh sát và một dân thường là ông Lê Đình Kinh thiệt mạng.
Trước khi phiên xử diễn ra, các luật sư tham gia bào chữa cho 29 bị cáo trong vụ án này có kiến nghị căn cứ trên lời khai của một người chứng kiến thời khắc cụ Lê Đình Kình bị bắn chết. Ngay trong ngày đầu của đợt xét xử, các luật sư lại có những khiếu nại mới theo qui định tố tụng Việt Nam.
Kiến nghị làm rõ tình tiết vụ án không được xem xét
Trước phiên sơ thẩm, vào ngày 3/9/2020, một bản kiến nghị của nhóm luật sư Đồng Tâm gởi Hội Đồng Xét Xử. Trong đó, các luật sư nêu lên một chi tiết đáng chú ý là lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu về nguyên nhân cái chết của cụ Lê Đình Kình khi được tiếp xúc với luật sư bào chữa.
Ông Hiểu nói rằng “cụ Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu, người bắn đứng trước cụ Kình khoảng 1 mét, nòng súng to như cổ tay, nhắm thẳng vào ngực cụ Kình. Cụ Kình ngã xuống, chết trước mặt tôi, sau đó chó nghiệp vụ vào kéo xác cụ Kình đi…”.
Lời khai này trùng hợp với khám nghiệm tử thi cụ Kình cho thấy “Hai vết thương phía trước ngực tròn nhỏ, không có xây xát nhưng hai vết thương sau lưng lớn hơn, bờ mép vết thương nham nhở chứng tỏ đạn được bắn từ hướng trực diện, từ trước ra sau và loại đạn là loại đạn chạm nổ nên vết thương đạn xuyên qua phía sau sẽ lớn hơn phía vào.”
Tuy nhiên, trong bản Kết luận điều tra của Công an TP.Hà Nội thì cụ Kình bị bắn hai phát từ phía sau lưng, cách chừng 2-2,5m.
Cụ Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu, người bắn đứng trước cụ Kình khoảng 1 mét, nòng súng to như cổ tay, nhắm thẳng vào ngực cụ Kình. Cụ Kình ngã xuống, chết trước mặt tôi, sau đó chó nghiệp vụ vào kéo xác cụ Kình đi – Lời khai của ông Bùi Viết Hiểu
Chính vì những điều còn chưa sáng tỏ, nên nhóm luật sư Đồng Tâm bao gồm 13 người đã ký tên trong bản kiến nghị, yêu cầu Toà án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Cần triệu tập thêm những người có liên quan đến vụ án như bà Dư Thị Thành (vợ cụ Lê Đình Kình), Nguyễn Thị Duyên (vợ bị can Lê Đình Uy), chiến sỹ cảnh sát đã bắn chết cụ Kình, làm bị thương Bùi Viết Hiểu…
Mặt khác, bản kiến nghị còn đề nghị HĐXX đảm bảo quyền tự do tác nghiệp, đưa tin của báo chí, quyền tham dự phiên toà của thân nhân các bị hại, bị can và những người dân quan tâm.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, người bào chữa cho ông Bùi Viết Hiểu vào tối ngày 7 tháng 9 cho biết HĐXX đã nhận được đơn kiến nghị này nhưng họ gián tiếp từ chối. Còn các ý kiến của luật sư như triệu tập thêm người sẽ được xem xét trong quá trình xét xử:
“Họ nhận được rồi nhưng họ không xem xét. Họ không nói là không chấp nhận nhưng họ gián tiếp không chấp nhận. Sáng nay tôi cũng cung cấp thêm cho họ một bản nữa.
Họ trả lời lòng vòng trong phiên tòa thôi. Họ nói là đã ghi nhận một số ý kiến của luật sư và sẽ triệu tập người này, người kia hoặc sẽ xem xét ý kiến này, ý kiến kia trong quá trình xét xử.
Nhưng mà bởi vì trong yêu cầu của chúng tôi là có có trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng họ không chấp nhận, và tiếp tục xét xử. Đó là cách mà họ gián tiếp phủ nhận yêu cầu của chúng tôi.”
Luật sư khiếu nại quyền tiếp xúc bị cáo
Ngày 7/9/2020, Một bản khiếu nại khác mới nhất được các luật sư soạn thảo và gởi cho Chánh án TAND TP.Hà Nội ngay trong giờ nghỉ trưa của ngày xét xử đầu tiên.
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, trong toà, lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên toà đã ngăn cản các luật sư tiếp xúc với bị cáo do mình bào chữa:
“Thường thì trước giờ xét xử các luật sư sẽ đi sớm để gặp các bị cáo, trao đổi thêm hoặc giờ giải lao, nhưng ở đây mỗi khi mà HĐXX chưa làm việc thì những cảnh sát đứng thành một hàng để ngăn cách luật sư với các bị cáo. Họ không cho sự tiếp xúc qua lại.”
Chủ toạ phiên toà tuyên bố “các luật sư đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ, đã có thời gian tiếp xúc với bị cáo trong trại giam nên việc tiếp xúc giữa luật sư và bị cáo tại phiên toà là không cần thiết”
Các luật sư đã soạn đơn khiếu nại gởi Chánh án phiên toà yêu cầu được đảm bảo quyền tiếp xúc giữa người bào chữa và bị cáo theo đúng quy định pháp luật.
Luật sư Mạnh cho biết đơn khiếu nại đã gởi nhưng HĐXX chưa xem xét trong buổi chiều ngày xét xử đầu tiên:
“Chiều hôm nay họ chưa đả động gì đến đơn khiếu nại hết. Đầu giờ chiều họ cấm dứt phần thủ tục, chuyển qua phần xét hỏi.”
Toà chiếu phim “tuyên truyền”
Ngoài ra, luật sư Đặng Đình Mạnh cũng nêu 2 điểm đáng chú ý, bất thường diễn ra trong buổi chiều. Thứ nhất là Toà cho chiếu phim phóng sự, tài liệu như tuyên truyền có chủ đích cho Chính quyền:
“Ở đầu phần xét hỏi, thay vì hỏi theo một cách thông thường thì họ làm một chuyện chưa từng có. Đó là cho trình chiếu một cái clip, mà thật ra nó giống như là một đoạn phóng sự, phim tài liệu mà trong đó nêu quan điểm của Chính quyền cho rằng người dân Đồng Tâm đã khiếu kiện đất đai không đúng.
Đồng thời, từ chuyện đó đưa đến chỗ không đúng thứ hai là tấn công lực lượng vào tối ngày 9/1/2020 làm chết 3 chiến sĩ. Rồi cuối phim họ đưa cảnh của những những gia đình “bị hại” là 3 chiến sĩ bị chết, nào là cô vợ trẻ khóc không ra tiếng, rồi đứa con thơ 6 tháng tuổi… Đại khái là như vậy.
Tôi là một trong những luật sư đã phản ứng về chuyện này. Tại vì, lẽ ra trong giai đoạn xét hỏi, nếu được trình ra những cái clip, âm thanh hoặc hình ảnh, thì nó phải là những clip, âm thanh và hình ảnh mang ý nghĩa chứng cứ của vụ án. Tức là, nó là những tình tiết có thật và phải nguyên vẹn, không bị chỉnh sửa.
Một đoạn phim thì nó không phải là như vậy, khi nó được dựng theo quan điểm của người dựng phim. Nó được cắt gọt chỉnh sửa, thậm chí họ lồng nhạc vào đó để tạo ra những hiệu ứng… thì đó không phải là chứng cứ. Đây là một điều rất lạ lùng mà tôi đã phản đối.”
Điều bất thường thứ 2 là toà đã chiếu các đoạn clip nhận tội của các bị cáo mà luật sư không được biết trước:
“Sau đó, toà chuyển qua xét hỏi 6 bị cáo đầu vụ. Và mỗi một bị cáo thì họ lại xuất trình một đoạn clip ghi hình, trong đó 6 người này đã khai nhận tội trạng của mình.
Về nội dung khai nhận tội thì mình không nói. Cái vấn đề là ở chỗ với những đoạn clip khai nhận tội này thì khi các luật sư tham khảo hồ sơ không hề có những cái clip nhận tội này.
Khi họ đưa ra thì các luật sư hết sức bất ngờ. Đây cũng là một điểm mà các luật sư hết sức bất bình. Bởi vì họ tung ra những cái clip đó mang tính chất bất ngờ như là để lừa dối các luật sư. Lẽ ra, theo luật tất cả những cái đó phải có trong hồ sơ vụ án, mà Khi các luật sư tiếp xúc thì họ được quyền coi và tham khảo trước, tìm hiểu trước về nó.”
Gia đình tìm mọi cách đến toà chỉ mong thấy mặt người thân
Ở bên ngoài Toà án, một người thân của cụ Kình không nêu tên chia sẻ với Đài Á Châu Tự do rằng người dân Đồng Tâm luôn bị canh gác nghiêm ngặt, đặc biệt là gia đình có người bị bắt. Hôm 6/9, nhiều chủ nhà xe phải huỷ hợp đồng chở người dân Đồng Tâm đến toà:
“Cả nhà chị hơn một chục người, anh em, chú thím này kia đi hết, lối xóm người ta cũng đi nữa. Nhà chị chắc khoảng 20 người, đi từ Đồng Tâm cũng có và những nơi khác cũng có. Có người đi từ hôm qua, và có người đi từ hôm nay, nhưng phải đi lén tại vì họ canh gác dữ lắm. Cổng nhà chị họ canh từ hôm qua đến giờ nên chị phải đi lén.
Họ điều quân về đứng khắp các đường vào trong làng. Những gia đình có người bị bắt là họ đứng trước cổng anh suốt luôn, không cho đi.
Các chủ xe không ai dám chở hết. Họ từ chối hết. Hôm trước đặt xe rồi nhưng người ta lại bảo người ta không chở, có nghĩa là đã bị khống chế.
Cả ở những xã lân cận, những người bạn, em út của chị ở những xã khác xa lắm cũng thuê xe 16 chỗ để lên. Người ta đã đồng ý cả tuần rồi thì xong đến hôm qua họ từ chối.”
Sáng nay, gia đình và người dân ở Đồng Tâm khó khăn lắm mới đến được cổng toà, nhưng không ai được vào. Sau 8 tháng, được nhìn thấy anh chị em, những người thân của mình, dù chỉ vài phút trên báo chí cũng khiến gia đình yên tâm phần nào.
“Hôm nay, chị và người nhà lên đến tòa vào đến cổng từ sáng. Chị đứng ở cổng thì sau đó bị họ đuổi, họ không cho đứng, đành phải đi xa tuốt ngoài đường lớn.
Chị cứ nghĩ rằng khi mà xe chở phạm nhân ra thì hi vọng rằng cả nhà sẽ đứng đó cho các em ở trên xe nhìn thấy người nhà, để trong lòng của nó có được niềm vui là gia đình ra với nó. Nhưng rốt cuộc chờ mãi cũng không thấy xe nào ra cả. Chờ đến tận 1 giờ thì gia đình chị về ăn cơm, một số thì ở lại đấy.
Hôm nay không được vào, nhưng được nhìn thấy các em ở trên hình ảnh thì gia đình cũng vui phần nào. Bởi vì lúc nghe tin này, lúc nghe tin kia, nhưng hôm nay thực sự được nhìn thấy các em cũng yên tâm phần nào. Mình chỉ mong cho người ta nhìn thấy mình thôi mà cũng không được nữa. Hôm nay không có một bóng người nhà, người thân nào được vào cả. Chỉ toàn là bên phía công an thôi.
Sáng giờ, người dân Đồng Tâm chỉ cập nhật tin tức được qua mạng báo của công an viết lên, thì làm sao mà đúng được. Có những khúc hỏi cung đều bị cắt không đúng sự thật, họ chỉ lấy từng đoạn thôi.”
Người thân của cụ Lê Đình Kinh có mặt bên ngoài phiên toà nhưng không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho RFA biết, ông Trịnh Bá Khiêm, người dân Dương Nội, bố của hai nhà hoạt động về Quyền đất đai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, bị bắt sáng nay khi một mình đến trước cổng toà:
“Sáng nay, có mấy người nhà của những người bị bắt ra đó, không biết họ làm gì mà bị đuổi đi. Có một người bị bắt là chú Trịnh Bá Khiêm. Ông ấy ra vì thương dân Đồng Tâm, bởi vì con của ông ấy bị bắt cũng vì dân Đồng Tâm.
Ông ấy ra đứng hỏi thăm mấy người trong gia đình nhà chị. Nói chuyện một chút thôi là ông ấy bị lực lượng chức năng lại áp giải đi, nói rằng ông ấy không liên quan đến Đồng Tâm, rồi nó ép ông ấy lên xe chở đi mất tích luôn.”
Theo thông tin từ chị Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu cụ Lê Đình Kình thì có ít nhất 3 người đã bị bắt trong ngày hôm nay, 7/9. Ngoài ông Trịnh Bá Khiêm còn có 2 vợ chồng em của bà Nguyễn Thị Lụa, là một trong 29 bị can trong vụ án này.
Nhiều nhà hoạt động ở Hà Nội bị theo dõi, ngăn chặn đi lại
Không chỉ có gia đình bị làm khó, hàng loạt nhà hoạt động tại Hà Nội nói với RFA rằng họ bị lực lượng an ninh thường phục canh trước cửa, thậm chí ngăn cản ra khỏi nhà từ trước khi diễn ra phiên xử sơ tâm vụ án xảy ra.
Ông Lê Hoàng đang ở Hà Nội cho RFA biết ông bắt đầu bị canh nhà từ sáng ngày 6/9, liên tục có nhiều người thay phiên nhau canh gác suốt đêm cho đến giờ.
Sáng nay, trời Hà Nội mưa to nhưng ông Hoàng vẫn bị ngăn cản đưa con mình đến trường rồi đi làm.
Chị Đỗ Thị Thu là vợ của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nói có đến gần chục người thường phục canh trước nhà. Chị Thu khẳng định rằng những người canh gác gia đình chị đều là cán bộ phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội:
“Lúc sáng nay có khoảng gần chục người họ theo dõi em, và bây giờ bố mẹ em vừa đi chợ thì 3, 4 tên cũng đi theo. Em và bố mẹ em đi đến đâu thì họ cũng đi theo hết.
Tối qua thì họ lởn vởn quanh nhà em để xem tình hình, còn canh thì sáng sớm nay lúc vừa ra ngõ thì mẹ em đã thấy rồi.
Canh nhà em toàn là công an phường và công an quận Hà Đông. Họ mặc thường phục hết. Bởi vì họ hay canh nhà em nên đều là công an phường và công an quận hết.”
Tương tự, ông Phan Vân Bách cũng bị canh liên tục từ sáng 6/9. Ông Bách cho rằng mình sẽ bị canh trong vài ngày tới, cho đến khi kết thúc phiên toà sơ thẩm:
“Sáng qua lúc anh ra khỏi nhà là khoảng 9 giờ 30, anh có sang 1 nhóm thánh Tin Lành. Tầm 11 giờ về thì có bác thuê phòng nhà anh báo là có khoảng 5,6 người an ninh nhà nước đang canh dưới chân cầu thang chung cư. Anh đoán ngay có liên quan đến vụ xét xử vụ án 29 người dân Đồng Tâm.”
Bị sách nhiễu vì ký “Tuyên bố Đồng Tâm”
Vài ngày trước phiên xử, bà Huỳnh Thị Út, mẹ của TNLT Trần Hoàng Phúc xác nhận với RFA rằng vào sáng ngày 4/9/2020, bà bị an ninh quận Tân Bình (TP.HCM) “mời” làm việc vì đã ký tên vào bản “Tuyên Bố Đồng Tâm” từ tháng 1/2020.
Theo bà Út, buổi làm việc diễn ra khá ôn hoà. Bà nêu quan điểm trong biên bản giải trình rằng “Sự việc xảy ra ở Đồng Tâm không có tình người. Đang đêm sử dụng lực lượng trang bị vũ khí, sử dụng cả chó để tấn công vào khu vực Đồng Tâm gây tổn thất, thiệt hại về tình mạng cho người dân Đồng Tâm. Cụ thể là xâm phạm đến tính mạng của cụ Lê Đình Kình, tổ chức bắt người trong gia đình của ông Kình.”
Bản “Tuyên bố Đồng Tâm” do nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam khởi xướng hồi ngày 10/1/2020 và kêu gọi mọi người cùng các tổ chức xã hội dân sự ký tên ủng hộ. Trong bản Tuyên bố có yêu cầu Chính quyền Việt Nam phải “Điều tra một cách khách quan trung thực về sự thật xung quanh vụ đổ máu ngày 9/1 ở Đồng Tâm, có sự tham dự của báo chí, giới luật gia, các nhân sĩ và tổ chức dân sự độc lập. Khởi tố vụ án không chỉ đối với những người dân bị coi là chống đối, mà cả với những người ra mệnh lệnh, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang xông vào khu dân cư trong đêm tối một cách bất minh vì đó là nguyên nhân buộc người dân chống đối.”
Ngay trước khi phiên toà diễn ra, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) đã lên tiếng quan ngại về phiên toà này vì cho rằng phiên toà không độc lập và kết quả là án bỏ túi.