Khả năng đối phó hạn, mặn mới nhất của VN tại Đồng Bằng Sông Cửu Long đến đâu!

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày 23/9 có buổi làm việc với 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021.

Theo bản tin được báo nhà nước Việt Nam đăng tải cùng ngày, ông Thủ tướng cho rằng, cần có nghiên cứu tầm quốc gia về việc ngăn mặn vào sâu. Trong bối cảnh sắp tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng thì việc tích nước ngọt cũng rất quan trọng.

Luôn theo sát tình hình Đồng Bằng Sông Cửu Long, Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Việt Nam cũng ước mong rất lớn về Đồng Bằng Sông Cửu Long thông qua nhiều hội nghị trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo về câu chuyện làm gì cho Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Trao đổi với RFA tối 25/9, Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra nhận xét về giải pháp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong cuộc họp ngày 23/9 như sau:

“Tôi cho rằng việc nghiên cứu được đặt ra là hoàn toàn rất cần thiết vì sự xâm nhập mặn đó sẽ làm giảm đi năng lực của kinh tế nông nghiệp, đặc biệt đây là vùng nông nghiệp của Việt Nam. Tôi cho rằng liên quan đến việc chống xâm nhập mặn thì cần tạo ra bài toán về thủy lợi, tức giảm đi khai thác nước ngầm để phục vụ nông nghiệp. Trước đây việc khai thác nước ngầm quá mức đã gây sụt lún và không còn nước ngọt để đẩy mặn ra xa hơn. Giải quyết thế nào thì vừa rồi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đặt vấn đề là việc khai thác ở thượng nguồn sông Mekong có tác động rất lớn đến lượng nước cần thiết cho vùng hạ nguồn, trong đó Đồng Bằng Sông Cửu Long là vùng chịu tác động lớn nhất của việc hiện nay nước ở thượng nguồn không được cấp cho hạ nguồn, làm cho mức bùn ở lũ không còn cao, nước ngọt trữ lại ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày càng kém.”

Theo Giáo sư đặng Hùng Võ, những lý do gây ra tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Đồng Bằng Sông Cửu Long bao gồm:

“Một là nước biển nâng do biến đổi khí hậu; hai là mực nước ngầm của Đồng Bằng Sông Cửu Long bị khai thác quá mức và lũ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có vẻ giảm vì vậy nước ngầm bị hao hụt. Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn xâm nhập mặn.”

Đồng Bằng Sông Cửu Long được đánh giá là nơi cung cấp nông lương thực lớn nhất cả nước với sản lượng nông nghiệp chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản chiếm 70% cả nước.

Tuy nhiên, khu vực này vừa qua phải hứng chịu tình trạng hạn mặn lịch sử trong 10 năm trở lại đây khiến ngành nông nghiệp nơi đây bị ảnh hưởng nhiều.

Ủy Hội Sông Mê Kông trong báo cáo đưa ra ngày 7/8 cũng chỉ ra rằng dòng chảy thấp có thể tác động nghiêm trọng đến cộng đồng ở các quốc gia thành viên có dòng Mê Kông chảy ngang bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long.

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 23/9 cũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước để hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời không để người dân thiếu nước sinh hoạt, nước không bảo đảm vệ sinh…

Một người nông dân đang thu thoạch cây mía giữa thời kỳ hạn hán.
Một người nông dân đang thu thoạch cây mía giữa thời kỳ hạn hán.
Reuters

Xác nhận tình trạng hạn mặn ảnh hưởng đến nguồn nước, đem lại những khó khăn cho người nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long, anh Năm Tân, một người dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang cho hay:

“Tới mùa khô thì nước ngọt không có để dự trữ. Nước ngọt chắc tích lũy không được, vùng đồi núi thì ngăn đập lại được, vùng đồng bằng thì không cáh ly được. Đó là rõ ràng. Vừa rồi chính quyền có cấp nước ngọt cho dân, ghe lại bơm tập trung giao cho một vườn bao nhiêu khối nhưng cũng không đủ nên người ta tập thói quen chuyển đổi cây trồng, trồng cây khác, cây nào không thích hợp mặn thì bỏ. Anh đang chăm vườn (sầu riêng) cũng lớn nhưng mình thấy vì biến đổi khí hậu thì thay vì ngay khu vực chỗ anh là sầu riêng nhưng sầu riêng không thích ứng độ mặn 0,5/1000 thì sẽ đổi qua bưởi, cam, còn mít thì độ mặn không ảnh hưởng gì cây mít luôn.”

Theo Thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia về nước, hiện có 4 giải pháp mà chính quyền có thể áp dụng để giải quyết dài hạn vấn đề hạn, mặn cho người dân. Ông đề xuất:

“Thứ nhất, hỗ trợ về tài chính cho nông dân để họ khởi nghiệp, chuyển đổi sinh kế mới. Thứ hai, hỗ trợ về công nghệ, tức là hướng dẫn rồi khuyến nông và thí điểm…v.v. Thứ ba là hỗ trợ về thể chế, nghĩa là tạo thành cơ cấu có tính chất khép kín để giúp người nông dân có được đầu ra, như là giúp người nông dân về khâu sản xuất có một liên kết nào đó để hỗ trợ lẫn nhau. Cái cuối cùng là hỗ trợ về sở hụi, nghĩa là người nông dân khi họ nhìn vào số đông thì họ dễ tin tưởng hơn là chỉ đưa ra nghị quyết hay đưa ra hướng dẫn, thành ra phải làm sao đó để tạo ra một phong trào.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng các nhà khoa học hiện vẫn đang loay hoay về chuyện làm gì, giải pháp nào để giảm việc khai thác nước ngầm và trữ nước ngọt cho Đồng Bằng Sông Cửu Long:

“Hiện nay vấn đề thực hiện quy hoạch trong đó có quy hoạch vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030 đang trong quá trình xây dựng. Tôi cho một đầu tiên làm là phải có quy hoạch rất hợp lý cho Đồng Bằng Sông Cửu Long. Từ quy hoạch đó thì mới đưa ra các giải pháp cụ thể. Thành ra tôi cho rằng bây giờ đặt vấn đề này như một vấn đề rất nghiêm túc mà Việt Nam phải làm và phải được thể hiện trong quy hoạch vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long mà hiện nay Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang chủ trì bản quy hoạch này.”

Quy hoạch Giáo sư Đặng Hùng Võ vừa nhắc đến được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư hoàn thiện và trình Thủ tướng trong quý IV/2020.

Báo Nhà nước Việt Nam trong ngày 25/9 dẫn thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đăng tải cho hay mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn cùng với lượng mưa thiếu hụt mạnh nên khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long có nguy cơ bị thiếu khoảng 130 tỷ m3 nước.

Với vị trí địa lý nằm ở khu vực hạ lưu các con sông lớn, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường vào ngày 17/8 cho hay 63% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào hoạt động của các quốc gia thượng nguồn, trong đó Trung Quốc là tác nhân có khả năng khống chế nhiều nhất.

Related posts