Chính phủ không tận thu
Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tài chính lần thứ V (giai đoạn 2021-2025), diễn ra vào hôm 31/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng “tỷ lệ thu ngân sách cao cho thấy người dân tín nhiệm Chính phủ mà ủy thác chứ không phải Chính phủ tận thu”. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý rằng “quản lý tài chính quốc gia không phải có tư duy thu càng nhiều càng tốt và nghĩ rằng phân bổ chỉ tiêu là sự ban phát”. “Do đó, Chính phủ, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm làm sao để những đồng tiền thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất”.
Chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Trí Hiếu, vào tối ngày 3/11 nêu quan điểm của ông liên quan lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Có những thôn, xã, tỉnh nghèo muốn chết mà dựng những tượng đài thiệt to vài chục tỷ đồng hoặc một vùng cần đất cho người dân trồng trợt thì lại quy hoạch để xây cổng với 8 chữ vàng, mấy chục tỷ. Xây dựng như vậy để làm gì? Đồng thuế của người dân thì ai chứng minh được tiêu xài đúng? Cứ dự kiến vài chục tỷ thì phát sinh thêm vài chục tỷ, dự kiến vài trăm tỷ thì phát sinh gấp đôi vài trăm tỷ đó. Như vậy, sử dụng tiền thuế của người dân đúng chưa?
-Bà Nguyễn Thị Ba
“Chính phủ Việt Nam hay bất cứ chính phủ nào cũng vậy, khi nói đến vấn đề đóng thuế của người dân thì họ đều tuyên bố đó là trách nhiệm của người dân và việc người dân đóng thuế là điều đương nhiên để đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Chính vì thế mà không có chính phủ nào, kể cả Chính phủ Việt Nam nói rằng chúng tôi đang tìm cách tận thu, khai thác triệt để hoặc là vắt kiệt sức tài chính của người dân của mình. Thế thì, việc Chính phủ Việt Nam tuyên bố đây là một trách nhiệm xã hội và người dân cảm thấy có trách nhiệm đóng góp chứ không phải là sự tận thu của Chính phủ thì cũng đúng. Tuy nhiên, không phải người nào cũng nghĩ như vậy cả.”
Về yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính phải có trách nhiệm chi tiêu những đồng tiền thuế của dân một cách hiệu quả và thiết thực nhất, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định:
“Đó là sự kêu gọi. Chẳng phải Chính phủ Việt Nam mà chính phủ nào cũng kêu gọi các bộ, ngành phải sử dụng đồng tiền của người dân đóng thuế một cách hiệu quả nhất. Thế thì đó là khẩu hiệu, một sự hô hào nhưng trên thực tế thì rất nhiều đòng tiền thuế của người dân không những ở Việt Nam mà ở Mỹ hay ở các quốc gia khác có những sự lãng phí trong đó.”
Thực tiễn thế nào?
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào đầu tháng 9, dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho thấy tổng số nợ thuế tính đến ngày 31/8/2020 vẫn có xu hướng tăng so với cuối năm 2019.
Lũy kế thu ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2020 được ghi nhận ước đạt gần 882 tỷ đồng, tương đương hơn 58% dự toán, giảm 12,4% so cùng kỳ năm 2019.
Bộ Tài chính cho biết mức giảm thu diễn ra ở nhiều địa phương và chủ yếu ở các khoản như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt. Một số địa phương bị tiến độ thu thấp dưới 55% dự toán như: TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Vĩnh Phúc…
Phó chánh Văn phòng Tổng cục Thuế, thuộc Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đức Huy được báo giới dẫn lời rằng thu ngân sách gặp khó khăn là do dịch COVID-19 đã tác động đến hầu hết ngành nghề, lĩnh vực. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các gói giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị tác động của dịch bệnh, hỗ trợ người nộp thuế gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6/2020…
Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý của một công ty tư nhân, có trụ sở ở Sài Gòn lên tiếng với RFA:
Chính phủ Việt Nam hay bất cứ chính phủ nào cũng vậy, khi nói đến vấn đề đóng thuế của người dân thì họ đều tuyên bố đó là trách nhiệm của người dân và việc người dân đóng thuế là điều đương nhiên để đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Chính vì thế mà không có chính phủ nào, kể cả Chính phủ Việt Nam nói rằng chúng tôi đang tìm cách tận thu, khai thác triệt để hoặc là vắt kiệt sức tài chính của người dân của mình. Thế thì, việc Chính phủ Việt Nam tuyên bố đây là một trách nhiệm xã hội và người dân cảm thấy có trách nhiệm đóng góp chứ không phải là sự tận thu của Chính phủ thì cũng đúng. Tuy nhiên, không phải người nào cũng nghĩ như vậy cả
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu
“Qua dịch bệnh đợt 1, hình như đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ không nhận được sự trợ giúp nào hết. Những điều kiện cần và đủ kèm theo thì doanh nghiệp không đạt được nên họ không được cứu trợ. Đến dịch bệnh đợt 2, những doanh nghiệp vừa và nhỏ; nếu có xem tin tức trên báo chí thì thấy được tình hình người ta nộp đơn xin giải thể. Qua đó, có thể đánh giá được doanh nghiệp tự nguyện đóng thuế để tồn tại hay không hay họ hào hứng, nhiệt tình không trốn thuế mà đóng thuế một cách tự nguyện? Với đánh giá như thế thì câu nói và thực tế chứng minh có khớp nhau hay không?”
Báo giới cũng từng phản ánh nhiều doanh nghiệp kêu ca rằng họ không thể tiếp cận các gói hỗ trợ, vì “khó như lên trời”.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu ghi nhận tất cả 4 gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp bao gồm 300 nghìn tỷ, 189 nghìn tỷ, 62 nghìn tỷ và 18 nghìn tỷ đều chưa đạt được hiệu quả trong thực tế.
“Tất cả những gói hỗ trợ đó chưa được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Và chính vì thế, tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam cần làm trong hai tháng cuối của năm 2020 là những gói hỗ trợ đó cần được tăng tốc giải ngân để giúp cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó gồm các doanh nghiệp trong những lĩnh vực như du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng…Tất cả những doanh nghiệp bị tác động mạnh bởi dịch bệnh để họ có thể sống sót và chống cự lại khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gây ra và họ tồn tại để có thể đóng góp cho phát triển kinh tế, khi dịch bệnh qua đi.”
Đài RFA ghi nhận giới chuyên gia, như tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu không ít lần đưa ra các đề xuất với Chính phủ Hà Nội làm thế nào để chi ngân sách giúp cho các doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Thế nhưng, trong thực tiễn thì nhiều doanh nghiệp cho biết rằng không những họ không được hỗ trợ mà còn bị tình trạng không đóng thuế thì bị tính thuế lũy tiến và vẫn phải nộp phạt một khi bị truy thuế.
Việc nộp ngân sách là như vậy, còn về việc chi ngân sách nhà nước thì ngay như tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu và bà Nguyễn Thị Ba đều trưng dẫn những công trình, dự án công chẳng hạn đường sắt Cát Linh hay tình trạng thành phố bị ngập lụt sau những trận mưa lớn cứ kéo dài mãi mà không biết đến bao giờ mới xong.
Bà Nguyễn Thị Ba nói thêm với RFA:
“Có những thôn, xã, tỉnh nghèo muốn chết mà dựng những tượng đài thiệt to vài chục tỷ đồng hoặc một vùng cần đất cho người dân trồng trợt thì lại quy hoạch để xây cổng với 8 chữ vàng, mấy chục tỷ. Xây dựng như vậy để làm gì? Đồng thuế của người dân thì ai chứng minh được tiêu xài đúng? Cứ dự kiến vài chục tỷ thì phát sinh thêm vài chục tỷ, dự kiến vài trăm tỷ thì phát sinh gấp đôi vài trăm tỷ đó. Như vậy, sử dụng tiền thuế của người dân đúng chưa? Từ làng, xã, huyện, quận, tỉnh thì chỗ nào cũng có các ban bệ hành chính đều xây nhà lầu lực lượng để cho người ta thấy tỉnh nhà giàu. Nhưng trong khi đó, người dân bỏ đất, bỏ nhà chen chúc lên thành phố để bán vé số, để đi đánh giày, để rửa chén hoặc chen nhau đi xuất khẩu lao động làm những công việc cực nhọc ở Trung Quốc, Hàn Quốc…mà tại tỉnh nhà xây lên như thế đâu phải để tiếp dân đâu.”
Hồi trung tuần tháng 8/2018, báo giới quốc nội loan tin nhiều lãnh đạo sở ngành tỉnh Đồng Tháp không tiếp dân suốt hơn 5 năm.
Dư luận trong nước mấy tuần qua chỉ trích Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã chi tiêu tiền thuế của dân vào những việc vô bổ như xây tượng đài và cổng chào thay vì mua sắm các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn trong bối cảnh miền Trung bị lũ lụt nghiêm trọng, đã lấy đi ít nhất 130 sinh mạng đồng bào.