Trong Thông tư 32/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trugn học phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp học, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/11 tới đây, học sinh sẽ được đem điện thoại di động vào lớp học.
Giải thích rõ hơn về quy định này với báo chí Nhà nước, ông Sái Công Hồng – phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cho hay học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép.
Trao đổi với RFA tối 21/9, Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện đang giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Thường Tín tại Hà Nội cho rằng nếu cho học sinh trung học cơ sở sử dụng điện thoại di động là quá sớm, vì vậy ông đề xuất không nên cho học sinh cấp 2 sử dụng. Đối với học sinh cấp 3 thì cho dùng một cách có lựa chọn phù hợp với bài giảng, còn nếu không thì vẫn phải hạn chế.
Thầy Khoa cho rằng điều chỉnh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hai mặt trái ngược cần được xem xét kỹ:
“Điện thoại di động có tác dụng tích cực như các em tra cứu, chụp hình bài học (trên bảng) nếu các em ghi không kịp hay ghi âm các bài tiếng Anh để nghe nói… những việc ấy rất có ích. Thế nhưng cũng có mặt trái của nó. Tôi có thể nói phần lớn học sinh của ta là tính tự giác kém. Điện thoại các em có thể sử dụng chơi game, nhắn tin, lướt web thay vì dùng để học.”
Dưới góc nhìn học sinh trung học phổ thông, em Ngọc Anh, học sinh lớp 12 trường Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh cho hay:
“Con thấy mang điện thoại lên lớp cũng có mặt lợi là những câu giáo viên, thầy cô hỏi mà mình không biết thì có thể tra nhưng con thấy có nhiều mặt hại hơn. Ví dụ như cô sẽ không quản lý được tất cả điện thoại trong lớp như các bạn lên Facebook, các bạn chơi game tại vì lớp thường ba mươi mấy học sinh, các bạn sẽ không chú ý việc học nữa, lúc nào cũng nghĩ đến việc cầm điện thoại trong tay để chơi. Còn những bạn không có điện thoại sẽ về nhà hỏi mẹ rằng không có điện thoại mang lên trường, không tra cứu được sẽ đòi bố mẹ mua điện thoại xịn hơn.”
Ngay cả học sinh cấp 3 cũng không sử dụng điện thoại vào mục đích học tập, như lời Ngọc Anh vừa nêu, thì học sinh lớp nhỏ như ở cấp 2 có thực hiện nghiêm túc nội quy chỉ được dùng cho việc học hay không?
Em Minh Thy, học sinh lớp 8 một trường Trung học cơ sở ở quận 2 cho biết:
“Dạ con thấy cũng tốt, kiểu như mình quên đem máy tính thì mình có thể dùng điện thoại hay máy tính bảng luôn.”
Tuy nhiên, vẫn theo em Thy, nếu được đem điện thoại vào lớp để tra cứu thông tin thì mỗi khi có thắc mắc em sẽ tự Google chứ không giơ tay hỏi thầy cô nữa. Ngoài ra, em khẳng định, việc cho phép học sinh mang điện thoại đến lớp thì học sinh sẽ “Chơi trong giờ học là cái chắc”.
Xác nhận thực tế vừa nêu, em Thanh Trúc, một học sinh lớp 7 trường Cầu Kiệu, thành phố Hồ Chí Minh cho hay:
“Con không thích lắm vì trên lớp con hiện giờ có rất nhiều bạn mang điện thoại lên để chụp ảnh và quay cóp trong giờ kiểm tra.”
Không đồng tình với điểm đổi mới cho sử dụng điện thoại di động khi đến lớp trong Thông tư 32/2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/11/2020, chị Thu Hồng, phụ huynh cháu Minh Thy, đồng thời cũng hoạt động trong ngành giáo dục bày tỏ:
“Nếu nói vậy chẳng cần vai trò thầy cô, cứ cái gì không hiểu thì search Google, như vậy ngồi ở nhà search khỏi đi học. Bản thân chị cũng là giáo viên chị sẽ không cho học sinh của chị sử dụng vậy đâu. Vấn đề kiểm soát khó lắm. Một lớp học mấy chục học sinh mà cô ngồi trên bàn làm sao cô kiểm soát được? Nó không học mà lôi ra chơi game này kia thì đố cô kiểm soát nổi. Sử dụng như vậy sau giờ học thì tha hồ, muốn search gì cũng được, còn trong giờ học mình nói, nó cứ search như vậy, mình nói nó không nghe, cuối cùng là dở, không tiếp thu được.”
Là học sinh năm cuối cấp 3, em Ngọc Anh cho biết nếu tra cứu trên điện thoại có nhiều cái đúng, nhiều cái sai, trong khi hỏi cô giáo thì cô sẽ chỉ tận tình cho học sinh, hoặc học sinh cũng có thể hỏi bạn bè. Vì vậy, em Ngọc Anh cho rằng việc mang điện thoại đến lớp là không cần thiết:
“Con thấy chăm chú học thì vẫn tốt hơn mở điện thoại tra cứu vì chăm chú học thì sẽ hiểu bài, còn nếu mang điện thoại theo thì không cần hiểu cũng được vì có điện thoại để tra rồi, sẽ mang tính ỷ lại hơn.”
Theo chị Thu Hồng, nếu nhà trường muốn để các bé sử dụng công nghệ đi tìm vấn đề gì, hay giải đáp những thắc mắc của các bé trong quá trình học môn đó, hoặc tìm hiểu những vấn đề mở rộng cần đến công nghệ thông tin thì nhà trường nên trang bị máy trong trường. Chị tiếp lời:
“Giờ gần như trường nào cũng có phòng lab, phòng máy tính thì chỉ cần phòng máy tính đó kết nối wifi là thực hiện được vấn đề đó. Thứ nhất là tốc độ nhanh; thứ hai là máy rộng, mắt các bé không hư; thứ ba là rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy tính của các bé. Chị thấy như vậy kết hợp đủ các tiêu chí, vừa không tốn kém, vừa hiệu quả mà không ảnh hưởng tầm nhìn mắt các bé, không làm cho các bé sử dụng cái đó (điện thoại) không đúng mục đích.”
Trong khi đó, thầy Đỗ Việt Khoa lại cho rằng cả nhà trường, thầy cô, và phụ huynh cần linh động trong trường hợp này, sao cho vừa tôn trọng quyền của học sinh mà vẫn giám sát xem liệu các em có sử dụng điện thoại vào việc học hay không. Thầy Khoa đề xuất:
“Những trường hợp không giám sát được thì nhiều khi bất lực vì những đứa trẻ đối phó ghê gớm lắm, cho nên theo tôi là phải mềm mỏng. Chỗ nào, địa phương nào học sinh có ý thức tự giác tốt thì cho các em được sử dụng, còn lại cũng nên hạn chế, không cho dùng tùy tiện. Nên cho các em sử dụng điện thoại ở những môn có thể sử dụng đến, trong tiết học giáo viên có thể cho dùng trong bài giảng có liên quan, còn lại những bài giảng không liên quan đến việc phải tra cứu thì yêu cầu không cho dùng.”
Trước đây, tại các trường học có các lệnh cấm học sinh sử dụng điện thoại và máy nghe nhạc trong lớp học. Nếu học sinh bị bắt gặp sử dụng những thiết bị trên trong lúc giáo viên đang giảng bài có thể bị tịch thu và mời phụ huynh.
Tuy nhiên, quy định này sẽ được điều chỉnh kể từ ngày 1/11 tới đây với mục đích được nói nhằm giúp học sinh thực hiện yêu cầu học tập, tìm kiếm tài liệu tham khảo ngay trong thời gian diễn ra giờ học thông qua việc sử dụng những tính năng của điện thoại thông minh.