Tách Luật Giao thông Đường Bộ thành 2: liệu có cần thiết?

Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 11/11 đã tiến hành thảo luận tổ về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Báo Nhà nước Việt Nam trong cùng ngày đưa tin dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích về những tác động tích cực khi tách thành 2 luật như vừa nêu.

Cụ thể, theo người đứng đầu Bộ Công an, nếu tách 2 luật từ Luật giao thông đường bộ sẽ giải quyết 2 vấn đề rất quan trọng bức xúc trong xã hội hiện nay là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ và giải quyết trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Ngoài ra, ông Bộ trưởng Tô Lâm còn cho biết khi tách 2 luật này sẽ không nảy sinh nhân sự mới, bộ máy mới mà còn rút gọn, thậm chí người làm nhiệm vụ trên mặt đường sẽ giảm.

Lời ông Bộ trưởng Bộ Công an được báo trong nước trích nguyên văn cho biết: “Tôi nghĩ đã quy định thế này thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông đi hoạt động trên mặt đường nữa. Bộ Giao thông – Vận tải có đề nghị chúng tôi nếu giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thì đề nghị nhận cho 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho tôi chỉ tiêu này”.

1111f.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong phiên họp 11/11/2020.
Nguồn: cand.com.vn

Nói rõ hơn về Luật Giao thông đường bộ hiện hành, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho hay:

“Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và các cá nhân để bảo đảm trạng thái giao thông có trật tự và đúng luật và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật, chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng, chuyển giao hạ tầng.”

Với kinh nghiệm trong ngành luật lâu năm, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng Luật Giao thông đường bộ hiện nay vẫn còn nhiều điểm thiếu sót, chưa có biện pháp giải quyết một số tai nạn giao thông đường bộ và chưa sát sao với tình hình thực tế hiện nay.

Vì vậy, ông đồng tình với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

“Giao thông là một lãnh vực phức tạp. Lần này tôi thấy điều chỉnh bố cục, nội dung một là hạ tầng giao thông, hai là người điều khiển giao thông, ba là phương tiện giao thông, thứ tư là quy tắc ứng xử. Trước đây có một bộ luật nên chưa rõ, chưa ai chịu trách nhiệm cái này nên trong quá trình xây dựng hai luật này thì Luật an toàn giao thông cần đi sâu vào quản lý con người, kể cả việc cấp sát hạch, đào tạo, đặc biệt việc sử lý vi phạm. Hai luật này đưa ra giải pháp để điều hành tránh ùn tắc giao thông, là trách nhiệm của ngành công an. Đặc biệt là khâu đào tạo các cấp bằng lái xe để tránh hiện tượng bằng giả, không đảm bảo và người điều khiển giao thông uống rượu sẽ giao Bộ Công an xử lý. Điều này tăng thêm trách nhiệm Bộ Công an trong lãnh vực trật tự an toàn giao thông. Tôi thấy rằng để đưa luật này vào cuộc sống sẽ giảm tối thiểu tai nạn và chấp hành giao thông.”

Trong khi đó, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn là có góc nhìn khác:

Minh họa: Cảnh sát giao thông tại Hà Nội.
Minh họa: Cảnh sát giao thông tại Hà Nội.
AFP

“Triết lý làm luật thì luật làm ra là để phục vụ xã hội, con người. Triết lý làm luật của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là không phục vụ xã hội, con người mà họ làm luật để thuận tiện cho họ trong việc quản lý. Chính triết lý trái khoáy này cho người dân thấy khi soạn luật thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không khoa học. Theo dõi cách làm luật này thì chính báo chí Việt Nam hiện nay cho thấy đã có sự bàn bạc, thỏa thuận giữa Bộ Giao thông – Vận tải và Bộ Công an và cả Chính phủ trước khi trình ra Quốc hội, tức thể hiện sự tương nhượng trong việc làm luật, đó là điều phản khoa học.”

Tại buổi thảo luận ngày 11/11, nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên tách thành hai luật được các đại biểu Quốc hội nêu ra. Đa số các đại biểu cho rằng cần làm rõ chính sách, nội dung luật, cũng như vai trò của Bộ Công an và Bộ Giao thông – Vận tải.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải thuộc đoàn Tiền Giang cũng cho rằng chính phủ Hà Nội nên mạnh dạn sửa Luật Giao thông đường bộ, điểm nào thiếu thì bổ sung, sao cho hoàn thiện, thay vì tính việc tách hay không tách luật này thành hai dự án luật mới. Ông cho rằng điều này hoàn toàn khả thi.

Vẫn theo ông Hải, ngành công an nên tập trung vào vấn đề trật tư an ninh xã hội, còn an toàn giao thông cứ để ngành giao thông đảm nhận.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhìn nhận:

“Trên thực tế Bộ Công an hiện nay thì vai trò, trách nhiệm của họ trong những tệ nạn xã hội quá kinh khủng từ ma túy buôn bán hàng tấn, xã hội đen đòi nợ thuê, băng nhóm giang hồ, cho đến đánh bạc online lên đến ngàn tỉ mà ngày chính những tướng tá của Bộ Công an cũng dính chàm. Thực tế đó tôi nghĩ Bộ Công an nên làm tròn bổn phận trước người dân. Bây giờ ôm đồm thêm chuyện tôi cho rằng vừa phản khoa học, vừa phi thực tế như vậy là không nên.”

Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng qua việc tách Bộ Luật giao thông làm hai như hiện nay cho thấy mong muốn thâu tóm thêm quyền lực của Bộ Công an, từ đó thể hiện rõ chế độ công an trị. Ông nói:

“Bây giờ họ tách ra như vậy bắt buộc người dân phải liên hệ tới chuyện cấp bằng lái xe cũng lại thụt lùi, tức giao về cho Bộ Công an cấp bằng. Như vậy tôi thấy ở đây là một cái có chủ ý tính toán của Bộ Công an để vận động Bộ Giao thông – Vận tải, vận động Chính phủ trao thêm quyền hành cho họ để họ thâu tóm quyền lực. Dẫn đến sự độc đoán thêm trong một xã hội cố gắng ngày càng để vai trò pháp trị đi lên mà không được, lại còn đi thụt lùi.”

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nếu dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thông qua sẽ nảy sinh thêm vấn đề:

“Trong trường hợp tách thành 2 luật như vậy thì trạm BOT cũng do hai nơi chịu trách nhiệm là Bộ Giao thông – Vận tải và Bộ Công an. Nó bật ra vấn đề Bộ Công an nghĩ gì về các trạm BOT hiện nay khi người dân phản ứng một cách dữ dội về việc khuất tất mà người ta gọi chung từ ‘BOT bẩn’. Đó là một điều rất đáng cho dư luận suy nghĩ và đặt vấn đề về tính trong sáng và tính khoa học khi tách thành hai Bộ luật riêng.”

Vào đầu tháng 2 năm nay, Bộ Công an đã trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV.

Theo thông tin được truyền thông Nhà nước Việt Nam đăng tải, phía Bộ Công an cho rằng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009 có những tích cực trong công tác thực hiện, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập, khó khăn. Nguyên nhân được nói là do những quy định trong hai lĩnh vực khác nhau lại gói gọn trong một đạo luật.

Related posts