Trong buổi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Xử lý vi phạm hành chính của Quốc hội diễn ra sáng 22/10, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kontum Tô Văn Tám đề nghị bổ sung chế tài xử lý hành vi xúc phạm Đảng kỳ để đảm bảo tính răn đe.
Theo báo Nhà nước, nguyên nhân được Tô Văn Tám cho hay “Đảng kỳ, Quốc kỳ là những biểu tượng thiêng liêng của Đảng, Nhà nước, trên thực tế có những hành vi xúc phạm Đảng kỳ rất nghiêm trọng, họ đặt Đảng kỳ xuống đất dẫm, đạp, chửi rồi quay clip tung lên mạng. Do đó cần bổ sung để xử lý đảm bảo tính răn đe”.
Từng giữ chức Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông cho rằng đề nghị của Đại biểu quốc hội Tô Văn Tám rất đúng đắn và sẽ được toàn dân ủng hộ. Ông nói:
“Vấn đề quốc huy, quốc kỳ, cũng như đảng kỳ là các biểu tượng linh thiêng của một đất nước, một tổ chức chính trị, một quốc gia đã được Hiến pháp quy định thì bất kỳ công dân hay tổ chức ở một quốc gia nào cũng phải tôn trọng. Vì đã được Hiến pháp quy định, công dân vi phạm Hiến pháp, pháp luật phải bị xử lý.”
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành luật, Luật sư Ngô Anh Tuấn, công ty luật ATN, nhận định với RFA vào tối 22/10 như sau:
“Tôi nghĩ rằng cái này hơi thái quá vì xưa nay cho dù Đảng Cộng sản được Hiến pháp chọn là đảng lãnh đạo, tuy nhiên đề xuất trước đây cho dù từ thời thành lập đảng đến giờ thì tôi chưa bao giờ thấy người nào có ý tưởng tôi nghĩ là nó kỳ quặc đến thế. Cho dù là một tổ chức chính trị lãnh đạo nhưng nó cũng chỉ là một tổ chức chính trị mà thôi chứ không thể đứng ngang hàng với Quốc kỳ được. Tôi nghĩ về Đảng kỳ nếu họ quy định như thế thì rất không nên và đáng chê trách.”
Chính phủ Hà Nội quy định tội xúc phạm quốc kỳ, quốc huy tại điều 276 Bộ Luật Hình sự. Nếu bị kết tội, hình phạt từ bị cảnh cáo đến cải tạo không giam giữ cao nhất là ba năm hay phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Đồng quan điểm Luật sư Ngô Anh Tuấn vừa nêu, Tiến sĩ Đinh Đức Long, Bác sĩ quân đội, một đảng viên đã từ bỏ đảng lập luận:
“Cờ đảng chỉ đại diện cho mấy triệu đảng viên thôi, còn cờ tổ quốc đại diện cho cả đất nước. Khi nguyên thủ các nước khác làm việc thì chỉ làm việc với cờ tổ quốc, quốc gia chứ làm gì có cờ đảng. Đảng đã không có luật còn làm thế nhiều khi là hỗn láo với đất nước, dân tộc vì đảng làm sao ngang hàng với đất nước, dân tộc được, đảng từ đất nước, dân tộc sinh ra chứ.”
Nói rõ hơn về suy nghĩ của mình đối với đề xuất của Đại biểu Quốc hội tỉnh Kontum, Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng ông Tô Văn Tám nên đề nghị có luật về đảng trước khi đề nghị bổ sung chế tài xử lý hành vi bị cho là xúc phạm đảng kỳ. Bác sĩ Long tiếp lời:
“Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động ngoài vòng pháp luật, chưa có luật về đảng thì làm sao đề nghị xúc phạm đảng kỳ được. Trước hết ông ta nên đề nghị Quốc hội ban hành đạo luật về phạm vi thẩm quyền hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi có luật về đảng thì chuyện đảng kỳ có bị xúc phạm hay không phải nằm trong bộ luật ấy thì mới là căn cơ, là đúng. Chưa sinh cha mà đã sinh con, sinh cháu là thế nào? Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động gần một thế kỷ nhưng chưa có luật, chỉ mỗi Điều 4 trong Hiến pháp quy định hoạt động xã hội của Hiến pháp, pháp luật chứ chưa có luật về đảng. An toàn vệ sinh thực phẩm có luật, tham nhũng có luật, giao thông vận tải cũng có luật mà đảng là lãnh đạo toàn diện triệt để mọi mặt cuộc sống, toàn diện đất nước mà chưa có luật. Đã không có luật thì hành động ấy là tùy tiện, không đúng, và vi phạm pháp luật.”
Trong khi đó, ông Lê Văn Cuông lại có góc nhìn khác về nội dung Bác sĩ Đinh Đức Long vừa nêu. Ông khẳng định:
“Hiện nay đối với thể chế của Việt Nam thì Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn đất nước, trong đó kể cả Hiến pháp hay pháp luật phải dựa trên quan điểm của đảng. Đảng lãnh đạo, chỉ đạo toàn xã hội trong có Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền đều phải thực hiện theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, được dựa trên cương lĩnh của đảng. Cái này là đặc thù của Việt Nam và được đại đa số công dân Việt Nam chấp nhận và đồng tình 90 năm qua, thành một lẽ sống của người Việt Nam.”
Nắm rõ quy định luật pháp hiện hành, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho hay:
“Hiến pháp có quy định Đảng Cộng sản lãnh đạo nhưng không có quy định nào ghi về Đảng kỳ bị xúc phạm, mai mốt chắc họ đưa Tổng Bí thư hay các chức danh khác không được xúc phạm. Sau này đảng lãnh đạo đó chắc không ai dám nhắc đến tên, không ai dám nêu tên, không ai dám chỉ trích nữa. Như vậy hoàn toàn đi ngược quy luật phát triển của xã hội. Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn không nên làm đối với một người là đại biểu quốc hội, đại diện cho quyền lợi của dân.”
Facebook cá nhân tên Kim Hoang vào ngày 23/7/2017 có đăng tải một đoạn video cho thấy cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam bị đốt trên đường phố Lê Duẩn tại Hà Nội.
Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy, người từng đốt cờ Đảng cộng sản Việt Nam đã bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa thi hành lệnh bắt tạm giam vào chiều ngày 24/6/2020. Nguyên nhân bắt bà Thúy được nói để điều tra hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật hình sự.
Cụ thể, bà Thúy bị phía Cơ quan an ninh điều tra cho rằng đã phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook với nội dung xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, 2 lần đốt cờ Tổ quốc, đốt cờ Đảng và dùng kéo cắt, đốt hình ảnh ông Hồ Chí Minh.