Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, ông Trần Hồng Hà, tại buổi chất vấn ở Quốc Hội hôm 9/11, phát biểu rằng ô nhiễm là thực trạng chung với nguyên nhân chính là 60 đến 90% nguồn nước thải chưa qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường.
Nhà Nước Việt Nam đã đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng vào các trạm quan trắc môi trường tại Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình.. ông Trần Hồng Hà cho biết tiếp, nhưng để xử lý triệt để thì bài toán nằm ở chỗ làm sao kiểm soát được khối lượng nước thải trước khi xả ra môi trường.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ Thuật Nước và Công Nghệ Môi Trường, chuyện đã khó lại càng khó hơn khi thiếu một cơ chế giám sát trong đó cụ thể hóa vai trò kiểm soát của cộng đồng:
“Rác thải, nước thải nói chung là vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường, nó bao hàm rất rộng các stake holders các chủ thể khác nhau. Mỗi người phải chung tay chứ nói thì dễ nhưng làm thì khó lắm. Phải có cơ chế giám sát như thế nào, vai trò cộng đồng ra làm sao. Thí dụ như cống xả nước ngầm chỉ có dân chúng mới biết nhưng dân chúng lên tiếng với ai, kêu lúc nào”.
“Đã có Luật Bảo Vệ Môi Trường thì phải cụ thể hóa cho người dân tham gia. Qui trình ra làm sao, ai làm, ai giám sát, ai là người đi quan trắc, phân tích. Gọi là chỉnh chu, rõ ràng mà vật lực và nhân lực kiểm tra theo dõi thì còn thiếu nhiều lắm”.
Theo như lời ông Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường nói trước Quốc Hội, hiện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Bình Định là những địa phương đi đầu trong việc thu hồi các dự án xử lý nước thải chậm trễ, đồng thời thỏa thuận với chủ đầu tư để người dân tiếp cận biển.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh, ngành Khí Tượng Thủy Văn Đại Học Ukraine, từng giảng dạy tại Đại Học Tự Nhiên Hà Nội 10 năm, hiện là Giáo sư toàn thời gian tại Viện Kỹ Thuật Châu Á AIT ở Thái Lan, cho rằng nước thải sinh hoạt ở Việt Nam chưa được xử lý đúng nguyên tắc:
“Như Hà Nội có mấy cái nhà máy mà vẫn chưa xử lý được nước thải sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch. Miền Nam cũng có mấy nhà máy rồi. Việc thu gom để xử lý cũng là vấn đề lớn, rồi việc xử lý cho có hiệu quả nữa.Tuy là có nhà máy nhưng phải thu gom đủ nước để đưa về đấy. Phương pháp thì có nhưng phải đồng bộ hơn, phải quyết liệt hơn”.
“ Ngay ở Thái Lan cũng thế thôi, họ làm khá hơn mình một tí. Ví dụ như ở thành phố Hồ Chí Minh, kênh Nhiêu Lộc thì bây giờ khá hơn hẳn. Sông Tô Lịch ở Hà Nội bây giờ là cả vấn đề. Xử lý được sông Tô Lịch thì cảnh quan của Hà Nội sẽ rất thay đổi vì có hẳn một con sông đẹp trong thành phố”.
Thế nhưng kỹ thuật xử lý nước thải là một quá trình tốn kém, đòi hỏi phương tiện và trình độ chuyên môn cao, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Oanh giải thích:
“Tùy theo kỹ thuật mình chọn để xử lý, có thể là phương pháp lắng đọng bùn hoạt tính, xong rồi mới lấy phần bên trên đi xông khí cho vi sinh vật phát triển để ăn các chất ô nhiễm hữu cơ đi. Khi bùn sinh vật lắng xuống rồi phần nước trong ở trên đó mới được thải ra môi trường. Trước khi thải ra môi trường còn phải đo xem có đạt chỉ tiêu thải không, nguyên tắc là như thế”.
“Ở nhà mình thì mấy nhà máy vẫn chưa gom được nước thải đầu vào đều đặn, lúc nhiều quá lúc ít quá thì các vi sinh mình nuôi cấy để xứ lý nó chế mất. Nôm na là xử lý phải đồng bộ hơn nữa.”
Đó là nước thải sinh hoạt, còn nước thải công nghiệp thì sao, vẫn Giáo sư Kim Oanh:
“Nước thải công nghiệp trên nguyên tắc là phải xử lý, nhưng nhiều nhà máy đã thải chui. Dân kêu hôi thối, đến xem thì cả một dòng sông chết rồi vì nhà máy không xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn. Doanh nghiệp cần phải tự giác hoặc phải có quan trắc tự động 100%. Việt Nam mình lại rất nhiều nhà máy nhỏ, không thể nào trang bị quan trắc 100% được:,
“ Thật ra chỉ tiêu mình có, chính sách có, tất cả các thứ đều có và thậm chí cũng có đầu tư nhưng mà thi hành chưa hiệu quả. Ý thức tự giác quan trọng lắm, cả một sự đồng bộ về giáo dục, pháp chế, rồi thì chính sách, kinh phí. Xử lý thì phải quyết liệt”.
Nguyên nhân chính của tình trạng đáng báo động, 90% nước thải các loại xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý, là do quy hoạch phát triển các khu dân cư nông thôn và đô thị không có tầm nhìn về bảo vệ môi trường, nhận định của Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường:
“Tại hầu hết các khu dân cư nông thôn có xây dựng các cống thoát nước thải thay cho các rãnh thoát nước thải khi xưa, lưu lượng thoát lớn hơn nhưng vẫn phải đổ vào các hồ, đầm. ao, chuôm, mương, sông… Đối với các đô thị, các nhà đầu tư dự án phát triển nhà ở chỉ quan tâm tới diện tích sàn nhà để bán, hệ thống thoát nước cũng chỉ đủ để thoát vào hệ thống cống chung, mà hệ thống cống chung cũng không đủ rộng, lại đổ trực tiếp vào hệ thống sông đô thị. Đến nay, cống chung thoát không kịp gây ngập lụt đường đô thị”.
Hậu quả là gần như mọi sông đô thị đều đã chết hoặc trong trạng thái ngắc ngoải chờ chết, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ nói. Cải tạo lại toàn bộ hệ thống thoát nước đô thị sau một thời gian dài không quan tâm tới bảo vệ môi trường gần như là việc bất khả thi:
“Bất khả thi cả về kinh phí lẫn giải pháp kỹ thuật. Hà Nội hiện nay có tới gần 10 triệu dân kể cả người nhập cư không chính thức. Con số này của thành hố Hồ Chí Minh phải tới 15 triệu, trong khi hệ thống cống thoát nước vẫn từ thời gần 100 năm trước khi mỗi nơi chỉ hai ba triệu dân. Phát triển mở rộng quá mức mà hệ thống thoát nước không thay đổi gì. Lãnh đạo các nơi cũng đặt vấn tìm giải pháp, thử nghiệm nhưng đều bỏ dở, gần như chỉ để có làm và có tiêu tiền. Tôi tin rằng trong tư duy thật của họ là chờ các loại công nghệ hiện đại để không phải cải tạo mở rộng hệ thống thoát nước sinh hoạt”.
Đối với các đô thị, các nhà đầu tư dự án phát triển nhà ở chỉ quan tâm tới diện tích sàn nhà để bán, hệ thống thoát nước cũng chỉ đủ để thoát vào hệ thống cống chung, mà hệ thống cống chung cũng không đủ rộng, lại đổ trực tiếp vào hệ thống sông đô thị. Đến nay, cống chung thoát không kịp gây ngập lụt đường đô thị – TS. Đặng Hùng Võ
Đối với các cụm công nghiệp và làng nghề, câu chuyện xả nước thải trực tiếp ra môi trường lại liên quan đến trách nhiệm của các nhà đầu tư sản xuất. Theo Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, doanh nghiệp không muốn bỏ ra chi phí để xây dựng các trạm xử lý nước thải vì muốn lấy tiền đó làm lãi:
“Đây là một hành vi tham nhũng môi trường, lấy kinh phí phải chi cho môi trường làm của riêng. Kể cả các nhà đầu tư dự án phát triển nhà ở tại đô thị, họ cũng không chịu chi để giải quyết thay đổi hệ thống thoát nước đô thị. Bên cạnh đó, chính quyền các thành phố cũng không tập trung vào giải quyết triệt để vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt”.
Đầu tư thiếu trách nhiệm, quản lý thiếu trách nhiệm khiến người dân bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm nặng nề như hiện nay, nguyên thứ trưởng bộ Tài Nguyên & Môi Trường Đặng Hùng Võ kết luận.
RFA đã gọi về Sở Tài Nguyên Môi Trường Hà Nội để hỏi về biện pháp giải quyết nạn xả trực tiếp nước thải sinh hoạt ra môi trường. Câu trả lời của Sở Tài Nguyên &Môi Trường là không trả lời báo chí nước ngoài.
Một cư dân không muốn nêu tên ở Đồng Nai thì gợi ý là bây giờ dân có thể phản ảnh vấn đề liên quan lên chương trình “A Lô Chào Buổi Sáng” của đài truyền hình VTV. Đây là cách hay nhất để rộng đường dư luận về vấn đề ô nhiễm môi sinh, cư dân này khẳng định.