Tân Thủ tướng Nhật chuẩn bị thăm Việt Nam, người Việt tại Nhật tuyệt thực

Tối thứ Sáu ngày 16 tháng 10, vào khoảng 18 giờ đêm, trước dinh Thủ tướng Suga Yoshihide, bên cạnh nhà Quốc Hội Nhật bản, giữa những tòa nhà lầu cao ốc của khu phố Chiyoda của thủ đô Tokyo, vài chục người Việt đã tụ tập tại đây. Với người đi qua lại, cảnh sát Nhật quan sát, họ đã dừng lại đứng thành một hàng. Hình ảnh đăng trên Facebook cho thấy họ cầm băng rôn, biểu ngữ.

Một bạn trẻ không muốn nêu danh vì lý do an ninh chia sẻ với phóng viên Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại: “Tụi em tuyệt thực từ 18 giờ hôm nay đến 18 giờ hôm sau là 24 tiếng. Hiện tại có rất nhiều người trẻ ở đây”.

Đoàn tuyệt thực mỗi người trong tay một bức ảnh phóng to, họ đưa lên cao cho người đi ngang thấy rõ.

Có ảnh của ông Trịnh Bá Phương, dân oan Dương Nội vừa bị bắt ngày 24/6 sau khi đưa tin về lực lượng cảnh sát tấn công xã Đồng Tâm hồi đầu năm vì tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân.

Người biểu tình cũng mang ảnh của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người đang tuyệt thực trong lúc thụ án 16 năm tù vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

000_AL0DK.jpg
Chánh văn phòng chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga tham dự phiên họp Ủy ban ngân sách của Hạ Nghị Viên tại Tokyo vào ngày 13 tháng 5 năm 2016.
AFP PHOTO

Ngoài ra còn có ảnh của các tù nhân lương tâm khác như ông Lê Đình Lượng – người đang thụ án tù 20 năm, và nhà báo Phạm Đoan Trang, người vừa bị bắt giữ hôm 6/10 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

Bạn trẻ ẩn danh nói với Đài Á Châu Tự Do: “Tụi em đang ở trước dinh thủ tướng, hiện là hơn 10 giờ tối, mọi người đang đứng ở ngoài dưới cơn mưa. Mùa thu ở Nhật cũng rất lạnh. Mọi người không có gì che chắn hết, đang chịu lạnh để nói lên nguyện vọng của mình. Em cũng thấy hiện đang có người Nhật đi qua, hỏi sự việc gì, và mọi người giải thích tại sao mình có mặt tại đây”.

Người phụ nữ này cho biết chị là kỹ sư sống ở Tokyo được gần 7 năm rồi. Chị chia sẻ lý do chị quyết định tham gia đoàn tuyệt thực hôm nay:

Em cũng tình cờ đọc bài post về tuyệt thực trên Facebook. Em nghĩ thực sự Nhật và Việt Nam có những quan hệ rất là gắn bó về cả kinh tế lẫn chính trị. Hiện tại Thủ tướng Suga mới lên nhân chuyến công du đầu tiên đến Việt Nam, em muốn là thủ tướng phải đưa ra vấn đề nhân quyền đến Việt Nam. Phải có một sự cải thiện về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/10 cho biết Thủ tướng Nhật sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm “tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản; trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, hợp tác nguồn nhân lực, giáo dục-đào tạo, văn hóa”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không đề cập đến vấn đề nhân quyền và nhiều nhà phân tích cũng không cho nhân quyền là vấn đề hàng đầu của Nhật trong quan hệ đối tác.

Nhưng đối với những người có mặt trước dinh thủ tướng vào tối thứ Sáu thì nhân quyền là quan tâm của nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước.

Anh Lê Đạt, kỹ sư đã sống và làm việc ở Nhật 8 năm nay nói lên những yêu cầu của người Việt tại Nhật:

Có 5 điều mà qua cuộc tuyệt thực này em muốn đưa đến Thủ tướng Suga và chính quyền Việt Nam. Thứ nhất là  Xóa bỏ tất cả bản án phi lý trong thời gian gần đây, ví dụ như bản án đối với dân làng Đồng Tâm và bồi thường mọi thiệt hại vật chất lẫn tinh thần cho họ. Thứ hai là sự đàn áp tôn giáo, ví dụ mọi hành vi sách nhiễu, hành động chiếm đất và rừng thông tại Đan Viện Thiên An và nhiều cơ sở tôn giáo trên cả nước. Thứ ba, trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm và nhà báo độc lập tại Việt Nam trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang. Điều thứ tư là chấp nhận thể chế đa đảng như Nhật bản và các nước tiến bộ để thực hiện tự do dân chủ. Có cái đó chúng ta mới trở thành người bạn tin cậy của thế giới văn minh. Cuối cùng, đồng tiền thuế xương máu của nhân dân Nhật Bản phải được sử dụng cho các dự án mang lại phát triển bền vững mà người Việt Nam đáng lẽ được nhận.. thay vị có nhiều tham nhũng… Đặc biệt là người dân miền trung gặp nhiều cơn bão mà không bao giờ nhận được tiền hỗ trợ”.

Việt Nam đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, như Amnesty International, tổ chức Phóng viên Không biên giới lên án vì các vi phạm nhân quyền. Theo tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 261 tù nhân lương tâm.

Quan ngại về tham nhũng

Ngoài những vi phạm về nhân quyền, các bạn trẻ ở đây cũng nhắc đến nhiều trường hợp tham nhũng ở Việt Nam mà họ nói người Nhật cần phải biết đến liên quan đến các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển từ Nhật Bản.

Hiện Nhật Bản là nước đứng đầu thế giới về cung cấp các khoản vốn hỗ trợ phát triển ODA. Theo Donortracker, năm 2018, Việt Nam nhận 673 triệu đô la vốn ODA từ Nhật, trong đó 67 triệu là viện trợ không hoàn lại, và 606,9 triệu là vốn vay.

Người nữ kỹ sư giấu tên nói: “Nhật hy vọng muốn giúp Việt Nam phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, nhưng ở Việt Nam thì mọi người thấy là người dân không nhận đúng những gì Nhật đã bỏ ra. Chính phủ Nhật cần suy xét, hiệu quả có như họ mong muốn không”.

Năm 2015, Nhật Bản đã ngưng cấp khoản vốn ODA 41 triệu Mỹ kim cho dự án đường sắt Hà Nội vì tư vấn giao thông công ty JTC của Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam để nhận hợp đồng.

Đối với người đi đường khu phố Chiyoda cuối tuần này, những người tuyệt thực đêm nay đã có dịp trình bày thêm. Họ nói với số lượng người Việt Nam du học và thực tập tại Nhật gia tăng trong những năm qua, người Nhật cũng đã quan tâm nhiều hơn về những vấn đề xã hội và nhân quyền ở Việt Nam. Tỷ lệ người Việt tại Nhật đã gia tăng rất nhanh trong những năm gần đầy, từ con số hàng chục ngàn xuất phát từ cộng đồng tị nạn sau năm 1975, theo thống kê của Bộ Tư Pháp Nhật mới đây, con số  người Việt ở Nhật hiện lên trên 300.000 người.

“Mỗi khi họ bước vô tù, em nghĩ cả thân xác và tinh thần họ bị tra tấn rất nhiều, mà người ta vẫn can đảm đứng ra đấu tranh cho Việt Nam. Bản thân em nói về sự ngưỡng mộ những người đó. Và em muốn nói lên cái sự hổ thẹn của mình. Em vẫn chưa có thể làm được như những người đó.  Em muốn làm cái việc (tuyệt thực) này để bớt một phần nào sự hổ thẹn của mình”. -Nữ kỹ sư Việt sống tại Tokyo

Nhưng liệu thông điệp được truyền qua hình ảnh và loa trước dinh thủ tướng Suga có đến được tai ông không? Anh Lê Đạt nhận xét:

Từ trước đến giờ em cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình, và bây giờ là cuộc tuyệt thực này. Cái việc bây giờ thông điệp có đến với những người đó hay không đối với em không quan trọng. Nhưng trước tiên nó phải bắt nguồn từ chúng ta – những người bạn trẻ – càng ngày càng đông thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ đạt được. Nếu chúng ta chỉ ngồi đây mong rằng, mong rằng, mong rằng… mà không làm thì sẽ không bao giờ đạt được. Vì vậy trước tiên em muốn các bạn trẻ hành động đã, còn đạt được hay không là việc khác”.

Người nữ kỹ sư ẩn danh nói hành động tuyệt thực là để nhắc nhở với chính mình về nhiệm vụ của một công dân Việt Nam:

Gần đây chị Đoan Trang bị bắt… Mỗi khi họ bước vô tù, em nghĩ cả thân xác và tinh thần họ bị tra tấn rất nhiều, mà người ta vẫn can đảm đứng ra đấu tranh cho Việt Nam. Bản thân em nói về sự ngưỡng mộ những người đó. Và em muốn nói lên cái sự hổ thẹn của mình. Em vẫn chưa có thể làm được như những người đó.  Em muốn làm cái việc (tuyệt thực) này để bớt một phần nào sự hổ thẹn của mình”.

Những người trẻ này nói việc tuyệt thực của họ chỉ là một hành động nhỏ so với những hy sinh của người đấu tranh cho nhân quyền trong nước. Nhưng nếu họ không làm thì không ngẩng mặt được với bạn mình và với chính mình. Và cho dù không trực tiếp tác động đến chính quyền Việt Nam được, họ tin rằng ảnh hưởng gián tiếp của buổi tuyệt thực được tổ chức nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật sẽ làm cho nhiều người biết về tình trạng thiếu nhân quyền ở Việt Nam.

Related posts