Tờ Nhật Báo Đức, TAZ, ngày 15 tháng 9 đưa tin trên báo mạng cũng như báo in về bản án tử hình đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức, hai anh em chịu mức án nặng nhất trong 29 người bị xét xử trong vụ lực lượng cảnh sát tấn công dân xã Đồng Tâm. Đặc biệt, bài báo TAZ đã đặt câu hỏi về nguồn gốc của khẩu súng dùng để giết cụ Lê Đình Kình, cha của ông Công và Chức, trong phòng ngủ của ông rạng sáng ngày 9/1/2020.
Tờ TAZ trích dẫn luật sư phát biểu tại phiên tòa rằng cụ Kình “đã bị sát hại bởi những phát súng từ súng tiểu liên loại MP5 của cảnh sát nhắm vào cụ. Điều này cũng đã được chứng minh bằng vỏ đạn từ hiện trường vụ án. Nhà sản xuất MP5 là công ty vũ khí Đức Heckler & Koch.”
Ông Lê Trung Khoa, tổng biên tập của báo mạng ThờiBáo.de, từ Berlin cho biết:
“Sau khi tờ TAZ biết được thì họ đã hỏi hãng sản xuất đó tại sao lại bán cho Việt Nam, và nếu không bán thì tại sao Việt Nam có? Thì hãng trả lời họ không hề bán một khẩu súng MP5 nào cho Việt Nam trực tiếp, vì Việt Nam là một nhà nước vi phạm nhân quyền và họ không được phép bán. Nhưng họ có công nhận rằng, họ có bán cho một số nước bản quyền để sản xuất MP5, nhưng với lý do chỉ được sản xuất cho nội địa thôi, không được xuất khẩu”.
Sau vụ Đồng Tâm, họ phát hiện, hóa ra là trang thiết bị quân sự của Đức đã được trang bị cho cảnh sát cơ động và đã dùng lâu nay. Và không biết họ đã đàn áp bao nhiêu vụ, bắn chết bao nhiều người nữa. -Ông Lê Trung Khoa
Theo tờ TAZ những khẩu súng MP5, có thể nhập vào Việt Nam từ quốc gia thứ ba một cách bất hợp pháp, vì trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Heckler & Koch được cho phép cấp bản quyền sản xuất súng MP5 cho 6 quốc gia.
Báo TAZ đặt câu hỏi với công ty Heckler & Koch, liệu súng MP5 nhập vào Việt Nam đã vi phạm bản quyền thỏa thuận của Đức với các quốc gia thứ ba. Phát ngôn nhân ông Marco Seliger trả lời rằng, “Giấy phép luôn phải tuân thủ theo các điều kiện đặc biệt do Chính phủ Liên bang Đức áp đặt, bao gồm lệnh cấm chuyển giao hoặc xuất khẩu“. Giấy phép chỉ cho phép sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước mà thôi, không được phép xuất khẩu, bài báo nói tiếp.
Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết:
“Tôi cũng tìm hiểu những thông tin của tổ chức chuyên thống kê về buôn bán vũ khí trên thế giới. Đặc biệt có tài liệu của Liên Hiệp Quốc, và tôi đưa lên tờ báo, thấy rằng Việt Nam từ những năm nhập lô đầu tiên đã nhập hơn 900 khẩu súng MP5 từ Đức. Tuy nhiên họ không nhập qua đường Đức, mà lại nhập qua đường Pakistan, hoặc qua đường Thổ Nhĩ Kỳ.”
Qua những bài viết, ThờiBáo.de dẫn nguồn từ số liệu của cơ quan đăng ký vũ khí của Liên Hiệp Quốc (UNROCA) nêu rõ vào năm 2016 Thổ Nhĩ Kỳ đã bán cho Việt Nam 915 khẩu súng MP5, phiên bản A3. Khẩu súng MP5 là súng tiểu liên 9 mm do Đức thiết kế vào thập niên 1960 bởi nhóm kỹ sư thuộc hãng Heckler & Koch của Tây Đức.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, liệu súng do Đức sản xuất đã được chuyển qua một quốc gia thứ ba sang Việt Nam, Bộ Ngoại giao Đức không xác nhận điều này. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Đức qua điện thư gửi Đài Á Châu Tự Do nêu rõ:
“Chính phủ Liên bang theo đuổi chính sách xuất khẩu vũ khí hạn chế và có trách nhiệm. Chính phủ Liên bang quyết định việc cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho từng trường hợp, tùy theo tình hình tương ứng sau khi xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng chính sách an ninh và đối ngoại. […] Trong quá trình ra quyết định, sự tôn trọng nhân quyền ở nước tiếp nhận đóng vai trò quan trọng. Nếu có đủ nghi vấn rằng vũ khí được giao bị sử dụng để trấn áp nội địa hoặc cho các hành vi vi phạm nhân quyền dài hạn và có hệ thống khác, thì việc cấp giấy phép trên cơ bản sẽ không được chấp thuận.”
Bộ Ngoại giao Đức không bình luận về nguồn gốc của khẩu súng dùng để sát hại cụ Kình.
Tại phiên xét xử vụ án Đồng Tâm, nhân chứng, cũng là bị cáo, Ông Bùi Viết Hiểu xác minh về loại súng, khi ông nói người bắn đứng trước cụ Kình khoảng một mét, nòng súng “to như cổ tay”, nhắm thẳng vào ngực cụ Kình.
Nhà báo Lê Trung Khoa nói thêm: “Không hiểu vì sao Việt Nam lại nhập được 1.000 khẩu súng MP5 với danh sách rõ ràng giấy trắng mực đen mà Liên Hiệp Quốc có thống kê. Ngoài ra con số súng mà không được thống kê, tôi nghĩ rằng còn gấp nhiều lần như thế. Cái đó phía Đức hoặc phía Châu Âu họ cũng phải tìm hiểu dần dần những thông tin đó từ đâu ra và số lượng thế nào về Việt Nam.”
Nhiều người Việt tại Đức quan tâm vụ việc cho biết sau khi tờ báo TAZ đi tin, đã có rất nhiều người Đức quan sát tình hình Việt Nam tỏ vẻ bất bình và phản đối việc bán súng hoặc bán công nghệ để giết người cho những nước độc đảng như Việt Nam.
Bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, không riêng gì người Việt Nam tại Đức bức xúc trước hiện tượng này:
“Thứ nhất, nước Đức là nước pháp quyền. Mọi hành sự của chính phủ Đức dựa trên căn bản pháp lý. Thứ nhì, ngoài rà nước Đức còn là chế độ đa nguyên. Những việc làm của chính phủ Đức đều bị giám sát bởi các đảng đối lập. Cho đến bây giờ, Đảng Xanh, đại diện là bà Katja Keul, đã lên tiếng đầu tiên với tờ báo TAZ. Bà nói rằng, chính phủ Đức phải xem xét lại việc cấp phép, sản xuất súng Đức ngoài nước Đức, vì người ta không thể lúc nào cũng kiểm soát được toàn bộ vũ khí sẽ được bán đi đâu. Khi báo chí đặt vấn đề, về khẩu súng bắn chết cụ Lê Đình Kình do Đức sáng chế, có lẽ trong thời gian tới các đảng đối lập sẽ chất vấn chính phủ Đức về vấn đề này”.
Khi báo chí đặt vấn đề, về khẩu súng bắn chết cụ Lê Đình Kình do Đức sáng chế, có lẽ trong thời gian tới các đảng đối lập sẽ chất vấn chính phủ Đức về vấn đề này. – Bs Hoàng Thị Mỹ Lâm
Bs Mỹ Lâm nói dư luận tại Đức vốn đã chú ý đến những vi phạm pháp luật từ phía chính phủ Việt Nam:
“Quan trọng không kém, là Đại tướng Công an Tô Lâm, là một nhân vật đang bị tòa án Đức truy tố trong việc chủ mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào tháng 7 năm 2017. Bản án truy tố Tô Lâm còn nằm đó, nay Tô Lâm lại nhúng tay vào việc điều 3 ngàn cảnh sát cơ động trang bị vũ khí có nguồn gốc công nghệ của Đức, đặc biệt vũ khí được mua trái phép để giết hại người dân trong nước. Thì đây là một hành động tội ác của Tô Lâm đối với chính phủ Đức. Và quan hệ ngoại giao giữa Đức với Việt Nam vì cộng sản Việt Nam dùng vũ khí Đức, thì có thể đó là một lý do để chính phủ Đức mạnh miệng can thiệp vì lý do nhân đạo vào quá trình tố tụng tại Việt Nam, đặc biệt vào sự việc minh bạch và công bằng cho người dân Việt Nam. Và có thể họ đề nghị hủy án xử tử cho những người con Lê Đình Kình”.
Tổng biên tập Thời Báo Lê Trung Khoa nói, sự kiện súng Đức dùng để sát hại một cụ già sẽ không phải là một trường hợp riêng lẻ dễ dàng mở rồi đóng.
“Sau vụ Đồng Tâm, họ phát hiện, hóa ra là trang thiết bị quân sự của Đức đã được trang bị cho cảnh sát cơ động và đã dùng lâu nay. Và không biết họ đã đàn áp bao nhiêu vụ, bắn chết bao nhiều người nữa”.
Ông nói thêm:
“Cứ tưởng chừng thì nó là việc nhỏ, nó không lớn lắm với cả hơn 1.000 súng. Nó không phải là số lượng nhiều đối với cả số lượng súng nhập hàng ngày, hàng tháng về Việt Nam. Thế nhưng nó lại đánh dấu, Việt Nam làm vậy rõ ràng có một hình thức nhập khẩu và tiêu thụ súng đạn bất hợp pháp … Và tôi biết được, có những cơ quan trách nhiệm, thậm chí cơ quan tình báo của Đức, của một số nước theo dõi. Với uy tín trên thị trường quốc tế, đầu tiên là Việt Nam sử dụng vũ lực để tấn công một cái làng trong đêm khi người dân đang ngủ là sai trái. Đồng thời dùng vũ khí mua lậu. Thì những người mua bán, nhũng công ty kinh doanh vũ khí sẽ dè chừng với Việt Nam. Tất nhiên nó sẽ làm suy yếu việc Việt Nam tiếp cận với những vũ khí hiện đại của phương Tây trong thời gian tới. Vụ này mới bắt đầu thôi, có thể vào Quốc Hội Đức, vào Hội Nghị Châu Âu”.
Bs Hoàng Thị Mỹ Lâm cho biết Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Đức đang chuẩn bị một lá thư yêu cầu Bộ Ngoại giao Đức làm sáng tỏ vụ việc này. Đồng thời, Liên Hội đưa ra 5 yêu cầu đối với chính phủ Việt Nam. Thứ nhất yêu cầu tòa án Hà Nội phải xét xử minh bạch và công bằng; tiếp đến phản đối việc tra tấn dã man các tù nhân, đặc biệt 15 người Đồng Tâm trong tù hiện nay; phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức; chính phủ phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định EVFTA; thứ năm yêu cầu thực thi việc thực nghiệm hiện trường vụ án Đồng Tâm để xác định sự minh bạch và công bằng cho những người đang bị xử án.
Bà nói thêm rằng vụ Đồng Tâm là một vụ tranh chấp đất đai giữa nhà nước và dân. Việc tranh chấp đưa đến sự việc giết cụ già 84 tuổi và tử hình hai người con là vi phạm nhân đạo và nhân quyền được qui định theo EVFTA.